Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bank sẽ dần hồi phục nhưng sóng ngành chưa sớm trở lại

Sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ chưa trở lại sớm và hình thành đợt sóng mới như đầu năm nay nhưng ít nhất nhiều cổ phiếu sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại ít nhất từ 5 - 15% trong thời gian tới.

Thị trường trong nước khép lại tuần tăng thứ 2 liên tiếp và lập đỉnh cao mới, thanh khoản thị trường cũng lập kỷ lục mới. Nhóm cổ phiếu bluechip hồi phục đã dẫn dắt đà tăng mạnh của thị trường, giúp chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.450 điểm ở phiên cuối tuần.Giai đoạn tăng mạnh liên tiếp cũng ghi nhận những phiên chốt lời ngắn hạn xuất hiện khi phần lớn vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Tuần giao dịch mới sẽ theo trạng thái nào, theo nhận định của các ông/bà?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Trong tuần vừa qua, nhiều số liệu vĩ mô quan trọng và kết quả kinh doanh trong tháng 10 đã được công bố với nhiều tín hiệu khả quan, nhất là chỉ số PMI đã vượt trên mức 50 điểm.

Cùng với đó, dòng tiền tiếp tục thể hiện sức mạnh khi xuất hiện phiên giao dịch với thanh khoản hơn 2 tỷ USD giúp xu hướng tăng điểm được dự báo tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Xu hướng tăng sẽ tiếp tục duy trì và VN-Index sẽ chinh phục những cột mốc mới, tuy nhiên, trong một xu hướng tăng chủ đạo vẫn có những nhịp điều chỉnh nhỏ hoặc tích lũy để hấp thụ lượng cung bán ra để thị trường đi lên bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần qua dù chịu áp lực khá lớn nhưng vẫn duy trì đà tăng nhẹ so với tuần trước và đặc biệt thanh khoản đạt ở mức kỷ lục.

Động lực chung của thị trường còn khá lớn đặc biệt là nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng có tín hiệu hồi phục như ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên nhà đầu tư cần trở nên thận trọng hơn và tránh những phiên mua đuổi theo những cổ phiếu tăng nóng.

Thông thường, sau khi đạt đỉnh thị trường sẽ có thời gian phân phối và đi ngang, vì vậy thị trường giao dịch trong tuần mới sẽ còn nhiều phiên giằng co và có thể đi ngang trong biên độ hẹp trong một thời gian trước khi có thể tăng trưởng tiếp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi cho rằng, thị trường vẫn sẽ duy trì trạng thái tích cực trong tuần tới mặc dù một vài nhịp điều chỉnh xen kẽ có thể xuất hiện. Có thể thấy, tâm lý thị trường đã hồi phục trở lại sau khi chỉ số gặp phải áp lực chốt lời mạnh vào phiên giữa tuần với mức thanh khoản kỷ lục.

Cá nhân tôi đánh giá, đây là một tín hiệu tích cực và điều này sẽ giúp đà tăng của chỉ số mang tính bền vững hơn trong trung - dài hạn.

Một số thông tin có kỳ vọng sẽ tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư như số liệu lợi nhuận các doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng của đợt giãn cách thứ 4, tình hình tình vĩ mô quý III cũng đã qua đi. Do vậy, tôi đánh giá các tháng cuối năm sẽ là thời điểm nền kinh tế dần hồi phục và là mùa cao điểm kết quả kinh doanh, đây sẽ là động lực để dẫn dắt thị trường thời gian tới.

Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu bluechips sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nếu quan sát có thể thấy, dòng tiền ngắn hạn vẫn đang tham gia thị trường ở cường độ rất cao, thể hiện qua tình trạng margin đang “căng cứng” ở hàng loạt CTCK lớn. Yếu tố này tác động mạnh nhất tới xu thế hiện tại của thị trường trong những phiên tới không, theo các ông/bà?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

1.jpg
Ông Đào Tuấn Trung.

Yếu tố khiến tác động của margin không còn trọng yếu đó là số lượng nhà đầu tư mở mới và lượng tiền mặt mới được đưa vào thị trường luôn là lực cầu tiềm năng bền vững cho xu hướng tăng giá hiện tại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi dòng tiền margin gia tăng sẽ dẫn đến vòng quay cổ phiếu diễn ra nhanh hơn và khi có biến động mạnh, nhà đầu tư cũng sẽ thay đổi trạng thái từ mua chuyển sang bán rất nhanh. Đó là hiện tượng xuất hiện trong vài phiên gần đây khi có những hiện tượng cổ phiếu bị bán sàn hàng loạt dù không có thông tin xấu nào xuất hiện.

Dòng tiền margin đẩy lên quá cao cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro ngắn hạn với thị trường. Những phiên điều chỉnh xuất hiện trong tuần qua có thể xem là tín hiệu tốt giúp nhà đầu tư cẩn trọng hơn và hạn chế đẩy margin lên quá cao khi thị trường đang giao dịch khá nóng như hiện nay.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Việc dòng tiền đảo lớp từ nhóm bluechips sang các cổ phiếu mid-cap và penny là trạng thái vận động khá tự nhiên trong một xu thế tăng.

Để lý giải về hiện tượng này, tôi cho rằng rằng, mỗi nhóm cổ phiếu sẽ có một câu chuyện để tăng trưởng riêng và dòng tiền sẽ thường có xu hướng tìm tới các cơ hội khác chưa tăng giá sau khi đã đạt được mức sinh lời kỳ vọng.

Dòng tiền theo tôi sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường ở cường độ cao, một số thông tin hỗ trợ có thể kể tới như: (1) số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10 đạt tới trên 130 nghìn đơn vị và đạt hơn 1 triệu đơn vị nếu tính từ đầu năm, điều này cho thấy lượng cầu đang áp đảo nguồn cung bán ra và (2) số dư tiền gửi của các nhà đầu tư tại các CTCK tính đến cuối quý III đang ở mức trên 100 nghìn tỷ đồng, đây là con số lớn nhất trong lịch sử. Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi gói hỗ trợ kinh tế có quy mô 800 nghìn tỷ đồng được thông qua.

Tôi duy trì quan điểm Index sẽ tiếp tục uptrend và quá trình này sẽ chỉ kết thúc khi xu hướng trung và dài hạn đảo chiều, tuy nhiên tôi cho rằng thị trường vẫn còn nhiều dư địa thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian giao dịch khá trầm lắng đã bắt đầu trở lại sôi động hơn từ cuối tháng 10. Trong đó một số mã đáng chú ý như CTG, SHB, LPB về biến động giá lẫn thanh khoản. Ở thời điểm hiện tại, ông/bà đánh giá như thế nào về khả năng trở lại “đường đua” của nhóm cổ phiếu được mệnh danh là “vua” trên TTCK, và đâu là yếu tố củng cố cho niềm tin đó?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Các cổ phiếu ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực hơn kỳ vọng, tuy nhiên, giá cổ phiếu chưa có nhiều bứt phá lớn và với việc đã tích lũy rất tốt trong thời gian vài tháng qua thì dòng Ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và sẽ còn dư địa tăng giá trong quý IV/2021 và năm 2022.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng có duy trì mức tăng trưởng cao sẽ là điểm đến tích cực của dòng tiền hơn, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân với tầm nhìn và đà tăng trưởng lớn như TCB VIB… sẽ là đầu tàu kéo cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngân hàng nhìn chung đã điều chỉnh gần 20% so với đỉnh trong năm nay trong đó có khá nhiều cổ phiếu rơi khá sâu như CTG, VIB, LPB. Sau thời gian điều chỉnh thì giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi P/Bv của nhiều ngân hàng đã dưới 2 và PE trung bình cũng đã dưới 16.

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng dù khả năng tiềm ẩn nợ xấu tăng lên khá cao trong các tháng cuối năm nhưng nhiều nhà băng vẫn thu được lợi nhuận từ các khoản gia tăng dịch vụ và đầu tư tài chính. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp quay lại hoạt động kinh doanh cũng giúp gia tăng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và cũng góp phần xử lý nợ xấu.

Có thể, sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ chưa trở lại sớm và hình thành đợt sóng mới như đầu năm nay nhưng ít nhất nhiều cổ phiếu sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại ít nhất từ 5 - 15% trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

1(1).jpg
Ông Nguyễn Anh Khoa.

Tôi vẫn kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ quay trở lại là động lực tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới.

Có thể thấy, áp lực bán tại nhóm này đã tăng cao sau khi bật tăng mạnh vào giữa tuần trước, tuy nhiên đây là hiện tượng dễ hiểu do có một lượng cung cổ phiếu rất lớn của các nhà đầu tư bị “kẹp” từ giai đoạn trước.

Tôi đánh giá, sẽ cần thêm thời gian để có thể hấp thụ hết lượng cung nói trên trước khi nhóm cổ phiếu này hình thành kênh uptrend ổn định. Nhìn lại kết quả kinh doanh quý III, nhóm ngành này mặc dù không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như hồi đầu năm những vẫn là một trong những điểm sáng trong thời kỳ Covid.

Nhìn dài hơn, tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều thông tin liên quan tới chính sách hỗ trợ, nới room tín dụng – hoặc các sự kiện sẽ tạo sự sôi động đối với thị trường như tăng vốn, phát hành.

Những lo ngại về rủi ro nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể do mặt bằng giá bất động sản đã tăng đáng kể trong khi đây là tài sản đảm bảo chủ yếu của tín dụng ngân hàng.

Hết nhóm cổ phiếu này đến nhóm khác đang thay nhau đẩy chỉ số, vì thế hành trình chinh phục đỉnh mới của chỉ số chưa dừng lại. Tuy nhiên, hiện tượng thị trường tăng mà nhiều nhà đầu tư than không lời hoặc lỗ là khá phố biến khi danh mục ko có nhóm ngành dẫn dắt. Chính vì vậy, thay vì quan tâm quá về thị trường chúng ta nên quan tâm hơn về danh mục hiện tại. Vậy đâu là chiến thuật ông/bà đang áp dụng?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhà đầu tư nên tập trung dòng tiền đầu tư vào các ngành và các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong giai đoạn quý IV/2021 và năm 2022, điểm đến dòng tiền nên là các nhóm ngành được dự báo hưởng lợi khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại và tự tin nắm giữ trong dài hạn như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công, vật liệu xây dựng, bất động sản, bán lẻ, xuất nhập khẩu, bảo hiểm…

Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý mức giá mua cổ phiếu đi kèm với mức tăng trưởng lợi nhuận dự phóng khả thi của doanh nghiệp để tránh vướng bẫy dòng tiền đầu cơ kỳ vọng quá mức.

Với việc dòng tiền có xu hướng luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành, hành động mua đuổi các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và chưa có nhiều dự phóng lợi nhuận khả thi sẽ dễ dẫn đến tình trạng mua đuổi phải đỉnh ngắn hạn và ảnh hưởng đến trạng thái tài khoản của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong giai đoạn vừa qua có mức độ xoay vòng cổ phiếu rất nhanh và liên tục thay đổi qua từng phiên từ các nhóm ngành dầu khí đến phân đạm rồi bất động sản, dệt may…

1.png
Ông Nguyễn Hồng Khanh.

Nếu nhà đầu tư liên tục chạy theo các nhịp sóng này, đôi lúc sẽ bị lỡ nhịp và nếu chậm có thể bị thiệt hại khi các đợt sóng rất ngắn chỉ diễn ra vài phiên. Vì vậy, để duy trì an toàn thì nhà đầu tư có thể lựa chọn một số cổ phiếu thuộc các ngành mục tiêu và phân bổ đều. Việc chọn cổ phiếu tăng trưởng có thể lỡ nhịp trong ngắn hạn nhưng về dài hạn vẫn tăng trưởng và không sợ bị thua lỗ khi sóng cổ phiếu qua đi.

Giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên đa dạng danh mục hơn và lựa chọn nhiều cổ phiếu hơn để có thể tận dụng nhiều đợt sóng của thị trường. Điều cần thiết là giữ tỷ trọng ở mức vừa phải và hạn chế đẩy margin quá cao có thể gây rủi ro cho cả danh mục khi thị trường bất ngờ đảo chiều.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Trong một chu kỳ Uptrend, nhà đầu tư nên tập trung nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng.

Theo tôi, giai đoạn tới sẽ có một số chủ đề đầu tư chính mà nhà đầu tư cần quan tâm như (1) chủ đề đầu tư công – đây là một chủ đề có độ an toàn cao và mang tính dài hạn; (2) chủ đề xuất khẩu – nhóm ngành này được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục tích cực trong giai đoạn tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch và (3) chủ đề tăng giá hàng hóa toàn cầu – tập trung vào các ngành như hóa chất, phân bón, nhựa...

Ngoài ra, 2 nhóm cổ phiếu trọng điểm là bất động sản và ngân hàng cũng có triển vọng tăng giá tốt trong giai đoạn cuối năm - 2022.

Chiến lược tôi đưa ra là tận dụng các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để tích lũy thêm các cổ phiếu thuộc các nhóm kể trên, đối với những mã đã công bố lợi nhuận quý III thua lỗ nhưng vẫn tăng nóng thì có thể cân nhắc chốt lời để bảo toàn thành quả và hạn chế rủi ro khi thị trường đảo chiều.

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương