3 đại biểu Quốc hội nêu ý kiến gì về vụ án Hồ Duy Hải?

Sau khi tòa án Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải kết thúc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã gửi văn bản kiến nghị tới Chủ tịch nước về vụ án này.

Theo đó, sau kết quả của phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải , ngày 13/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  Lưu Bình Nhưỡng cho biết đã gửi văn bản kiến nghị tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội về vụ án.

Trong nội dung văn bản kiến nghị, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 8/5/2020, TAND tối cao tuyên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải gây nên sự bức xúc rất lớn trong xã hội, theo thông tin trên VTC news.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, xã hội, người dân, cử tri đang nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa. Ông Nhưỡng cũng cho rằng sự nghi ngờ ấy là có cơ sở.

Đồng thời, trong văn bản kiến nghị, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng chỉ rõ một số vấn đề đang tồn tại cần giải quyết liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải như: Dư luận rất dị nghị về việc ông Nguyễn Hòa Bình, người đã quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao, nay lại ngồi ghế chủ tọa xét xử kháng nghị giám đốc thẩm.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Hai là, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, có thể nói nhiều vấn đề khuất tất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua.

Ba là, quá trình xét xử, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tự đặt ra một quyền năng trên cả luật do Quốc hội ban hành.

Về phát ngôn của 2 Phó chánh án TAND tối cao là Nguyễn Trí Tuệ, Bùi Ngọc Hòa xung quanh vụ án và quá trình xét xử, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã cho thấy quan điểm không chuẩn định về thẩm quyền của VKSND tối cao, về vai trò của Chánh án TAND tối cao, về tính độc lập của thẩm phán, nhất là về cách thu thập, đánh giá chứng cứ. 

Qua những vấn đề nêu trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Ban Nội chính, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về vụ án Hồ Duy Hải.

Đồng thời, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thời gian qua.

Với những quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND, Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã có bài chia sẻ. Trong đó ông viết: “Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy”.

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, Quốc hội cần giám sát lập luận sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, kháng nghị của VKSND Tối cao không đề cập đến việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Có nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại.

Không chỉ 2 vị ĐBQH trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đã nhất trí với đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án Hồ Duy Hải. Ông cho đối với bản án tử hình nếu sai sót thì chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa chữa.

Trước đó chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Theo đó, bản án sẽ tiếp tục được thi hành và Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt.

Ngày 10/5, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải , bà Nguyễn Thị Loan cho biết đã gửi đơn đến chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ mong muốn cơ quan giám sát của Quốc hội tiếp tục kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Bà Loan bày tỏ trong đơn, bà đã suy sụp sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị của VKSND Tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Trước đó, luật sư Trần Hồng Phong, người trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải đưa ra ý kiến: Theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vẫn còn trình tự nữa, đó là xem xét lại quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm.

Trường hợp thấy phán quyết của Hội đồng giám đốc thẩm chưa công bằng, khách quan thì UB Thường vụ QH có thể yêu cầu xem xét lại.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương