Alibaba và Tencent của Trung Quốc đứng sau những ví điện tử nào ở Việt Nam?

Thông qua hoạt động trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp, Alibaba và Tencent đang có sức ảnh hưởng tại 11 ví điện tử Đông Nam Á. Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam là những thị trường chịu sự ảnh hưởng của hai thương hiệu Trung Quốc trên.

Theo nghiên cứu của DealStreetAsia, Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding và Tencent Holdings đã và đang tham gia vào thị trường thanh toán kỹ thuật số đang bùng nổ của Đông Nam Á.

Đến năm 2025, 114 tỷ USD sẽ được thanh toán phi tiền mặt

Thị trường thanh toán kỹ thuật số của Đông Nam Á được Google, Temasek và Bain & Co dự đoán sẽ phình to gấp hơn 5 lần giá trị giao dịch từ năm 2019 đến 2025, tức 114 tỷ USD.

Dự báo trên có vẻ khiêm tốn sau đại dịch COVID-19 khi phong toả và các biện pháp cách ly xã hội đã biến khu vực từng rất bảo thủ trong việc này thành những nơi chấp nhận ví điện tử nhanh chóng.

Lấy ví dụ về Grab. Siêu ứng dụng vận hành ví GrabPay trên sáu quốc gia được DealStreetAsia khảo sát. Công ty này cho biết, họ đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng người dùng không dùng tiền mặt lần đầu cho GrabFood vào tháng 2 và tháng 3. Nhìn chung, xu hướng không dùng tiền mặt trong ứng dụng của họ tăng vượt bậc trong vài tuần đầu tiên thực hiện các biện pháp cách ly xã hội.

GrabPay ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến kể từ đại dịch COVID-19. Ảnh: Tất Đạt
GrabPay ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến kể từ đại dịch COVID-19. Ảnh: Tất Đạt

Chính phủ các nước cũng rất ưu ái cho xu hướng này. Là một phần của sáng kiến e-Tunai Rakyat của Malaysia nhằm khuyến khích sử dụng ví điện tử, chính phủ đã dành 450 triệu ringgit (105 triệu USD) để cung cấp tín dụng miễn phí cho các công dân đủ điều kiện. Malaysia đã chọn ba nhà khai thác ví điện tử cho việc giải ngân, giúp họ dễ dàng thâm nhập vào thị trường địa phương.

Gần 3 triệu người Malaysia đã đăng ký sáng kiến và khoảng 66 triệu ringgit đã được giải ngân vào tháng 1, Bộ trưởng Tài chính nước này xác nhận.

Một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Việt Nam. Đại dịch COVID-19, cùng với việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công cộng, đã thúc đẩy các giao dịch phi tiền mặt tăng nhanh trong 4 tháng đầu năm 2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thanh toán Internet cũng đã được mở rộng. Số lượng giao dịch tăng 3,2% và lượng giao dịch tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch qua thanh toán di động tăng gần 200% và lượng giao dịch tăng 22% tương ứng.  ZaloPay được hỗ trợ bởi Tencent, Momo có bệ đỡ Warburg Pincus và Moca được Grab hậu thuẫn có thể sẽ củng cố vị thế thống lĩnh thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.

Thanh toán phi tiền mặt tại Đông Nam Á rất tiềm năng. Ảnh: ANR
Thanh toán phi tiền mặt tại Đông Nam Á rất tiềm năng. Ảnh: ANR

Số liệu người dùng khủng không phải là một dấu hiệu của sự thành công đối với thanh toán kỳ thuật số và ví điện tử. Sau nhiều năm đốt tiền, các nhà đầu tư khó có thể chịu đựng được thời gian thua lỗ kéo dài và có thể gây áp lực cho các nhà khai thác ví điện tử.

Gần đây, tình trạng “gãy gánh giữa đường” đang rất phổ biến. Số lượng các nhà khai thác ví điện tử hoặc tiền điện tử được cấp phép đã giảm ở Philippines và Thái Lan kể từ cuối năm ngoái.

Alibaba và Tencent có 11 ví điện tử ở Đông Nam Á

Dữ liệu do DealStreetAsia tổng hợp cho thấy, hai thế lực này đã tham gia vào ít nhất 11 thương hiệu thanh toán kỹ thuật số hoặc ví điện tử ở sáu thị trường chính: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Alibaba và Tencent đối đầu nhau qua các ví điện tử đầu tư gián tiếp. Alibaba có eMonkey và Truemoney. Tencent có AirPay và ZaloPay.

Alibaba và Tencent đang hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Đồ hoạ: Tất Đạt
Alibaba và Tencent đang hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Đồ hoạ: Tất Đạt

Các dịch vụ ví điện tử mà Alibaba và Tencent hoạt động gián tiếp đạt tới 150 triệu người dùng và thường là các thương hiệu dẫn đầu trong mỗi thị trường. Trong khi Alibaba có lợi thế ở Malaysia và Myanmar, Tencent dường như đang dẫn đầu tại Việt Nam. Cả hai tên tuổi này dường như tương đối đồng đều ở thị trường Philippines và Thái Lan.

Ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, những người khổng lồ Trung Quốc không có quá nhiều “đất dụng võ”. Tencent sở hữu cổ phần của Gojek, tuy nhiên ví điện tử GoPay sau này không nằm trong số những sản phẩm Tencent được tiếp cận.

Siêu ứng dụng Gojek với ví điện tử GoPay thống trị hoàn toàn thị trường Indonesia. Dịch vụ này dường như đã được tăng cường thêm nguồn lực hơn nữa với các khoản đầu tư mới từ Facebook và nhóm thanh toán điện tử PayPal.

Với sự hợp nhất giữa OVO, được hỗ trợ bởi Grab, và DANA, được hỗ trợ bởi Ant Financial của Alibaba, có thể sẽ thay đổi cục diện. Sự kết hợp này dự kiến sẽ cướp đi không ít thị phần của GoPay và giúp liên minh trên nổi lên thành thương hiệu thanh toán kỹ thuật số lớn nhất ở Indonesia.

Alibaba và Tencent, ai thắng ai thua vẫn chưa phân định, nay càng khó hơn khi các đối thủ địa phương đang gây áp lực lại với hai thế lực này. Các nguồn tiền nội địa của Grab và Gojek đang tăng cường sức ép đối với Alibaba và Tencent trong khu vực.

Alibaba và Tencent vẫn chưa phân thắng bại về thị trường ví điện tử ở Đông Nam Á. Ảnh: Reuters
Alibaba và Tencent vẫn chưa phân thắng bại về thị trường ví điện tử ở Đông Nam Á. Ảnh: Reuters

Thị trường sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi “xương sống” thanh toán quốc gia được tiêu chuẩn hóa. Khi một vài cái tên được chỉ định làm khuôn mẫu cho cả nước về thanh toán phi tiền mặt, không còn quá nhiều người chơi mới dám ló mặt trong thị trường này.

Những thay đổi trong môi trường chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến thanh toán phi tiền mặt. Các nước Đông Nam Á đã mở cửa thị trường cho nước ngoài trong khi chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các dịch vụ tài chính. Mặt khác, đại dịch COVID-19 đã buộc chính phủ nhiều nước phải cân nhắc lại sự phụ thuộc của họ vào hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.

Khi chính phủ các nước Đông Nam Á tăng cường nỗ lực số hóa nền kinh tế của họ và thúc đẩy số hoá tài chính, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ giúp sức cho các tay chơi trong nước thống trị toàn bộ hệ sinh thái. Điều này có nghĩa là ngay cả khi các công ty nước ngoài được phép trực tiếp vận hành ví điện tử, chưa chắc các công ty này vượt mặt được những tên tuổi nội địa “nhà mặt phố, bố làm to” nhiều năm qua.

Theo Nikkei

TÁT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương