“Bắc hành lược ký” - phong vũ biểu đo những thăng trầm thời Hậu Lê

"Bắc hành lược ký" góp phần soi rọi nhiều góc tối bị bỏ quên, giải mã những nghi vấn về thời kỳ lịch sử đầy biến động cuối thế kỷ XVIII.

Nhà Lê Trung hưng (1533 - 1789) bắt đầu từ khi Thượng tướng quân Nguyễn Kim lập tông thất Lê Duy Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà Hậu Lê và kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Quốc dưới thời Thanh Cao Tông. Xuyên suốt 256 năm đây là một triều đại kéo dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam với nhiều biến động lớn lao, sôi động nhất trong lịch sử. Hoàn cảnh và điều kiện thực tế xã hội Đại Việt lúc bấy giờ sản sinh ra một hình thái chính trị xã hội rất đặc trưng, một giai đoạn tồn tại song song hai triều đại và các Hoàng đế nhà Lê chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có thực quyền.  

Dù thời kỳ này được sử sách nhắc tới trong các tác phẩm như “Khâm Ðịnh Việt Sử thông giám cương mục”, “Ðại Nam chính biên liệt truyện”, “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Đại Nam nhất thống chí”.. nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều điều về thời kỳ này chưa được biết tới trên phương diện lịch sử. Vì vậy, việc giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm của các tác giả viết trong thời kỳ lịch sử đó để góp phần tìm lại lịch sử thời kỳ ấy là điều cần thiết.

Mới đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm “Bắc hành lược ký” của Trường phái hầu Lê Quýnh qua bản dịch mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính.   

“Bắc hành lược ký” - phong vũ biểu đo những thăng trầm thời Hậu Lê

 Là một võ quan Đại Việt triều Lê Trung hưng, Lê Quýnh (1750 - 1805) được xem là một trung thần của vua Lê Chiêu Thống. Từng theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Hoa lưu vong, bị cầm tù hơn mười năm mới được về nước, nhưng Lê Quýnh vẫn không chịu khuất phục để thành người nhà Thanh. Dù sống lưu vong, nhưng khi quan quân nhà Thanh dụ gióc tóc và thay đổi lối ăn mặc, Lê Quýnh khảng khái nói: “Được ơn vời đến đây, chúng tôi chưa được nghe ngài dạy bảo rõ ràng gì cả, thế mà nay chỉ bắt chúng tôi gióc tóc thì há phải là ý muốn ban đầu của bọn Quýnh này chạy vạy hàng hai, ba ngàn dặm sang đây để nhận lãnh lệnh truyền ấy đâu? Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc chúng tôi không thể gióc được”. Khi gặp vua Càn Long nhà Thanh, nghe nhà vua nói: “Chúa nhà các ngươi đã tình nguyện yên phận ở lại Trung Quốc rồi, các ngươi đã một niềm theo vua thì khá lập tức gióc tóc và thay đổi lối ăn mặc để đợi lựa chọn bổ dùng”, Lê Quýnh từ tạ mà rằng: “Muôn dặm đi tòng vong, chúng tôi xin được giữ theo quốc tục để vào yết kiến quốc vương một chút đã, rồi sau sẽ xin vâng theo chỉ dụ gióc tóc cũng chưa muộn”.

Lê Quýnh để lại khá nhiều tác phẩm có giá trị sử liệu và văn chương, trong đó quan trọng nhất là tác phẩm “Bắc hành lược ký” (tập hợp những ghi chép khi sang đất Bắc).

Đây là một tác phẩm “hồi ký chính trị” mà trọng điểm là mười năm ông bị cầm tù trong nhiều nhà ngục tại Trung Hoa sau khi theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang phương Bắc lưu vong. Ở tác phẩm này, Lê Quýnh nhấn mạnh vào những dấu mốc cuộc đời từ khi sang Quảng Tây lần thứ cho đến khi đưa hài cốt vua Lê về nước. Cuốn hồi ký chủ yếu là chép lại di sản văn chương vốn dĩ quan trọng đối với nhà nho thuở trước, tuy nhiên có thể dùng như một tấm gương soi phản ảnh giao tình giữa Trung Hoa và An Nam, khi thắm thiết, khi lạnh nhạt, khi ruồng rẫy.

Dù có nhiều hạn chế về không gian và thời gian do phần lớn thời gian ở Trung Hoa ông bị biệt giam trong ngục nhưng tác phẩm này là một tài liệu quan trọng giúp làm sáng tỏ nhiều câu hỏi xuyên suốt một giai đoạn lịch sử Việt Nam dài hơn hai thế kỷ. Bản dịch lần này của Nguyễn Duy Chính, cùng với bản dịch trước đó của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là một tài liệu quan trọng, như một góc cạnh khác để soi sáng cho lịch sử giao thiệp với phương Bắc, góp phần giúp bạn đọc và những ai muốn tìm hiểu tìm lại lịch sử của thời kỳ ấy.

Tác phẩm này có thể được xem như một phong vũ biểu đo lường gió mưa, thăng trầm của thời cuộc. Thông qua tác phẩm, bạn đọc phần nào hiểu được những lên xuống trong bang giao Thanh - Việt từ đời Quang Trung sang đời Cảnh Thịnh và sau cùng là đời Gia Long. Trong bối cảnh lịch sử dồn dập đầy biến động cuối thế kỷ XVIII, tác phẩm này góp phần vào việc soi rọi nhiều góc tối bị bỏ quên, giải mã những nghi vấn về thời kỳ này. Bên cạnh đó “Bắc hành lược ký” giống như những điểm tựa để giải thích tình hình Đàng Ngoài và những biến chuyển cụ thể trong giao thiệp giữa Trung Hoa và Đại Việt, đặc biệt là khoảng chừng mươi năm cuối thế kỷ XVIII.

Sinh năm 1948, Nguyễn Duy Chính là tác giả, dịch giả của nhiều nhiều cuốn sách thuộc mảng lịch sử, đặc biệt là mảng lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn như: “Việt - Thanh chiến dịch”, “Thanh - Việt nghị hòa”, “Lê mạt sự ký - Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII”, “Khâm định An Nam Kỷ lược”, “Đại Việt quốc thư”, “Đàng Trong thời chúa Nguyễn”, “Núi xanh nay vẫn đó”, “Vó ngựa và cánh cung nhà nghiên cứu”. Với bản dịch tác phẩm “Bắc hành lược ký”, Nguyễn Duy Chính dựa theo bản Hán văn của tạp chí Nam Phong, có đối chiếu, bổ túc, tham khảo các bản in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san và lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cùng những tài liệu, văn thư của triều Thanh trong cùng thời điểm. Tác phẩm này sẽ phần nào góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn đa nhiều, sáng tỏ hơn khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử từ cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn.

Phạm Ngọc (T/H)

'Lược sử Thế giới': quên hết tất cả để đắm mình trong quá vãng của dòng chảy lịch sử

"Lược sử Thế giới": quên hết tất cả để đắm mình trong quá vãng của dòng chảy lịch sử

Như một bài thơ về lịch sử thế giới, E.H.Gombrich lịch lãm dẫn người đọc đi từ thời kỳ Đồ đá đến thời kỳ của năng lượng nguyên tử