Bài toán 'người kế vị' ở Triều Tiên

Những biến động tại Triều Tiên đang được dư luận quốc tế rất quan tâm, từ sau khi có những tin đồn về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hãng tin Reuters dẫn lời 3 người thạo tin cho biết Trung Quốc đã cử một đội ngũ tới Triều Tiên bao gồm các chuyên gia y tế để cố vấn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un .

Chuyến đi của các bác sĩ và quan chức Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có các tin tức mâu thuẫn về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un. Reuters cho biết họ không thể xác định được ngay liệu chuyến đi của các quan chức Trung Quốc báo hiệu điều gì về sức khỏe của ông Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-Un trong một lần xuất hiện hôm 12/4. Ảnh: Reuters
Ông Kim Jong-Un trong một lần xuất hiện hôm 12/4. Ảnh: Reuters

Hai người nói với Reuters rằng một phái đoàn do một thành viên cao cấp của Ban Liên lạc Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu đã rời Bắc Kinh đến Triều Tiên ngày 23/4. Ban này là cơ quan chính của Trung Quốc đặc trách việc giao tiếp với nước láng giềng Triều Tiên. Các nguồn tin từ chối công khai danh tính vì tính chất nhạy cảm của sự việc.

Reuters cho biết không thể liên lạc được với ban này để xin bình luận vào cuối ngày 24/4. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận vào cuối ngày này.

Daily NK, một trang web đặt trụ sở tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đầu tuần này dẫn một nguồn tin giấu tên ở Triều Tiên cho biết ông Kim Jong-un đang hồi phục sau khi trải qua một ca phẫu thuật tim mạch vào ngày 12/4 vừa qua.

Các quan chức Chính phủ Hàn Quốc và một quan chức Trung Quốc trong Ban Liên lạc Đối ngoại bác bỏ các bản tin sau đó nói rằng ông Kim Jong-un đang gặp nguy kịch sau ca phẫu thuật. Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu của hoạt động bất thường nào tại Triều Tiên.

Ngày 24/4, một nguồn tin ở Hàn Quốc nói với Reuters rằng tình báo của họ cho biết ông Kim Jong-un còn sống và có thể sẽ sớm xuất hiện. Người này nói ông không có bất cứ bình luận nào về tình trạng hiện nay của ông Kim Jong-un hay bất kỳ sự liên quan nào của Trung Quốc.

Một nguồn tin từ Hàn Quốc hôm 24/4 tiết lộ với Reuters rằng thông tin tình báo của họ cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sớm xuất hiện trước công chúng. Ảnh: Reuters
Một nguồn tin từ Hàn Quốc hôm 24/4 tiết lộ với Reuters rằng thông tin tình báo của họ cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sớm xuất hiện trước công chúng. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, một quan chức nắm thông tin tình báo Mỹ nói rằng ông Kim Jong-un được biết là có vấn đề về sức khỏe. Họ không có lý do gì để kết luận ông bị bệnh nặng hoặc cuối cùng không thể tái xuất hiện trước công chúng. Khi được hỏi về sức khỏe của ông Kim Jong-un trên đài Fox News ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Tôi không có bất cứ điều gì có thể chia sẻ với bạn tối nay, nhưng người dân Mỹ nên biết rằng chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình".

Triều Tiên là một trong những quốc gia biệt lập và bí mật nhất thế giới, sức khỏe của các nhà lãnh đạo nước này được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin lần cuối về ông Kim Jong-un khi ông chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 11/4 vừa qua, thị sát cuộc diễn tập của máy bay chiến đấu thuộc một đơn vị phòng không.

Không rõ việc thị sát diễn ra khi nào, tin tức được tường thuật trên truyền thông nhà nước ngày 12/4. Truyền thông nhà nước không đưa tin ông tham dự sự kiện kỷ niệm sinh nhật ông nội Kim Nhật Thành vào ngày 15/4, một dịp kỷ niệm quan trọng tại Triều Tiên.

Theo các hình ảnh thu được từ vệ tinh và được dự án 38North từ Washington chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên phân tích, một đoàn tàu đặc biệt, có thể là tàu của ông Kim Jong-un, trong tuần này được nhìn thấy ở một thị trấn nghỉ dưỡng. Dự án 38North trong một báo cáo ngày 25/4 cho biết đoàn tàu đỗ tại "ga lãnh tụ" ở Wonsan vào ngày 21/4 và 23/4, đây là ga được dành riêng cho gia đình họ Kim.

Đoàn tàu thường phục vụ nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. Ảnh: Reuters
Đoàn tàu thường phục vụ nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. Ảnh: Reuters

Bản báo cáo của 38North cho biết: "Sự hiện diện của đoàn tàu không chứng minh được nhà lãnh đạo Triều Tiên đang ở đâu hay cho thấy bất kỳ chỉ dấu nào về sức khỏe của ông. Điều đó làm tăng thêm trọng lượng cho các tường thuật nói rằng ông Kim Jong-un hiện đang ở một khu vực cao cấp nằm trên bờ biển phía Đông đất nước".

Việc tường thuật tin tức từ Triều Tiên ra bên ngoài là vô cùng khó khăn do nước này kiểm soát rất chặt chẽ thông tin.

Là thế hệ thứ ba lên nắm quyền sau khi người cha Kim Jong-il qua đời hồi cuối năm 2011, ông Kim Jong-un chưa có người kế vị rõ ràng cho quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, điều này có thể tạo ra những rủi ro quốc tế lớn.

Daily NK dẫn một nguồn giấu tên từ Triều Tiên ngày 20/4 nói rằng ông Kim Jong-un đã được điều trị y tế tại khu nghỉ dưỡng Hyangsan ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Daily NK tường thuật ông Kim Jong-un cần được điều trị khẩn cấp liên quan tới việc ông nghiện thuốc lá nặng, béo phì và làm việc quá sức.

Bài toán "người kế vị"

Ông Kim Jong Un và em gái Kim Yo Jong năm 2018. Ảnh: Korea Summit Press Pool.
Ông Kim Jong Un và em gái Kim Yo Jong năm 2018. Ảnh: Korea Summit Press Pool.

Trong bối cảnh ông Kim Jong-un có vẻ như "gặp vấn đề sức khỏe", sự chú ý của giới quan sát hiện nay dồn vào hai nhân vật Kim Pyong-il và Kim Yo-jong.

Đại sứ Kim Pyong-il hiện nay ở đâu? Các nguồn tin từ Hàn Quốc cho BBC biết giới chức nước này đã chú ý đến ông Kim Pyong-il từ lâu vì ông là chú cùng ông nội, khác bà của Kim Jong-un. Là Đại sứ CHDCND Triều Tiên ở Ba Lan và Cộng hòa Czech, có nguồn tin nói ông đã về nước hồi năm 2019.

Vai trò của ông Kim Pyong-il nếu có được trong bộ máy chính trị của gia tộc Kim thì điều đó xuất phát từ quan hệ dòng máu. Là em cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-il, ông Kim Pyong-il được đào tạo bài bản và biết hai ngoại ngữ Anh và Ba Lan.

Theo một tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm Wilson mà BBC vừa tìm hiểu, ông Kim Pyong-il làm Đại sứ tại Ba Lan 17 năm liền. Một số hình ảnh ông Kim Pyong-il cùng con gái Eun Song và con trai In Kang chụp ở Vacsava (Ba Lan) hồi năm 2007 đã xuất hiện trên mạng Internet.

Nhiệm kỳ quá dài này gây ra đồn đoán rằng trong khi anh cùng cha khác mẹ làm lãnh đạo tối cao ở Bình Nhưỡng, ông Kim Pyong-il "bị đi đày ở Đại sứ quán" một nước châu Âu không phải quan trọng nhất trong quan hệ với Triều Tiên. Đồng thời, có cách giải thích khác rằng Triều Tiên rất e ngại chuyển đổi chế độ kiểu Ba Lan hồi năm 1989 nên phải để một người thân thuộc của nhà lãnh đạo cao nhất làm đại sứ. Các nguồn tin không được kiểm chứng nói ông Kim Pyong-il bị gọi về Bình Nhưỡng.

Bà Kim Yo-jong, sinh năm 1987, trở thành
Bà Kim Yo-jong, sinh năm 1987, trở thành "cánh tay phải" của ông Kim Jong-un trong các sứ mệnh ngoại giao quan trọng với Hàn Quốc.  

Kim Yo-jong, sinh năm 1987, từng cùng anh trai Kim Jong-un học ở Thụy Sĩ. Người phụ nữ này xuất hiện lần đầu trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Triều Tiên hồi năm 2014. Sau đó, bà trở thành "cánh tay phải" của ông Kim Jong-un trong các sứ mệnh ngoại giao quan trọng với Hàn Quốc. Bà đã có mặt tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, cùng ông Kim Jong-un tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Leif-Eric Easley, Phó giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ewha ở Seoul, được báo Anh trích lời nói: "Chế độ Triều Tiên là công việc của một gia tộc nên Kim Yo-jong đã chứng tỏ năng lực hiện đại hóa thương hiệu của chế độ và có vẻ như nắm ngành tuyên giáo. Vai trò quan trọng nhất của bà là người được anh trai tin tưởng".

Nhà quan sát Leonid Petrov từ Sydney được trang The Guardian (Anh) trích dẫn nói rằng vì được anh trai tin tưởng, bà Kim Yo-jong "giúp ông Kim Jong-un xây dựng hình ảnh tích cực khi giải quyết các vấn đề quốc tế".

Việc bà Kim Yo-jong có thể lên thay khi ông Kim Jong-un "có mệnh hệ nào" hay không là câu hỏi khó trả lời. Các ý kiến từ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên là một xã hội trọng nam, bà Kim Yong-jo chỉ có thể làm lãnh đạo tạm quyền chứ không thể lên nắm chức vụ cao nhất nước một khi ông Kim Jong-un không đủ sức khỏe hoặc qua đời.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và em gái Kim Yo Jong (phải) tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Nhà hòa bình vào ngày 27/4/2018 tại Panmunjom, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và em gái Kim Yo Jong (phải) tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Nhà hòa bình vào ngày 27/4/2018 tại Panmunjom, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Tác giả Suk Ho-shin trong bài viết có tựa đề "Kim Yo-jong có thể trở thành người kế nhiệm Kim Jong-un?" trên báo Donga-Ilbo ở Seoul ngày 17/4 cho rằng bà đã đảm nhận các trọng trách như là người thúc đẩy quan hệ liên Triều từ năm 2018 và gần đây bà chỉ đạo chống đại dịch COVID-19.

Bà không chỉ là em gái Kim Jong-un mà bà có thể đã tạo dựng được phe cánh quyền lực trong hệ thống. Để một phụ nữ trẻ lên nắm quyền trong cơ chế quyền lực Khổng giáo, trọng nam khinh nữ, xem ra không đơn giản và mọi việc cũng phải được giới cầm quyền, nhiều tướng lĩnh ở Triều Tiên nhất trí.

Một người nữa thuộc dòng máu gia tộc Kim là Kim Jong-chol, anh trai Kim Jong-un. Kim Jong-chol vốn thích âm nhạc và ít quan tâm đến chính trị. Barbara Demick viết trên tờ The New Yorker gần đây rằng Kim Jong-chol "có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng", từng bị cha chê là "giống con gái". Khả năng một người như vậy lên thống lĩnh quân đội Triều Tiên khó có thể được các nguyên soái, tướng lĩnh nước này chấp nhận.

Theo giới quan sát, nếu tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un xấu đi và không chọn được người kế vị trong dòng họ Kim, nguy cơ tranh giành quyền lực sẽ nổ ra. Các vụ thanh trừng kinh khủng đã xảy ra trước khi ông Kim Jong-un lên nắm toàn quyền hồi năm 2012.

(Nguồn: TTXVN) 

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương