Bao giờ đàn bà bớt khổ?

Xuất phát từ bản năng lo toan, ý thức sở hữu, phụ nữ đôi khi chẳng dành cho mình nhưng phải là của con khi chả may mình về cõi khác.

“Anh hứa với em đi, là anh sẽ chăm lo cho các con. Anh sẽ giữ hình ảnh với bên ngoại. Các cháu sẽ thấy ông luôn yêu bà dù hàng ngày chúng không còn gặp em nữa. Anh biết là em bị bệnh nan y, về thể xác thì chịu được, chứ tan nát về tinh thần mới là đau thật. Hứa với em là anh sẽ thay em lo chu toàn mọi chuyện với họ hàng bên em vì trong mắt mọi người, anh luôn là chàng rể đàng hoàng đáng khâm phục. Hứa với em …Hứa với em. Em chết đi là chết cái thân xác gửi tạm này thôi, chứ linh hồn em bất diệt. Em sẽ bên anh và con cháu hàng ngày. Em không bao giờ chết. Tin em đi!”

Bao giờ đàn bà bớt khổ?

Đấy là tâm lý của nhiều người vợ khi mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu sống, biết sẽ ra đi một ngày nào đó và điều nung nấu trong tâm trí, ý thức thực hiện mọi việc trước khi mất, là giữ chồng. Giữ về những lời hứa, và hợp thức hóa tài sản, càng chia cho con bao nhiêu, càng như còn và sẽ bớt mất vào tay một người đàn bà hay họ hàng bên ông ấy nếu chồng “đi bước nữa”.

Phụ nữ Việt Nam đa phần là vậy. Xuất phát từ bản năng lo toan cho người khác (bố mẹ, con cái), ý thức sở hữu chồng và tài sản, đôi khi chẳng dành cho mình nhưng phải là của con khi chả may mình phải buông xuôi về cõi khác.

Nhiều cặp vợ chồng yêu thương hạnh phúc vài chục năm, chồng đưa đủ lương, làm ăn gì bàn với vợ và vợ quản lý kinh tế. Cả đời không bồ bịch hay vướng tệ nạn. Cuộc sống êm đềm trôi qua, bao cái hay lâu nay của chồng mà vợ tự hào bỗng biến mất, thay vào đấy là những tật xấu của ông A, ông B nào đó, nay là của chồng. 

Bao giờ đàn bà bớt khổ?

Người vợ dính K. Hạn sống không quá 6 tháng. K gây đau thể xác nhưng trí tuệ luôn minh mẫn. Chồng ngày đêm tìm kiếm thuốc thang tốt nhất cứu vợ. Vợ thì dành toàn bộ thời gian cuối làm việc với luật sư về chia tài sản, chi ly hơn vợ chồng ly dị chia tại tòa.

Bác trai gần 70, đạo đức tư cách sáng ngời, chưa biết nói dối vợ con một câu... bây giờ trong mắt vợ thoắt thành một thanh niên trẻ trâu, sẽ yêu đương gái gú vung tay tán tiền, sẽ quên con cháu hay các cuộc đoàn viên mỗi tuần của nhà vợ như 40 năm qua vẫn thế. Vậy, ta phải chia tài sản hết nhằm bớt thất thoát. Ta phải dùng lời hứa để ràng buộc.

Và…ta cần có thầy giỏi để yểm thân xác của ta làm sao sau khi chỉ còn là làn khói mỏng thì linh hồn vẫn mạnh mẽ quấn quanh chồng mà quên mất chồng cũng đầy bệnh, cần chữa chạy. Chồng là người đức độ và ý thức giữ hình ảnh hơn chính con ngươi của mắt.

Trước, có người quen của gia đình khi biết bị mắc bệnh sẽ mất, bèn dùng sức tàn lực kiệt tìm được người bạn có hoàn cảnh phù hợp và thuyết phục chồng mình sẽ lấy cô ấy, sau khi mình chết. Hai người đó về sau yên ấm bên nhau, và người vợ như hiển thánh. Chuyện những người đàn bà biết xả thân, yêu chồng, lo cho chồng bằng cách đem hạnh phúc cho chồng khi mình đã đi rồi giờ sao hiếm thế.

Là phụ nữ, đôi khi cần biết cách buông xuôi để được hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Là phụ nữ, đôi khi cần biết cách buông xuôi để được hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Ta có gì? Ta mất gì? Ta chỉ trả lời khi còn hít thở, chân còn đi lại trên mặt đất và phân biệt được mùi hoa gì thơm thế vào mùa xuân hay cơn gió quay đông, mai trời sẽ khô ráo.  Đến một ngày như mọi ngày, biết thân xác sẽ không còn của ta mà thành làn khói mỏng mờ tan loãng vào hư không thì chẳng nên níu kéo và ôm chặt cái gì.

Bao giờ đàn bà bớt khổ, cả khi đã chết rồi?
Bao giờ đàn bà chỉ yêu thôi, đừng giữ?
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em 
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có 
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa 
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi. … (Tự Hát - Xuân Quỳnh)

Nguyễn Thị Thu Huệ

Muôn trùng cô đơn

Muôn trùng cô đơn

Nhiều lúc đi trên đường, tôi chỉ muốn đâm đầu vào cái xe tải. Đi khám, bác sĩ bảo tôi bị trầm cảm, cho thuốc, nhưng không ăn thua.