Nợ xấu của hệ thống ngân hàng lớn dần, đổ dồn vào bất động sản

áo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung và tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.

Do tác động của làn sóng Covid-19 thứ 2 đối với nợ xấu không nghiêm trọng như ước tính ban đầu nên nợ xấu tính đến ngày 30/9/2020 của BIDV gần như không đổi so với cuối tháng 6, ở mức 22.500 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 1,97%. Nguyên do bởi dư nợ cho vay tái cơ cấu ở mức 39.000 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng dư nợ và thấp hơn dự báo của Ngân hàng hồi tháng 8/2020 là 5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, BIDV cũng tăng trích lập dự phòng để xóa nợ 4.600 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 84,7% so với quý II và tăng 42% so với cùng kỳ 2019. Qua đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 87,1% - mức cao nhất trong 2 năm qua.

Nợ xấu của MB cũng tăng hơn 39% lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5% và không có khoản xóa nợ nào tại Ngân hàng mẹ trong kỳ. Nợ nhóm 2 về cơ bản không thay đổi, ở mức 1,47% vào cuối quý III/2020 so với mức 1,49% vào cuối quý II. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu duy trì ở mức cao 119%, cho dù chi phí tín dụng giảm 1,33% trong quý III/2020 so với mức 3,4% và 1,9% trong 2 quý đầu năm.

Techcombank là trường hợp đặc biệt khi tính đến 30/9/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,6%, thấp hơn mức 0,9% tại ngày 30/6/2020 và mức 1,8% tại ngày 30/9/2019. Nợ xấu thấp, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tại thời điểm 30/9/2020 là 148%, tăng so với mức 108,6% tại thời điểm 30/6/2020 và mức 77,1% tại thời điểm 30/9/2019.

Với Vietcombank, nợ xấu tính đến cuối quý III/2020 đã tăng 36% so với đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 4,2 lần lên 2.923 tỷ đồng và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 3 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% cuối năm 2019 lên 1,01% vào cuối quý III/2020. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống mức 215% từ mức 255% trong quý II, nhưng vẫn cao nhất hệ thống.

Tương tự là trường hợp của ACB khi tính đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu đạt 2.480 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm. Chi phí dự phòng không theo kịp tốc độ tăng nợ xấu khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB giảm mạnh, từ mức 175% cuối năm 2019 xuống mức 117% vào cuối tháng 9 - là mức bao phủ cao trong nhóm dẫn đầu hệ thống ngân hàng hiện nay.

Tại TPBank, nợ xấu tăng 59% với 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng tại thời điểm 31/9/2020. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (số tiền dự phòng trên tổng nợ xấu) giảm về mức 92,6% trong quý III/2020 từ mức 113,3% của quý II.

Tại HDBank, các chỉ số chất lượng tài sản tính đến cuối tháng 9/2020 cho thấy sự suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,39% so với mức 1,12% vào cuối quý II, trong khi tỷ lệ bao nợ xấu giảm xuống 70% so với mức 84% vào cuối quý II.

Theo đó, đến nay tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản khoảng 1,6 triệu tỷ đồng chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, 62,43% của 1,6 triệu tỷ đồng này là tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến nay, dư nợ bất động sản trên địa bàn đạt hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng dư nợ. Con số này tăng 7,2% so với đầu năm.

Để tránh bài học tín dụng bất động sản tăng cao như thời kỳ 2008-2009 để lại đống nợ xấu mà ngành ngân hàng vẫn đang xử lý thì việc kiểm soát chặt tín dụng bất động sản theo các chuyên gia là cần thiết. Theo đó, tín dụng ngân hàng được cho là nên hướng vào nhu cầu thực là người vay mua nhà, thay vì tín dụng bất động sản đầu tư, kinh doanh hay đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án.

Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này. Theo đó, các nhà băng chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Bản thân các nhà băng cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát vấn đề dư nợ bất động sản chặt chẽ hơn rất nhiều so với giai đoạn nhà đất tăng trưởng nóng trước đây. Cụ thể, Thông tư 22 có hiệu lực từ đầu năm nay theo hướng tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% (tức sẽ làm chi phí vốn cho vay bất động sản cao hơn). Điều này sẽ khiến các ngân hàng hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản.

Dự nợ bất động sản vẫn tăng cao, nhất là tín dụng phục vụ nhà ở, được cho là chỉ dấu tích cực của ngành, tuy nhiên giới chuyên gia lưu ý cần kiểm soát nợ xấu.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)