Bộ GD-ĐT thông tin về sai phạm đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô

“Không có việc các đơn vị của Bộ GD-ĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh”, Bộ GD-ĐT nêu.

Sự việc Trường ĐH Đông Đô cấp "chui" 193 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều người thắc mắc về việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô được đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.

Theo Bộ GD-ĐT, việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm. Từ năm 2017 trở về trước, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).

Trường Đại học Đông Đô.
Trường Đại học Đông Đô.

Đối với Trường ĐH Đông Đô, Vụ Kế hoạch - Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh. Từ năm 2015 đến 2019, đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định.

Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ đại học chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường đại học. Theo quy chế, các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ GD-ĐT chỉ quy định cho tuyển sinh đại học chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án. Không có việc các đơn vị của Bộ GD-ĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh.

Theo Bộ GD-ĐT sau khi phát hiện sự việc, Bộ đã gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ sự việc. Từ đó đến nay các đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Hiện, Bộ chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, Bộ sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.

Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường ĐH Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

“Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ĐH Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật”, Bộ GD-ĐT cho hay.

Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là một bài học cho toàn ngành.

Thanh Mai

Sự bùng nổ dịch vụ giao hàng ở Trung Quốc và góc khuất kiếm sống của hàng triệu cử nhân đại học

Sự bùng nổ dịch vụ giao hàng ở Trung Quốc và góc khuất kiếm sống của hàng triệu cử nhân đại học

Có đến 24,7% người trong số 2,95 triệu nhân viên giao hàng của Meituan, một nền tảng giao hàng tại Trung Quốc, có trình độ cử nhân.