Bộ Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau khi tiêm chủng

Liên tiếp ghi nhận 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng tại Vĩnh Phúc và Sơn La, Bộ Y tế đã yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến vụ trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), tối ngày 14/10, Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Phúc làm rõ sự cố này.

Theo Bộ Y tế, ngày 13/10/2020 đã nhận được thông tin về 1 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên.

Bộ Y tế vào cuộc sau 2 ca tử vong liên tiếp sau khi tiêm vắc xin ở trẻ (ảnh minh họa).
Bộ Y tế vào cuộc sau 2 ca tử vong liên tiếp sau khi tiêm vắc xin ở trẻ (ảnh minh họa).

Do đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức điều tra; họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng.

Đồng thời, đánh giá, kết luận về nguyên nhân vụ việc trên và triển khai các hoạt động theo quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm của tập thể, cá nhân, cần xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng gửi công điện khẩn tới Sở Y tế tỉnh Sơn La làm rõ thông tin 4 trường hợp phản vệ sau tiêm vắc-xin ComBe Five, trong đó có 1 bé tử vong.

4 trường hợp này đều được tiêm vắc-xin 5 trong 1 và uống vắc-xin tại Trạm Y tế xã Chiềng Xôm (TP. Sơn La, tỉnh Sơn La). Hiện tại, 3 trường hợp đang được theo dõi sức khỏe tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. 

Theo các bác sĩ để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm...để có chỉ định tiêm vắc xin phù hợp.

Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái.... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương