Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

Bức thư gửi tới trẻ em thế giới của Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em

Gửi các con, trẻ em của thế giới hôm nay và mai sau,

Cách đây 30 năm, trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi – sự sụp đổ của Bức tường Berlin, sự tuy tàn của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, sự ra đời của mạng lưới toàn cầu world wide web – thế giới đã đoàn kết lại để bảo vệ trẻ em và tuổi thơ của các con. Mặc dù phần lớn những bậc cha mẹ thời kỳ đó đã lớn lên dưới sự lãnh đạo của những chế độ độc tài hay những chính phủ thất bại, họ vẫn hi vọng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều cơ hội hơn và nhiều quyền được thực hiện cho con em của mình.

Vì vậy, khi các vị lãnh đạo toàn cầu đoàn kết lại vào năm 1989 trong một dịp rất hiếm hoi nhằm đưa ra một cam kết mang tính lịch sử đối với trẻ em thế giới để bảo vệ và thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, chúng ta có một sự hi vọng thực sự cho thế hệ mai sau.

Chúng ta đã đạt được những bước tiến gì? Ba thập kỷ sau khi Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em ra đời, mặc dù dân số thế giới bùng nổ, chúng ta đã giảm gần 40% số trẻ em không được đi học tiểu học. Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm hơn 100 triệu em.

Cách đây ba thập kỷ, bệnh bại liệt đã gây tổn thương cơ thể hoặc cướp đi mạng sống của gần 1000 trẻ em mỗi ngày. Ngày nay, chúng ta đã xóa bỏ được 99% ca bệnh bại liệt. Đằng sau những tiến bộ này là rất nhiều can thiệp – vắc xin, dung dịch bù nước bằng đường uống và dinh dưỡng tốt hơn – đây là những can thiệp thiết thực và hiệu quả về chi phí.

Sự phát triển của công nghệ số và di dộng cùng với những đổi mới sáng tạo khác đã khiến việc cung cấp những dịch vụ quan trọng tới các cộng đồng vùng sâu vùng xa trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn.

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

Tuy nhiên, nghèo, bất bình đẳng, phân biệt đối xử và khoảng cách vẫn tiếp tục là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ quyền trẻ em mỗi năm, vì 15.000 trẻ em dưới 5 tuổi vẫn tử vong mỗi ngày, chủ yếu vì những bệnh có thể chữa trị được và từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được.

Chúng ta cũng đang phải đối mặt với số trẻ em thừa cân đang tăng lên một cách đáng báo động, trẻ em gái bị mắc bệnh thiếu máu. Tình trạng phóng uế bừa bãi và tảo hôn tiếp tục đe doạ sức khỏe và tương lai của trẻ em. Mặc dù số trẻ em đi học cao hơn bao giờ hết, chúng ta vẫn còn gặp nhiều thách thức và chưa đạt được giáo dục có chất lượng.

Đến trường chưa hẳn đã đồng nghĩa với học tập; hơn 60% trẻ em tiểu học ở các quốc gia đang phát triển vẫn chưa đạt được trình độ thông thạo tối thiểu và một nửa số thanh thiếu niên trên thế giới phải đối mặt với bạo lực trong và xung quanh trường học, vì thế dường như trường học vẫn chưa phải là một nơi an toàn. Xung đột tiếp tục là cản trợ sự bảo vệ, y tế và tương lai mà trẻ em xứng đáng được hưởng. Danh sách những thách thức trong việc thực hiện đầy đủ quyền trẻ em vẫn còn dài.

Và thế hệ của những trẻ em của thế giới hôm nay, đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức mới và thay đổi toàn cầu mà thế hệ của cha mẹ các con không thể tưởng tượng được. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn chúng ta có thể nhận thấy. Bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc. Công nghệ đang làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Ngày nay, số lượng các gia đình di cư nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Tuổi thơ của trẻ em đã thay đổi, và chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận của chúng ta trong bối cảnh mới này.

Nếu chúng ta đã nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, chúng ta cũng cần phải nhìn về tương lai, 30 năm tới. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của trẻ em – trẻ em và thanh thiếu niên của thế giới hôm nay – về những vấn đề mà các con quan tâm nhất và bắt đầu hợp tác cùng với các con để tìm ra những giải pháp thế kỷ 21 nhằm giải quyết những vấn đề của thế kỷ 21.

Ghi nhớ điều này, đây là 8 lý do tại sao tôi lo lắng cho tương lai của trẻ em, và 8 lý do tại sao tôi nghĩ chúng ta có hy vọng:

1. Trẻ em cần nước sạch, không khí sạch và môi trường khí hậu sạch

Tại sao tôi lo lắng: Rõ ràng rằng tất cả trẻ em đều cần những điều kiện căn bản này để duy trì một cuộc sống lành mạnh – một môi trường sống trong sạch, không khí sạch để hít thở, nước để uống và thức ăn để ăn – nghe có vẻ lạ khi tôi đề cập đến điều này vào năm 2019. Biến đổi khí hậu có khả năng sẽ cản trở việc thực hiện những quyền căn bản này và tàn phá những thành quả chúng ta đã đạt được về sự sống còn và phát triển của trẻ em trong hơn 30 năm qua. Có lẽ biến đổi khí hậu là nguy cơ lớn nhất mà đối với việc thực hiện quyền trẻ em của thế hệ tương lai.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng nạn đói trên thế giới. Nạn hạn hán và lũ lụt gia tăng làm giảm sút sản xuất lương thực, thế hệ trẻ em tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nạn đói và suy dinh dưỡng.

Chúng ta đã và đang chứng kiến rõ ràng hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang gây ra thiên tai với cường độ thường xuyên hơn với khả năng tàn phá nặng nề hơn. Mặc dù có nhiều dự báo khác nhau, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), số người di cư do môi trường sống dự kiến lên tới 200 triệu người đến năm 2050, có ước tính cho thấy lên tới 1 tỷ người.

Khi nhiệt độ tăng lên và nước trở nên khan hiếm, chính trẻ em là người sẽ cảm nhận rõ rệt tác động chết người của những bệnh tật lây lan liên quan đến nguồn nước nhiễm bẩn. Ngày nay, hơn năm trăm triệu trẻ em sống tại những khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt. Gần 160 triệu trẻ em phải sống ở những khu vực hạn hán nghiêm trọng. Những khu vực như Sahel, đặc biệt phụ thuộc vào nông nghiệp, chăn thả gia súc, và đánh bắt thủy sản, đặc biệt dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu.

Ở vùng đất khô cằn này, dự báo lượng mưa sẽ ít hơn và khó dự đoán trong tương lai, đáng báo động hơn, khu vực này cũng đang nóng dần lên với tốc độ nhanh hơn 1.5 lần so với mức trung bình của thế giới. Ở Sahel, khí hậu nóng dần lên và người nghèo ngày càng nghèo đi, tình trạng các nhóm vũ trang đàn áp những phòng trào phản kháng xã hội do bị áp lực càng trở nên phổ biến.

Những thách thức càng thêm nặng nề bởi tác động của ô nhiễm không khí, chất thải độc hại và ô nhiễm nước ngầm đang tàn phá sức khỏe của trẻ em. Năm 2017, khoảng 300 triệu trẻ em phải sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời độc hại nhất – cao hơn gấp 6 lần hoặc cao hơn nữa so với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần là nguyên nhân gây tử vong khoảng 600,000 trẻ em dưới 5 tuổi. Còn nhiều trẻ em hơn sẽ gánh chịu sự hủy hoại lâu dài đến sự phát triển não bộ và phổi còn đang phát triển của mình.

Đến năm 2040, một trong bốn trẻ em sẽ phải sống ở những khu vực thiếu nước nghiêm trọng và hàng nghìn trẻ em sẽ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm. Việc quản lý và bảo vệ nguồn cung nước ngầm sạch, dồi dào và dễ tiếp cận, cũng như việc quản lý rác thải nhựa nhanh chóng trở thành những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em trong thời đại của chúng ta.

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

Tại sao chúng ta hy vọng: Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các chính phủ và khối doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết nguyên nhân gốc rễ bằng cách giảm khí thải nhà kính theo tinh thần Thỏa thuận Paris. Đồng thời, chúng ta cần dành ưu tiên cao nhất cho những nỗ lực tìm cách thích ứng để giảm những tác động về môi trường đối với trẻ em.

UNICEF nỗ lực hạn chế tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như thiết kế các hệ thống nước có thể chống chịu được lốc xoáy và xâm nhập mặn; tăng cường cấu trúc của trường học và hỗ trợ diễn tập chuẩn bị ứng phó; và hỗ trợ các hệ thống y tế cộng đồng. Những sáng kiến như Quản lý Dự trữ Tầng ngậm nước (MAR) – nếu được sử dụng trên quy mô lớn – có khả năng bảo toàn được nguồn nước sạch, bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi nguy cơ thiếu nước và bệnh tật.

Ở những môi trường phức tạp như Sahel, tôi vẫn hi vọng – khu vực này có dân số trẻ, khao khát công việc và cơ hội, và khí hậu nơi đây có tiềm năng to lớn để khai thác những nguồn tài nguyên bền vững có thể tái tạo được. Với những đầu tư cho giáo dục và công việc làm, cải thiện an ninh và công tác quản lý, chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan về khả năng của khu vực này trong việc nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đảo ngược tình thế đối với vấn đề ô nhiễm không khí, các chính phủ và khối doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ để giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát triển các hệ thống nông nghiệp, công nghiệp, vận tải sạch hơn và đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Rất nhiều chính phủ đã hành động để hạn chế ô nhiễm từ các nhà máy năng lượng, khu công nghiệp và phương tiện giao thông đường bộ bằng cách đưa ra nhiều quy định khắt khe.

Một nghiên cứu năm 2011 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho thấy Đạo luật Không khí sạch năm 1990 của Hoa Kỳ đã đem lại cho người dân những lợi ích về sức khỏe giá trị 30 đô la Mỹ từ mỗi đồng đô la đã đầu tư. Những chính sách như vậy đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ phổi và não bộ của trẻ em khỏi sự tàn phá của những chất gây ô nhiễm trong không khí và ô nhiễm bụi mịn.

Thời điểm này, chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp có thể cải thiện những tác động tồi tệ nhất của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của trẻ em. Thủ đô U-lan Ba-to của Mông Cổ là một trong những nơi ô nhiễm không khí nhiều nhất trên thế giới vào mùa đông. Nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động đốt than mà 60% dân số U-lan Ba-to sử dụng.

Các chuyên gia đổi mới sáng tạo của UNICEF cùng với cộng đồng, chính phủ, giới nghiên cứu, và khu vực tư nhân đã bắt đầu thiết kế và thực hiện các giải pháp năng lượng hiệu quả thay thế cho năng lượng truyền thống mà các gia đình đang sử dụng nhằm giảm lượng tiêu thụ than đá và cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc thiết kế “Lều tròn của người Mông Cổ thế kỷ 21.”

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang nghiên cứu tìm giải pháp để tái chế và tái sử dụng nhựa một cách sáng tạo, giảm chất thải độc hại và biến rác thải thành những vật dụng hữu ích. Conceptos Plasticos, một doanh nghiệp xã hội của Colombia, phát minh một công nghệ sản xuất gạch từ nhựa không PVC có giá thành rẻ hơn, nhẹ hơn và bền hơn các loại gạch truyền thống – và đã sử dụng gạch này để xây dựng các lớp học.

Lớp học đầu tiên ở Châu Phi xây dựng từ nhựa tái chế đã hoàn thành đầu năm nay ở Côte d’Ivoire, thời gian xây dựng chỉ trong vài tuần. Giá thành xây dựng bằng loại vật liệu này rẻ hơn 30% so với những lớp học xây bằng vật liệu truyền thống. Sáng kiến biến chất thải nhựa thành gạch xây dựng có khả năng sẽ biến khó khăn trong quản lý chất thải nhựa thành cơ hội, thông qua việc thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em với việc xây dựng trường, tăng quyền năng cho các cộng đồng đồng thời giúp làm sạch môi trường.

2. Cứ bốn trẻ em thì có một trẻ có thể phải sống và học tập ở các khu vực có xung đột và thảm họa

Tại sao tôi lo lắng: Trẻ em luôn là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh. Ngày nay, số lượng các quốc gia trải qua xung đột đạt mức cao nhất từ trước đến nay kể từ khi thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em năm 1989. Cứ bốn trẻ thì có một trẻ hiện đang sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bạo lực chiến tranh hoặc thảm họa dữ dội, với 28 triệu trẻ em bị mất nhà do chiến tranh và tình trạng mất an ninh.

Nhiều trẻ mất vài năm học kèm theo hồ sơ thành tích học tập và trình độ học vấn phục vụ việc học tập và sự nghiệp trong tương lai. Xung đột và thiên tai đã làm gián đoạn việc học của 75 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, nhiều trẻ phải di cư qua biên giới hoặc chuyển chỗ ở. Đó là một bi kịch đối với cá nhân mỗi trẻ.

Từ bỏ khát vọng của cả một thế hệ là một sự lãng phí tiềm năng con người khủng khiếp. Tồi tệ hơn nữa là tất cả chúng ta có thể sẽ phải trả giá với nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ em thất học, mất phương hướng, tan vỡ ước mơ khát vọng và giận dữ.

Tại sao chúng ta hy vọng: Một số nhà nước đã có các chính sách hiệu quả để duy trì việc học tập cho người tị nạn. Khi một số lượng lớn trẻ em thoát khỏi cuộc chiến ở Cộng hòa Ả Rập Syria đến Lebanon, chính phủ phải đối mặt với thách thức cung cấp nơi học tập cho hàng trăm ngàn trẻ em trong hệ thống trường công lập hiện đang quá tải. Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, họ đã biến thách thức đó thành cơ hội và đưa thành công trẻ tị nạn vào trường học đồng thời củng cố hệ thống giáo dục cho học sinh Lebanon.

Và đổi mới kỹ thuật số có thể hỗ trợ chúng ta nhiều hơn nữa. UNICEF đang hợp tác với Microsoft và Đại học Cambridge để xây dựng "hộ chiếu học tập" - một nền tảng kỹ thuật số giúp thúc đẩy các cơ hội học tập cho trẻ em và thanh thiếu niên trong và ngoài biên giới. Hộ chiếu học tập đang được thử nghiệm và thí điểm tại các quốc gia đón nhận người tị nạn, người di cư và người di cư nội địa.

Một thế giới bao phủ kỹ thuật số cho phép những người trẻ tuổi tiếp cận với giáo dục, bất kể họ ở trong hoàn cảnh nào. Các giải pháp mở rộng quy mô như hộ chiếu học tập kỹ thuật số hỗ trợ hàng triệu trẻ em phải di cư có được các kỹ năng cần thiết để trưởng thành và phát triển.

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

3. Chúng ta phải giúp các con chia sẻ các vấn đề tinh thần một cách dễ dàng

Tại sao tôi lo lắng: Nếu chúng ta tin tất cả những gì bản thân đọc được về thanh thiếu niên ngày nay và những hình ảnh được phản ánh trên truyền hình và phim ảnh, không có gì là lạ khi chúng ta nghĩ chúng là những đứa trẻ hoang dã, phản xã hội. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Bằng chứng thực sự cho thấy thanh thiếu niên ngày nay hút thuốc ít hơn, uống rượu ít hơn, gặp ít rắc rối hơn và thường ít liều lĩnh hơn so với các thế hệ trước. Bạn thậm chí có thể gọi chúng là Thế hệ có ý thức.

Tuy nhiên, tồn tại một nguy cơ đối với trẻ vị thành niên đó là biểu hiện của một xu hướng định hướng sai lầm cực kỳ đáng lo ngại - một điều gợi nhắc chúng ta về tính dễ bị tổn thương vô hình mà những người trẻ tuổi vẫn mang trong mình. Rối loạn sức khỏe tâm thần ở độ tuổi dưới 18 đã và đang gia tăng đều đặn trong 30 năm qua và trầm cảm hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở người trẻ tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 62.000 trẻ vị thành niên chết trong năm 2016 vì tự gây hại cho bản thân, đây hiện là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ ba đối với trẻ vị thành niên ở độ tuổi từ 15 đến 19.

Đây không chỉ là vấn đề của nước giàu - WHO ước tính hơn 90% các vụ tự tử ở tuổi vị thành niên trong năm 2016 xảy ra ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Trong khi những người trẻ mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng ở các nước thu nhập thấp thường bỏ qua bước điều trị và hỗ trợ, chưa có quốc gia nào trên thế giới tuyên bố đã khắc phục được thách thức này.

Trích dẫn lời của chuyên gia sức khỏe tâm thần thuộc WHO Shekhar Saxena, "khi đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần, tất cả đều là các nước đang phát triển". Hầu hết các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình chi dưới 1% và các quốc gia thu nhập cao cũng chỉ chi 4% đến 5% tổng ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. Rõ ràng cần ưu tiên hơn nữa vấn đề này trên toàn thế giới. 

UNICEF làm việc với nhiều trẻ phải chịu những chấn thương không thể tưởng tượng, phân biệt giới tính, nghèo đói cùng cực, bạo lực tình dục, khuyết tật và bệnh mãn tính, sống trong xung đột và những trải nghiệm khác khiến các con có nguy cơ cao gặp phải những nỗi đau về tinh thần. Cái giá phải trả không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính xã hội.

Diễn đàn kinh tế thế giới luôn xếp hạng sức khỏe tâm thần vào một trong những gánh nặng kinh tế lớn nhất so với bất kỳ vấn đề sức khỏe không lây nhiễm nào. Mặc dù có bằng chứng đã rõ ràng về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng và các xu hướng báo động về tỷ lệ tự ngược đãi bản thân và tự tử gia tăng, sức khỏe tinh thần và sức khỏe của thanh thiếu niên thường bị coi nhẹ trong công tác lập chương trình y tế toàn cầu.

Tại sao chúng ta hy vọng: Với một nửa số ca rối loạn sức khỏe tâm thần suốt đời bắt đầu trước tuổi 14, việc tăng cường sức khỏe tâm thần phù hợp với lứa tuổi, phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng phải được ưu tiên hàng đầu. Phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò then chốt giúp ngăn chặn các giai đoạn suy giảm tâm thần dẫn đến điểm khủng hoảng và cuộc sống quý giá của trẻ bị phá hủy và đánh mất.

Nhưng tất cả dường như quá quen thuộc, trên con đường tìm kiếm trợ giúp ở giai đoạn đầu, những gì cản trở người trẻ tuổi vẫn luôn là sự kỳ thị và cấm kỵ đang cản trở cộng đồng nói chuyện cởi mở về các vấn đề sức khỏe tâm thần.

May mắn thay, điều cấm kỵ này bắt đầu giảm dần, và một lần nữa, những người trẻ tuổi tiên phong mở đường - thành lập các tổ chức phi chính phủ, phát triển ứng dụng, nâng cao nhận thức và lên tiếng về cuộc đấu tranh của chính mình với bệnh tâm thần và nỗ lực giải quyết tình trạng của bản thân, với hy vọng những người khác cảm thấy được trao quyền để làm điều tương tự.

UNICEF sử dụng các chiến dịch trong trường học để tăng cường thảo luận mở về sức khỏe tâm thần. Ví dụ, tại Kazakhstan, nơi có tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên cao nhất thế giới, UNICEF đẩy mạnh nỗ lực cải thiện sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên thông qua chương trình thí điểm quy mô lớn ở hơn 450 trường học.

Chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo nhân viên xác định các trường hợp nguy cơ cao và đảm bảo giới thiệu trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương cho các chuyên gia y tế. Gần 50.000 thanh thiếu niên tham gia thí điểm có nhiều cải thiện đáng kể về sức khỏe. Chương trình đã được nhân rộng tới hơn 3.000 trường.

Ưu tiên tăng cường sức khỏe tâm thần và phòng ngừa tự tử ở trẻ vị thành niên đã giúp giảm 51% tỷ lệ tử vong do tự gây thương tích ở nhóm tuổi từ 15 đến 17 ở cấp quốc gia và số ca tự tử giảm từ 212 năm 2013 xuống còn 104 vào năm 2018 đối với nhóm tuổi này. Và có lẽ điều quan trọng nhất là sức khỏe tâm thần hiện đang được lồng ghép vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản chính thống, giúp khắc phục sự kỳ thị thường cản trở những người trẻ tuổi tìm kiếm sự giúp đỡ.

4. Hơn 30 triệu người đã di cư khỏi quê hương

Tại sao tôi lo lắng: Di cư đã trở thành một phần trải nghiệm trong suốt tiến trình lịch sử loài người. Qua hàng ngàn năm lịch sử, trẻ em và gia đình đã rời khỏi quê hương của mình để chuyển đến định cư ở các cộng đồng mới nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc giáo dục. Ngày nay mọi thứ vẫn không thay đổi. Chúng ta sống trong một thế giới di động, trong đó ít nhất 30 triệu trẻ em đã di chuyển qua biên giới. 

Đối với nhiều người, động lực thúc đẩy di cư là mưu cầu một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, đối với rất nhiều trẻ em, di cư không phải là một lựa chọn tích cực mà là một nhu cầu cấp thiết - đơn giản là các con không có cơ hội xây dựng một cuộc sống an toàn, lành mạnh và thịnh vượng ở nơi các con được sinh ra.

Khi sự tuyệt vọng là động lực di cư, có thể dẫn đến tình trạng trẻ em di cư bất hợp pháp, trở thành hiện tượng 'di cư bất thường'. Các con thường dấn thân vào những chuyến đi đầy hiểm nguy qua các sa mạc, đại dương và biên giới vũ trang, đối mặt với bạo lực, lạm dụng và bóc lột trên đường đi. 

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

Một trong những cuộc di cư lớn nhất thế giới từng được chứng kiến đang diễn ra không phải là qua biên giới, mà là trong lãnh thổ , với hàng triệu người di cư từ nông thôn đến thành thị. Năm 1989, khi Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em được thông qua, phần lớn trẻ em trên thế giới sống ở khu vực nông thôn.

Ngày nay, phần lớn sống ở các thành phố, và tỷ lệ đô thị hóa không ngừng tăng trưởng. Mặc dù người dân thành thị nhìn chung được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ và cơ hội, sự bất bình đẳng có thể lớn đến mức những trẻ em thiệt thòi nhất ở khu vực thành thị sống trong điều kiện còn tồi tệ hơn trẻ em ở nông thôn.

Ví dụ, trẻ em nghèo nhất khu vực thành thị ở 1 trong 4 quốc gia có nguy cơ tử vong trước sinh nhật thứ năm cao hơn so với trẻ em nghèo nhất ở khu vực nông thôn. Trẻ em nghèo nhất khu vực thành thị ở 1 trong 6 quốc gia ít có khả năng hoàn thành chương trình tiểu học hơn trẻ em nông thôn. 

Tại sao chúng ta hy vọng: Không nên có trẻ em nào cảm thấy bị buộc phải rời khỏi quê hương, nhưng tình trạng này khó có thể thay đổi cho đến khi giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ. Điều đó có nghĩa là phải giải quyết bạo lực cộng đồng và băng đảng, tăng cường hệ thống bảo vệ để trẻ có thể sống an toàn trong cộng đồng của mình, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng và cơ hội việc làm, đảm bảo thanh thiếu niên có cơ hội đạt được những kỹ năng cần thiết để xây dựng tương lai tốt hơn và an toàn hơn cho chính bản thân và đất nước của mình.

UNICEF ước tính có hàng chục ngàn trẻ em di cư bất hợp pháp, một số theo gia đình và một số đi một mình, khiến các con rơi vào tình trạng cực kỳ dễ tổn thương. Điều cần thiết là dù hợp pháp hay không, trẻ em di cư phải nắm giữ được quyền của chính các con. Dù trẻ ở đâu, và bất kể hoàn cảnh thế nào, trẻ em di cư trước hết vẫn là trẻ em.

Chính phủ có thể bảo vệ trẻ em di cư bằng cách ưu tiên những lợi ích tốt nhất cho trẻ trong việc áp dụng luật nhập cư, và bất cứ khi nào có thể, chính phủ phải giữ vẹn toàn các gia đình và sử dụng các biện pháp thay thế cho giam giữ đã được chứng minh có hiệu quả, như gia đình nuôi dưỡng hoặc nhà tập thể - nhiều chính phủ đang thử nghiệm thành công các phương pháp đó.

Cái gọi là lợi thế đô thị bị phá vỡ khi chúng ta nhìn xa hơn mức trung bình và kiểm soát sự giàu có, vì vậy các chính sách và chương trình xã hội được thiết kế để hỗ trợ sự sống còn và phát triển của trẻ em phải chú ý nhiều hơn đến trẻ em thành thị nghèo nhất và chịu thiệt thòi nhất.

Các thành phố hiện đại thường cung cấp khả năng tiếp cận nước sạch, dịch vụ y tế, xã hội và các cơ hội giáo dục tốt hơn. Do đó, nếu chính quyền thành phố có thể tạo sự tiếp cận cơ hội toàn diện và bình đẳng cho trẻ em trong thành phố, đời sống đô thị thực sự có thể thúc đẩy sự sống còn và phát triển của trẻ em.

5. Hàng ngàn người sẽ chính thức không bao giờ tồn tại, trừ khi chúng ta hành động

Tại sao tôi lo lắng: Mọi trẻ em đều có quyền pháp nhân, đăng ký khai sinh và quốc tịch. Nhưng một phần tư số người sinh ra ngày hôm nay - gần 100.000 em bé - có thể không bao giờ có giấy khai sinh chính thức hoặc đủ điều kiện để nhận hộ chiếu.

Nếu cha mẹ của bạn không có quốc tịch, đến từ một cộng đồng bị đàn áp hoặc chịu thiệt thòi, hoặc đơn giản là nếu bạn sống ở một vùng xa xôi hẻo lánh nghèo nàn, bạn có thể không bao giờ được cấp thẻ căn cước hoặc giấy khai sinh. Bạn thậm chí có thể bị từ chối quyền công dân hoặc bị tước quyền công dân.

Sự thiếu sót trong việc công nhận chính thức này của bất kỳ nhà nước nào có nghĩa là bạn có thể bị từ chối dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ khác của chính phủ. Trong cuộc sống sau này, việc thiếu giấy tờ tùy thân có nghĩa là bạn kết hôn, làm công việc nguy hiểm hoặc tham gia vào lực lượng vũ trang trước tuổi hợp pháp. Là một đứa trẻ không có đăng ký hoặc 'không quốc tịch', bạn vô hình trước chính quyền - như thể bạn chưa từng tồn tại.

Chẳng hạn, trong các trại tạm cư ở Bangladesh, nơi hàng trăm ngàn gia đình tị nạn Rohingya chạy trốn tìm nơi ẩn náu, những đứa trẻ được sinh ra mỗi ngày. Một em bé Rohingya có khả năng không được đăng ký khai sinh và không có quốc tịch, cướp đi tấm 'hộ chiếu bảo vệ' cơ bản này ngay từ khi bắt đầu cuộc sống.

Và có một nhóm trẻ em ngày nay phải đối mặt với mối đe dọa của cuộc sống khi không có danh tính pháp lý rõ ràng và bị bỏ mặc không quốc tịch. Nếu bạn là một đứa trẻ vô tội được sinh ra bởi một chiến binh nước ngoài trong một nhóm vũ trang, bạn có thể không có quyền công dân, hoặc bị tước quyền công dân.

Chỉ riêng tại Cộng hòa Ả Rập Syria, UNICEF ước tính có gần 29.000 trẻ em nước ngoài, hầu hết trong độ tuổi dưới 12 và 1.000 trẻ em khác ở Iraq có thể không có hồ sơ dân sự. Các con đứng trước nguy cơ không có quốc tịch và vô hình.

Tại sao chúng ta hy vọng: Đăng ký khai sinh cho trẻ là bước đầu tiên để đảm bảo sự công nhận của các con trước pháp luật, bảo vệ các quyền của trẻ em và đảm bảo không bỏ sót mọi vi phạm các quyền này. Liên Hợp Quốc đặt ra mục tiêu mỗi người trên trái đất sẽ có một pháp nhân vào năm 2030. UNICEF đang hỗ trợ các chính phủ trong nỗ lực hướng tới mục tiêu này, bắt đầu bằng việc khai sinh cho tất cả trẻ em.

Đối với một số trẻ em từ chối một danh tính chính thức vì những bất đồng xung quanh pháp nhân của trẻ, giải pháp thực sự duy nhất là giải pháp chính trị. UNICEF kêu gọi các Quốc gia thành viên thực hiện trách nhiệm bảo vệ mọi trẻ dưới 18 tuổi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, bao gồm những trẻ được sinh ra từ các công dân các nước khác, có thể là người di cư, người tị nạn hoặc chiến binh nước ngoài - bởi những trẻ này trước hết vẫn là trẻ em.

Mặt khác, công nghệ và quan hệ đối tác đổi mới hứa hẹn mở ra một con đường phía trước. Ví dụ, tại Nhà nước đa dân tộc Bolivia, TIGO - một công ty viễn thông toàn quốc - Tòa bầu cử tối cao và UNICEF đã hợp tác để tăng cường đăng ký khai sinh tại các bệnh viện và trung tâm y tế, mang đến việc đăng ký khai sinh tăng hơn 500% trong giai đoạn 2015-2018.

Tại Rwanda, đăng ký khai sinh tự động cho trẻ em tại các bệnh viện đã giúp việc đăng ký khai sinh tăng từ 67% năm 2017 lên 80,2% năm 2018. Chúng ta phải khẩn trương nhân rộng các chương trình như vậy để tiếp cận nhiều trẻ em hơn nữa.

Điều này đồng nghĩa với mở rộng đáng kể khả năng truy cập kỹ thuật số cho các cộng đồng xa xôi hẻo lánh và dễ bị tổn thương nhất, nhờ vậy các hệ thống đăng ký có thể diễn ra trong thời gian thực.

6. Bạn cần các kỹ năng thế kỷ hai mốt cho nền kinh tế thế kỷ hai mốt  

Tại sao tôi lo lắng: Có hơn 1,8 tỷ người trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 24 trên thế giới, một trong những đoàn hệ lớn nhất trong lịch sử loài người. Điều phổ biến là họ thiếu tiếp cận giáo dục, thiếu hành trang cho cơ hội việc làm và kinh doanh đương thời - là cơ sở mang lại cho họ những kỹ năng và triển vọng cần thiết cho nền kinh tế thế kỷ hai mốt.

Trong khi đó, trong 30 năm qua, bất bình đẳng thu nhập tương đối giữa các quốc gia đã giảm, nhưng bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối vẫn tăng đáng kể, do đó một số trẻ em và gia đình có thu nhập thấp bị bỏ lại phía sau và bỏ lỡ những cơ hội mà những người giàu hơn được hưởng. Hơn nữa, sự tiến bộ đình trệ trong 30 năm qua, tạo ra một thế hệ khác mắc trong bẫy nghèo đói hoàn toàn do gia đình người đó quyết định.

Tại sao chúng ta hy vọng: UNICEF và các đối tác toàn cầu của chúng tôi đã đưa ra một sáng kiến mới để chuẩn bị hành trang cho những người trẻ tuổi trở thành những công dân năng suất và có đóng góp. Sáng kiến Thế hệ Không giới hạn (Generation Unlimited) hướng đến mục tiêu đảm bảo mỗi người trẻ đều được đến trường, học tập, đào tạo hoặc làm việc vào năm 2030.

Một chương trình ở Argentina kết nối học sinh nông thôn ở vùng sâu vùng xa với giáo viên trung học, theo hai phương thức trực tiếp và trực tuyến. Một sáng kiến ở Nam Phi có tên TechnoGirl mang đến cho phụ nữ trẻ có hoàn cảnh khó khăn cơ hội tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực STEM.

Tại Bangladesh, hàng chục ngàn thanh niên đang được đào tạo về các ngành nghề như dịch vụ điện thoại di động. Thông qua sáng kiến Thử thách Thanh niên (Youth Challenge), chúng tôi đang tập hợp những khối óc trẻ tuổi để giải quyết các vấn đề trong cộng đồng của họ, bởi những người trẻ tuổi là chuyên gia trong chính cuộc sống và trải nghiệm của bản thân.

Thử thách Thanh niên - Thế hệ Không giới hạn đã làm việc với hơn 800 chuyên gia đổi mới sáng tạo tại 16 quốc gia và tạo ra các giải pháp sáng tạo như ứng dụng di động SpeakOut, được phát triển bởi những người trẻ tuổi ở Bắc Macedonia như một phương thức ẩn danh để tiếp cận với bạn bè đồng trang lứa để tìm kiếm giúp đỡ khi bị bắt nạt và The Red Code, một chương trình kinh doanh vi mô tự thân từ Pakistan, giúp phụ nữ trẻ trong vấn đề quản lý vệ sinh phụ nữ và tạo ra thu nhập.

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

7. Dấu chân điện tử của các con phải được bảo vệ

Tại sao tôi lo lắng: Mạng toàn cầu ra đời cùng Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em cách đây 30 năm. Ngày nay, mạng toàn cầu đã thay đổi hoàn toàn thế giới và định hình lại thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của chúng ta. Cứ 3 trẻ em thì có hơn 1 trẻ trên toàn cầu được cho là sử dụng internet thường xuyên và khi thế hệ này trưởng thành, tỷ lệ đó tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.

Tranh luận về lợi ích và mối nguy của phương tiện truyền thông xã hội đối với trẻ em đang trở thành chủ đề quen thuộc, và chắc chắn chúng ta cần hành động nhiều hơn để bảo vệ trẻ em khỏi bắt nạt và tiếp xúc với nội dung độc hại.

Phụ huynh và trẻ em cũng đang nhận thức được nguy cơ chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng sự thật là dữ liệu chứa trong hồ sơ truyền thông xã hội do trẻ tạo ra chỉ là phần nổi của tảng băng dữ liệu.

Việc tích lũy dữ liệu khổng lồ được thu thập về trẻ chưa được hiểu rõ nhưng nhận thức về vấn đề này rất quan trong. Khi trẻ em tìm hiểu về cuộc sống trực tuyến hàng ngày của mình, truy cập phương tiện truyền thông xã hội, sử dụng các công cụ tìm kiếm, các nền tảng chính phủ và thương mại điện tử, chơi trò chơi, tải xuống ứng dụng và sử dụng các dịch vụ định vị địa lý di động, một định danh kỹ thuật số bao gồm hàng ngàn mảnh dữ liệu được tích lũy xung quanh các con.

Một số dữ liệu thậm chí có thể được thu thập trước khi sinh và hiển nhiên là trước khi trẻ em có thể đưa ra ý kiến đồng ý với việc thu thập và sử dụng dữ liệu.

Thời đại của cái gọi là 'dữ liệu lớn' (big data) có khả năng chuyển đổi việc cung cấp các dịch vụ hiệu quả, được cá nhân hóa và đáp ứng cho trẻ em tốt hơn, nhưng cũng có tác động tiêu cực đến sự an toàn, quyền riêng tư, quyền tự chủ và lựa chọn cuộc sống trong tương lai của trẻ. Thông tin cá nhân được tạo ra trong thời thơ ấu có thể được chia sẻ với các bên thứ ba, trao đổi để kiếm lợi nhuận hoặc được sử dụng để khai thác những người trẻ tuổi - đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất.

Trong khi đó, kẻ trộm danh tính và tin tặc đã khai thác lỗ hổng trong các nền tảng thương mại điện tử để lừa đảo và khai thác cả người lớn và trẻ em; công cụ tìm kiếm theo dõi hành vi của người dùng bất kể tuổi tác và sự giám sát của chính phủ đối với hoạt động trực tuyến ngày càng tinh vi trên toàn thế giới.

Hơn nữa, dữ liệu thu thập trong thời thơ ấu có khả năng ảnh hưởng đến các cơ hội trong tương lai, chẳng hạn như tiếp cận tài chính, giáo dục, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Mối quan hệ giữa thu thập và sử dụng dữ liệu, sự đồng ý và quyền riêng tư rất phức tạp đối với người lớn, nhưng đối với trẻ em thì lại đôi khi, do internet chưa bao giờ được thiết kế phù hợp với quyền và nhu cầu của trẻ em, và ít được trang bị để điều hướng tính phức tạp của việc chia sẻ dữ liệu và kiểm soát quyền riêng tư.

Điều phổ biến là trẻ em không biết mình có quyền gì đối với dữ liệu của chính mình và không hiểu ý nghĩa của việc sử dụng dữ liệu này và mức độ dễ bị tổn thương do dữ liệu đem lại. Điều khoản và điều kiện bảo mật trên các nền tảng truyền thông xã hội thường hiếm khi được những người lớn có trình độ học vấn cao hiểu rõ, chứ đừng nói đến trẻ em.

Phân tích từ Thời báo New York cho thấy nhiều chính sách bảo mật truyền thông xã hội đòi hỏi trình độ đọc hiểu vượt mức của một sinh viên đại học trung bình, có nghĩa là nhiều người dùng, đặc biệt là những người rất trẻ, có thể đồng ý với những điều họ không thể hiểu đầy đủ.

Tại sao chúng ta hy vọng: Thách thức mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là đảm bảo rằng chúng ta thiết kế các hệ thống tối đa hóa lợi ích tích cực của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ khỏi tổn hại và trao quyền cho mọi người - bao gồm cả trẻ em - để thực thi quyền của mình.

Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến những hành động như các chính phủ đang tăng cường khung pháp lý; các nhà cung cấp khu vực tư nhân đang nhận ra vai trò của họ; và các nhà giáo dục đang suy nghĩ về cách trang bị cho trẻ em các công cụ để điều hướng thế giới trực tuyến một cách an toàn. Đây là một sự khởi đầu.

Công ước về Quyền trẻ em cho thấy rõ rằng trẻ em có quyền riêng tư cụ thể - không có lý do gì phản đối áp dụng quyền riêng tư trực tuyến. Bối cảnh hóa quyền riêng tư của trẻ em trong phạm vi đầy đủ các quyền khác, quyền lợi tốt nhất và khả năng phát triển của chúng, rõ ràng là quyền riêng tư của trẻ em thay đổi cả về phạm vi và ứng dụng so với quyền riêng tư của người lớn và có một lập luận mạnh mẽ rằng trẻ em nên được bảo vệ nhiều hơn nữa.

Khi trẻ em sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, các con cần có cơ hội đồng ý hoặc từ chối thực sự về cách thức nhà cung cấp sử dụng dữ liệu của các con hoặc phục vụ các lợi ích thương mại khác, các điều khoản và điều kiện cần phải rõ ràng và dễ hiểu đối với trẻ em.

Theo một số trẻ em tự biện luận, điều này có thể mở rộng thêm như xóa các hồ sơ truyền thông xã hội lịch sử. Trong trường hợp dữ liệu được thu thập về trẻ em thông qua việc theo dõi các hành vi trực tuyến của các con, phải cung cấp các chính sách về quyền riêng tư rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận để trẻ em có cơ hội đưa ra ý kiến đồng ý tốt hơn, có thể hiểu quyền của bản thân và biết mục đích sử dụng của việc thu thập dữ liệu là gì. Trang bị cho những người trẻ tuổi kiến thức và kỹ năng để khẳng định quyền kỹ thuật số của các con là điều cần thiết.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet khu vực tư nhân và các nền tảng truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ trẻ em. Các đơn vị phải phát triển các tiêu chuẩn đạo đức, minh bạch, thực hiện kiểm tra và bảo vệ nâng cao đối với toàn bộ dữ liệu liên quan đến trẻ em, bao gồm thông tin về vị trí địa lý và thói quen duyệt web của trẻ em và đặc biệt là thông tin cá nhân của các con.

Một số khung pháp lý mới như Quy định bảo vệ dữ liệu chung châu Âu (GDPR) thể hiện một nỗ lực đầy hứa hẹn trong tiến trình này. GDPR châu Âu cho biết người dùng internet, bao gồm cả trẻ em, có quyền được cung cấp thông báo bảo mật rõ ràng và minh bạch, giải thích cách xử lý dữ liệu của họ, rằng họ có thể lấy bản sao dữ liệu cá nhân của mình và yêu cầu chỉnh lý thông tin sai lệch.

Global Pulse là một sáng kiến của Liên Hợp Quốc tìm hiểu cách thức các nguồn dữ liệu số mới và công nghệ phân tích thời gian thực có thể cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về những thay đổi sức khỏe của con người và các điểm dễ tổn thương mới xuất hiện, với tiềm năng hỗ trợ phát triển.

Phản hồi những lo ngại chính đáng về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, tham khảo ý kiến các chuyên gia về quyền riêng tư, Global Pulse phát triển một bộ nguyên tắc bảo mật nhằm đảm bảo tính minh bạch về mục đích sử dụng dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, thừa nhận sự cần thiết phải sử dụng dữ liệu cá nhân đúng cách và tôn trọng sự kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư, đồng thời thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để ngăn chặn mọi sao chép nhận dạng bất hợp pháp và không chính đáng của các cá nhân. 

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

8. Đây có thể là thế hệ thiếu lòng tin nhất chưa từng có

Tại sao tôi lo lắng: Mọi trẻ em đều có quyền tích cực tham gia vào xã hội các con đang sống và với nhiều người, những trải nghiệm đầu tiên về các vấn đề xã hội sẽ diễn ra trên internet. Tuy nhiên, phần lớn thế hệ hiện tại sẽ lớn trên như “dân bản địa” trong một môi trường bão hòa với thông tin sai lệch và ‘tin giả’ (‘fake news’).

Chúng phá hủy niềm tin vào các thông lệ xã hội và nguồn thông tin chính thống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em và thanh niên ngày nay gặp trở ngại khi phân biệt giữa sự thật và những điều hư cấu trên mạng và từ đó dẫn đến việc thế hệ ngày nay sẽ thấy khó khăn hơn để biết nên tin vào ai hay điều gì.

Một Ủy ban về tin giả được hậu thuẫn bởi Quốc hội Vương quốc Anh, hoạt động với các đối tác như Facebook, First News và The Day, đã phát hiện ra rằng chỉ một phần tư số trẻ đọc tin tức trực tuyến thực sự tin tưởng nguồn tin các con đang đọc.

Đây có thể là dấu hiệu đáng mừng nếu nghĩ rằng các con có khả năng tư duy phản biện tốt, nhưng cũng chính nghiên cứu này đã chỉ ra rằng chỉ 2% số trẻ em và thanh thiếu niên tại Vương Quốc Anh có đủ khả năng để phân biệt giữa một bài báo thật và bài báo giả. Thật đáng lo ngại khi 2/3 số giáo viên tin rằng tin giả gây hại cho sức khỏe của các con bởi chúng tăng độ lo âu và làm sai lệch thế giới quan của trẻ.

Một nghiên cứu khác ở Mĩ tại các trường của 12 bang về ‘khả năng suy luận khi sử dụng internet của công dân’ – hoặc khả năng đánh giá độ tin cậy của thông tin trực tuyến – chỉ ra rằng khi xem xét thông tin trên mạng xã hội, trẻ em và thanh niên dễ dàng bị lừa.

Chúng ta biết về tác động nguy hại của thông tin sai lệch và tác động của chúng lên thế giới thực. Ví dụ như hàng ngàn phụ huynh hiện nay đã bị lung lạc bởi các thông tin sai lệch về vắc-xin được phát tán qua mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin, gây ra một làn sóng lưỡng lự về việc sử dụng vắc-xin và sự trỗi dậy đáng lo ngại của bệnh sởi ở cả các nước thu nhập cao và thu nhập thấp, trong đó có Pháp, Ấn Độ và Philippines.

Nhiều thông tin sai lệch đã lừa trẻ em đưa tiền, thông tin khiến các con bị dụ dỗ và bóc lột tình dục. Trong vòng vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng khiến ảnh hưởng của thông tin sai lệch lên các tranh luận dân chủ, ý kiến cử tri và reo rắc sự nghi ngờ về các sắc tộc, tôn giáo và nhóm xã hội khác – làm chia rẽ và gây bất ổn.

Đây là một vấn đề toàn cầu. Các báo cáo đã chỉ ra sự xuất hiện của vấn đề này tại nhiều quốc gia, từ Brazil, Ukraine tới Mỹ, nơi các thông tin sai lệch phức tạp tới mức cần có các lớp ‘Học để Nhận thức’ (‘Learn to Discern’) tại các trường học. Và tại Mi-an-ma, đã có cáo buộc rằng thông tin sai lệch đã góp phần gây nên vụ bạo lực khủng khiếp đối với người dân tộc thiểu số Rohingya.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với sự phát triển của công nghệ lừa đảo và việc xác minh nội dung trở nên khó khăn hơn, nguy cơ tiềm ẩn làm giảm niềm tin vào các thông lệ xã hội và gây chia rẽ xã hội tăng theo cấp số nhân.

Ví dụ như bằng công nghệ xử lý video tinh vi sử dụng phương tiện truyền thông tổng hợp do trí tuệ nhân tạo ra, việc bóp méo và thao túng hình ảnh thực tế trở nên dễ dàng hơn, khiến nhiều cá nhân nói những điều họ chưa từng nói trong các video ‘giả như thật’ (‘deep fakes’).

Nếu những công nghệ như vậy tiếp tục phát triển mà không có hành động ngăn chặn để giúp các thế hệ tiếp theo loại bỏ các video giả, chúng sẽ có nguy cơ phá hủy niềm tin vào khoa học và y dược, bào mòn những thông lệ xã hội và niềm tin cốt lõi, chia rẽ các cộng đồng và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ của chúng ta.

Trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta không còn có thể nhẹ dạ tin rằng sự thật luôn vượt lên sự giả dối. Vậy nên chúng ta, với vai trò xã hội, phải xây dựng khả năng bền bỉ trước sự giả dối trên internet mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Chúng ta nên bắt đầu bằng việc trang bị cho người trẻ khả năng nắm rõ các con có thể tin ai hoặc điều gì trên internet để có thể trở thành công dân tích cực và có đóng góp.

Tại sao chúng ta hy vọng: Có các bằng chứng chỉ ra rằng người lớn nên tin rằng trẻ em và thanh niên sẽ không bị lừa. Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Hoa Kỳ (American Association for the Advancement of Science) đã công bố một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng người dùng mạng xã hội ở độ tuổi trên 65 chia sẻ các bài viết từ các tên miền tin giả nhiều gấp 7 lần so với nhóm trẻ tuổi nhất.

Tuy chưa có lí giải về kết quả trên, điều đó cũng có thể cho thấy rằng mức độ am hiểu về công nghệ số và mạng xã hội ở ‘dân bản địa kỹ thuật số’ (digital natives) đóng vai trò như một tấm màng lọc bảo vệ.

Dù sao, rõ ràng là chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để chuẩn bị cho các công dân trẻ tuổi am hiểu về công nghệ này khả năng chống lại sự thao túng và gìn giữ niềm tin đối với các nguồn kiến thức đáng tin cậy và có thể xác minh.

Trong khi các nền tảng mạng xã hội có vẻ như nghiêm túc về việc chống lại thông tin sai lệch và hợp tác với các tổ chức tin tức để đánh dấu các nguồn đáng tin cậy, chúng ta không thể chỉ dựa vào giải pháp từ phía nguồn cung.

Trẻ em có quyền hưởng nền giáo dục có thể trang bị cho các con các kiến thức cần có trước khi bước vào thế giới các con sẽ sống, và ngày nay, điều này bao gồm cả sự am hiểu về kỹ thuật số và phương tiện truyền thông, tư duy phản biện và cân nhắc các chứng cứ.

Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ nói về các câu hỏi về phân biệt thật giả trong vòng thi tiếp theo của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA), coi tư uy phản biện như năng lực toàn cầu, và các sáng kiến tương tự có thể giúp giáo dục và đào tạo về khả năng am hiểu kỹ thuật số trở thành một trong các kỹ năng quan trọng nhất cho thế hệ tiếp theo.

Hơn thế nữa, chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xây dựng sự kết nối đầy ý nghĩa giữa người trẻ và thông lệ xã hội, gây dựng lại niềm tin nếu chúng ta muốn bảo tồn nền dân chủ trong tương lai. 

Bức thư tâm huyết của bà Henrietta Foe gửi thế hệ trẻ: 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai

Đôi lời cuối…

Cuối cùng, lí do lớn nhất để tiếp tục hy vọng là bởi các con – trẻ em và thanh thiếu niên của hôm nay – sẽ dẫn bước thực hiện các hành động khẩn cấp và nắm chắc trong tay khả năng học hỏi và định hình thế giới xung quanh. Giờ là lúc các con lên tiếng và chúng tôi lắng nghe.

Như những đứa trẻ 1989 đã trở thành những nhà lãnh đạo của hôm nay, trẻ em và người trẻ của 2019 sẽ là lãnh đạo của tương lai. Các con truyền cảm hứng cho chúng tôi.

Chúng tôi muốn chung tay cùng các con tìm ra giải pháp để đối mặt với các thách thức hôm nay, xây dựng ngày mai tươi đẹp hơn cho các con và cho thế giới các con sẽ kế thừa.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em.

Henrietta Fore (Giám đốc Điều hành UNICEF)

Trần Thị Ngọc Nữ - Nữ luật sư của trẻ em bất hạnh

Trần Thị Ngọc Nữ - Nữ luật sư của trẻ em bất hạnh

Điều bà trăn trở nhất là hạn chế những tình huống đau lòng trong cuộc sống liên quan đến trẻ em, chứ không phải xử lý vụ án