Các hãng thời trang đua nhau bán khẩu trang hàng hiệu, giá tiền triệu

Sự thành công của khẩu trang sản xuất từ vải làm đồ lót của Uniqlo đã thôi thúc nhiều thương hiệu vào cuộc. Sâu xa hơn, họ muốn níu chân khách hàng đến mua sắm sau hàng tháng trời ở nhà phòng dịch.

Theo Asian Nikkei Review, tuần rồi, khách hàng đứng đợi kéo dài hàn trăm mét trước các cửa hàng Uniqlo ở Tokyo để mua khẩu trang tại cho thấy một điều mà các nhà bán lẻ thời trang cần hiểu: Ngay cả đối với một sản phẩm hàng ngày, người tiêu dùng cũng để mắt đến các thương hiệu.

650.000 đồng mỗi chiếc khẩu trang

Khẩu trang mới của Uniqlo, được làm từ vải được dùng làm đồ lót AIRism, là một thành công lớn. Được quảng cáo là thoáng mát và khô nhanh, những gói khẩu trang có giá khoảng 200.000 đồng/combo 3 chiếc, đã được thổi bay khỏi kệ hàng ngay sau khi phát hành. Cửa hàng trực tuyến của Uniqlo cũng chao đảo vì lượng đặt hàng quá lớn. Toàn bộ khẩu trang gần như được bán sạch kể từ cuối tuần rồi.

Uniqlo, thuộc sở hữu của Fast Retailing của Nhật Bản, chỉ là một trong một số hàng tá thương hiệu bán lẻ và đồ thể thao nổi tiếng đổ dồn vào thị trường khẩu trang. Khi lớp vải bảo vệ mặt trở thành một phụ kiện thiết yếu trong đại dịch COVID-19 , nhiều công ty coi việc bán khẩu trang là cơ hội để thu hút khách hàng và thúc đẩy thương hiệu của họ.

Masahito Namiki, CEO của công ty tư vấn thương hiệu Interbrand Nhật Bản cho biết: "Trong thời đại của đại dịch COVID-19, khẩu trang không còn là hàng hóa nữa mà đã trở thành thứ có ý nghĩa quan trọng".

Vào ngày Uniqlo tung ra khẩu trang AIRism, thương hiệu đồ thể thao Under Armour của Mỹ đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho khẩu trang UA Sports Mask có thể tái sử dụng, được bán thông qua trang web của mình với giá hơn 650.000 đồng mỗi chiếc. Chỉ trong vòng một giờ mở bán, 30.000 chiếc khẩu trang đã được đặt mua.

Thương hiệu đồ thể thao Nhật Bản Mizuno vào cuối tháng 5 đã bắt đầu bán khẩu trang làm từ chất liệu áo ba lỗ mềm, co giãn thường được sử dụng trong đồ bơi với giá hơn 180.000 đồng mỗi chiếc. 

Nhà sản xuất đồ thể thao Yonex vào giữa tháng 6 cung bắt đầu cung cấp khẩu trang làm từ vật liệu tẩm xylitol, một hóa chất thường được sử dụng để tạo ngọt trong kẹo cao su. Yonex cho biết khẩu trang giúp cho người đeo luôn mát mẻ bằng cách hấp thụ nhiệt và thấm hút mồ hôi. Khẩu trang có giá gần 800.000 đồng cho một bộ bốn chiếc.

Ryohin Keikaku, nhà điều hành chuỗi đồ nội thất gia đình Muji, cũng đang bán khẩu trang làm từ 100% cotton hữu cơ với giá khoảng 215.000 đồng một cặp.

Khẩu trang UA Sport Mask chuyên dụng cho người luyện tập thể thao có giá 650.000 đồng/chiếc. Ảnh: Under Armour
Khẩu trang UA Sport Mask chuyên dụng cho người luyện tập thể thao có giá 650.000 đồng/chiếc. Ảnh: Under Armour

Dairo Murata, một nhà phân tích bán lẻ tại JPMorgan Securities, cho biết: "Rõ ràng nhu cầu về khẩu trang đang tăng lên” khi dấu hiệu cho thấy sự lây lan của COVID-19 bắt đầu manh nha trở lại. Xu hướng này rõ ràng hơn vào mùa hè, khi mọi người luôn muốn khả năng tìm kiếm khẩu trang mà họ có thể đeo trong thời tiết nóng và ẩm.

Bán khẩu trang - cách đánh bóng thương hiệu mùa dịch

Đeo khẩu trang đã trở nên phổ biến hơn nhiều do virus vẫn tồn tại và một số quốc gia đã khiến chúng bắt buộc phải ngăn chặn sự bùng phát thêm.

Takahiro Kazahaya, một nhà phân tích bán lẻ tại Credit Suisse Securities, cho rằng khẩu trang có thể là một sản phẩm đại diện cho các thương hiệu. Theo ông, người tiêu dùng rất mong đợi có được sản phẩm chất lượng cao khi họ mua khẩu trang có thương hiệu. "Câu hỏi đặt ra là liệu các thương hiệu có thể đáp ứng những mong đợi đó hay không”, Kazahaya nói.

Dẫu vậy, đối với các nhà bán lẻ, dòng sản phẩm khẩu trang chỉ đóng góp rất ít vào bản báo cáo tài chính cuối năm của họ. Ví dụ, trong trường hợp của Uniqlo, doanh số bán khẩu trang AIRism có thể chỉ ghi nhận đợc 1% hoặc ít hơn tổng số toàn hệ thống, Mike Allen, một nhà phân tích tại Jefferies Nhật Bản, cho biết.

"Vấn đề là các thương hiệu có thể thu hút nhiều khách hàng hơn đến cửa hàng của họ bằng cách bán khẩu trang", Allen nói. Với nhiều người không mua sắm trong đại dịch, khẩu trang là một lý do tốt để ghé thăm các cửa hàng và có thể khuyến khích mọi người mua thêm quần áo sau này, Allen nói thêm.

Nhờ khẩu trang, Uniqlo lôi kéo được hàng nghìn khách hàng ghé trung tâm mua sắm của họ sau hàng tháng trời vắng lặng. Ảnh: Metro
Nhờ khẩu trang, Uniqlo lôi kéo được hàng nghìn khách hàng ghé trung tâm mua sắm của họ sau hàng tháng trời vắng lặng. Ảnh: Metro

Interbrand Nhật Namiki nói rằng các công ty có thể nhấn mạnh cam kết xã hội của họ bằng cách bán khẩu trang và điều này giúp đánh bóng hình ảnh của mình. "Bằng cách bán khẩu trang, các thương hiệu có thể gửi thông điệp rằng họ có trách nhiệm với xã hội và làm điều gì đó tốt cho xã hội", ông nói.

Tadashi Yanai, Chủ tịch Fast Retailing, cũng trở nên quan tâm sâu sắc đến việc “thủ tiêu” COVID-19 càng sớm càng tốt. Tuần này, ông đã cam kết chi 10 tỷ yên tiền của mình cho các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto để nghiên cứu COVID-19 và các bệnh khác.

Kazahaya của Credit Suisse nhấn mạnh rằng nếu các thương hiệu có thể chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thông qua khẩu trang, điều đó sẽ khuyến khích họ mua các sản phẩm khác. "Đó chỉ là một chiếc khẩu trang, nhưng đó vẫn là một vấn đề lớn. Bạn không bao giờ nên đánh giá thấp điều đó”, Kazahaya nói.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương