Cẩn trọng khi chọn thực phẩm "chay giả mặn"

Trước tình trạng thực phẩm bẩn bán tràn lan, nhiều người có xu hướng chuyển sang ăn chay vì nghĩ sẽ an toàn. Thế nhưng, mọi chuyện không như nhiều người nghĩ.

"Cá, thịt" chay ngập chợ, siêu thị

Hiện nay, thực phẩm chay được bày bán rất đa dạng, người tiêu dùng có thể đến chợ, vào siêu thị hoặc đến những cửa hàng chuyên bán thực phẩm chay trên các con đường tấp nập tại TP.HCM.

Tuy là thực phẩm chay nhưng lại được gọi tên như đồ ăn mặn, từ thịt heo, bò, gà, dê, cừu,… cho đến hải sản, giò chả,… Tất cả các loại thực phẩm đều được chế biến từ 60-70% là đạm đậu nành, tàu hủ ky, bột mì, đậu xanh.

Cẩn trọng khi chọn thực phẩm

Với nhiều mức giá khác nhau, nhưng hầu như không rẻ hơn các loại thực phẩm mặn tương tự, điển hình giò chả chay có giá từ 90.000-135.000/kg.

Tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết, thường thực phẩm chay giả mặn được ưa chuộng, vì đồ hầu như đã được sơ chế sẵn, chỉ về chế biến như thực phẩm mặn, số khác có thể về chỉ đun nóng lại là có thể dùng, thay vì phải nhiều công đoạn như trước đây.

Khảo sát thị trường, thực phẩm chay trong nước còn khá đơn điệu về chủng loại, chỉ quanh quẩn một số món như cá, heo, gà, vịt… và thường nhà sản xuất chỉ đóng gói riêng lẻ một loại. Ví dụ, thịt heo khô, cá bống khô, đùi gà khô, sau đó người mua đem về mới tự chế biến theo công thức món ăn. 

Các quầy sạp ở chợ thì bày đầy ắp đậu hũ, tàu hũ ky, chả giò, chả cá chiên hoặc hấp, nem chua, mắm chay, ruốc chay, nấm các loại, hầu hết là thực phẩm chay bán dạng xá, không đóng gói, bao bì, nhãn mác. 

Trong khi đó, ẩm thực chay ngoại tạo nên sự độc đáo vì có nhiều món độc, lạ; biến tấu sẵn thành một món ăn, người mua chỉ việc chế biến sơ là có thể ăn ngay được.

Thực phẩm chay ngoại chiếm lĩnh thị trường

Hai năm trở lại đây, thực phẩm chay ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Khá nhiều sản phẩm chỉ in trên nhãn chữ Nhật, Hàn, Trung Quốc, tiếng Anh mà không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Mặc dù giá thành khá cao, song nhiều người vẫn chuộng vì thực phẩm này được cho là an toàn, ít sử dụng phụ gia, sản phẩm lại đa dạng…

Hiện thực phẩm chay ngoại có mặt trên thị trường từ đủ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản. Nếu trước đây, sản phẩm chỉ được bán tại các cửa hàng thực phẩm ngoại, số lượng cửa hàng đếm trên đầu ngón tay thì nay đã đổ bộ vào các kênh siêu thị, chợ truyền thống.

Cẩn trọng khi chọn thực phẩm

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1),… thực phẩm chay chế biến sẵn, đồ ăn đóng gói hay các gia vị chế biến đồ chay được bày bán khá nhiều, xuất xứ chủ yếu từ Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc.

Ghé cửa hàng thực phẩm chay tại Q.11, TP.HCM, nhân viên giới thiệu đủ thực phẩm chế biến sẵn được nhập từ Malaysia như cừu nướng, lẩu cừu, cừu xào nấm. Ví dụ trong gói cừu xào nấm, nhà sản xuất đã tự niêm nếm gia vị sao vừa ăn, thịt cừu đóng gói riêng, nấm đóng gói riêng. Người mua chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn là được.

“Ưu điểm của thực phẩm chay ngoại là món ăn sau khi chế biến không có độ giòn sần sật giống như một số thực phẩm chay nội. Màu sắc cũng không lòe loẹt, bắt mắt”, nhân viên tại cửa hàng này cho biết.

Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm mới lạ như cá hồi, trứng luộc, cà ri cá, cà ri mít, bánh mì chiên, tạng động vật (bao tử vịt, tai heo, lưỡi vịt, gan vịt, ruột vịt), chà bông mè đen, chà bông bí ngô, chà bông ngưu bàng, cua, sò điệp… Giá dao động từ 57.000 – 250.000 đ/sản phẩm.

Không chỉ thực phẩm tươi sống mới được sản xuất theo phương thức hữu cơ (organic), thực phẩm chay ngoại đóng gói cũng đang sản xuất theo xu hướng này.

Nhân viên siêu thị chay tại Q.1, TP.HCM cho biết, thực phẩm chay organic chủ yếu nhập từ Nhật, Mỹ. Dòng thực phẩm này không có loại chế biến sẵn giống như thực phẩm chay Ấn Độ, Malaysia mà chủ yếu là các loại gia vị phục vụ chế biến món chay. Chẳng hạn như bơ hạnh nhân, sốt tỏi ớt, tương cà, bơ đậu phộng, dấm táo, dầu oliu, chà bông các loại hạt… Do không có chất bảo quản nên sản phẩm thường có hạn sử dụng ngắn, chỉ 3 tháng.

Hiện giá các loại gia vị chay organic ngoại nhập khá cao, gấp 4 – 5 lần so với gia vị chay bình thường khác, song theo nhân viên thì lượng khách tăng đều theo từng năm vì được đánh giá khá tốt.

Nguy cơ ung thư khi ăn đồ chay chế biến sẵn

Theo chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng thức ăn chay công nghiệp hay còn gọi là đồ 'chay giả mặn', vì thực phẩm lúc này đã được bổ sung thêm vào nhiều chất khác không tốt cho sức khỏe như chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi cho giống thật, chất định hình,… Đặc biệt là chất tạo màu, tạo mùi, nguồn gốc thường là hóa chất (carbuahydro) gây độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe, có khả năng gây rối loạn về hormone giới tính, thậm chí gây ung thư.

Cẩn trọng khi chọn thực phẩm

Khi người ăn cứ đưa những thực phẩm này với khối lượng lớn vào cơ thể, trong thời gian dài và liên tục thì chẳng những không thanh lọc được cơ thể mà còn đang tự đầu độc cơ thể bởi những tác nhân xấu và sẽ gây ra một số bệnh về sau.

Bên cạnh đó, dù việc ăn chay "đúng nghĩa" giúp người ăn hạn chế mắc các bệnh về tim, tiêu hóa hay tiểu đường; tuy nhiên, chất đạm trong các thức ăn thực vật không đủ acid amin thiết yếu; chất béo tuy không có cholesterol nhưng có các acid béo no, nhất là trong nước cốt dừa và các dạng bơ thực vật nên những người ăn chay trường thường dễ bị thiếu máu, loãng xương, giảm đề kháng… do thiếu các vi chất dinh dưỡng như: Acid folic, sắt, vitamin B12, kẽm, phốt pho, canxi… là các chất trong thực vật khó hấp thu hơn ở động vật.

Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cũng khuyến cáo, thực phẩm dù chay hay mặn đều phải đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng; thực phẩm đóng gói phải có thông tin nhãn mác, thương hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng; đối với sản phẩm ngoại nhập phải có thêm nhãn phụ bằng tiếng Việt. Người mua phải đọc kỹ thông tin, lựa chọn sản phẩm uy tín. 

“Phần lớn thực phẩm chay đều được làm từ bột biến tính, bột đạm kết hợp phẩm màu, hương liệu, chất tạo độ giòn, dai… để người ăn có cảm giác ngon, thật như đang ăn thực phẩm mặn. Tuy nhiên, thay vì chọn thực phẩm chay giả mặn, chế độ ăn chay tốt nhất là theo chế độ dinh dưỡng tự nhiên, chủ yếu gồm rau, củ, quả, nấm, đậu. Cần lưu ý, khi mua thực phẩm chay chế biến sẵn, không nên chọn thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, mùi vị lạ” - bác sĩ Ký khuyên. 

Để đảo bảo sức khỏe cho bản thân người ăn chay, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thận trọng khi chọn lựa thực phẩm. Nên mua thực phẩm chay có thương hiệu, tốt nhất là có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và ngay từ cái nhìn đầu tiên nên hạn chế sử dụng những thực phẩm có màu sắc bắt mắt.

Cẩn thận đồ chay ngoại “dỏm”

Không ít tiểu thương tại chợ mời khách mua đồ chay ngoại, song khi đưa sản phẩm ra thì lại không hề có nhãn mác, thông tin sơ sài. Nhiều khả năng thực phẩm chay Trung Quốc giả thành.

Đồ chay thuộc mặt hàng khô, các nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng trong chế biến các món chay như táo tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân… đựng trong bao nilon loại 20 ký, nhiều loại còn đựng trong thùng không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Tùy loại, thực phẩm chay sẽ có giá từ 100.000 – 250.000 đ/ký.

Tại một số sạp, khi hỏi về thực phẩm chay khô như thịt heo lát, thịt bò lát, gà, vịt… tiểu thương luôn miệng khẳng định hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật; tuyệt nhiên không nghe nhắc đến Trung Quốc. Trong khi đó, một tiểu thương cho biết, thực phẩm chay khô tại chợ chủ yếu là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Chủ mối từ các nơi đổ về vẫn thích lấy hàng Trung Quốc vì sản phẩm đa dạng, khi ăn có mùi vị y như đồ mặn; giá thành lại rẻ. Riêng thực phẩm chay Nhật, Ấn Độ người ta ít lấy vì giá thành đắt hơn.  

KIM THOA

Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm

Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong những năm qua và hiện nay đang là vấn đề rất nóng của toàn xã hội.