Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội

Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội qua nhiều hình thức và chiêu trò để lừa đảo gây thiệt hại không nhỏ cho những người dùng mạng xã hội.
  • Mạo danh các nhà mạng, cơ quan nhà nước:

Các đối tượng lừa đảo thông qua những thông tin của nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội đã giả mạo thành nhân viên các nhà mạng VNPT, FPT,... hoặc giả mạo cán bộ Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại lừa nạn nhân chuyển cho chúng một số tiền nhất định.

  • Hack tài khoản mạng xã hội

Các đối tượng sẽ hack bất kỳ một tài khoản mạng xã hội nào để dùng tài khoản đó liên lạc với người thân, bạn bè,..của người bị hack trợ giúp bằng tiền (như mua card, đưa tin giả bị tai nạn…). Vì lầm tưởng là người thân nên những người được yêu cầu trợ giúp sẽ không suy nghĩ và thực hiện mong muốn của đối tượng dẫn đến mất nhiều tiền.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội
  • Link chứa clip, hình ảnh nóng, ứng dụng trò chơi

Dạng lừa đảo này thường xuất hiện dưới dạng comment kèm theo link dưới các bài viết trong các group. Các đối tượng sẽ gửi các đường link lạ, các ứng dụng như kiểu trò chơi quay số trúng thưởng, ứng dụng thi trắc nghiệm... đến email, tin nhắn mạng xã hội, hay tin nhắn trong các ứng dụng chat trên thiết bị di động của người sử dụng. Nếu tò mò, nhấn vào các đường link này, hoặc tải những trò chơi hay ứng dụng đó… thì các thông tin của người sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong vòng vài ba giây.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội

Đặc biệt, tội phạm mạng còn có thể sử dụng phần mềm mạo danh đầu số điện thoại của Bộ Công an, để giả danh lừa đảo hoặc đe doạ người sử dụng đang dính líu vào các vụ án nghiêm trọng, nhằm chiếm đoạt tiền.

  • Tặng quà từ nước ngoài

Đánh vào tâm lý sính ngoại của nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được món quà đó thì nạn nhân phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển. Món quà thường được nói là có giá trị lớn để mức phí hải quan cao, khiến nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển một số tiền lớn cho đối tượng lừa đảo. Sau khi được chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chặn tài khoản nạn nhân và tiếp tục lừa đảo đối tượng khác.

  • Giả mạo bán hàng

Hiện nay, hiện tượng mua bán hàng trên mạng xã hội vô cùng phong phú và được nhiều người tin dùng. Theo đó, lợi dụng việc này đối tượng lừa đảo mở ra các page bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu khách mua hàng ứng trước một khoản tiền trước khi giao hàng. Những khách hàng nhẹ dạ, cả tin sau khi ứng tiền cho các đối tượng lừa đảo thì sẽ bị chặn tài khoản và không thể nào lấy lại tiền.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội
  • Giả là người mua hàng ở nước ngoài

Không chỉ người mua hàng, nạn nhân cũng có thể là người bán hàng. 

Với những người tham gia bán hàng trên mạng, thì cũng nên đề phòng các nguy cơ khiến bị lộ thông tin cá nhân, số điện thoại di động, số tài khoản ngân hàng. Bởi đã có nhiều trường hợp, tội phạm mạng nhắn tin hoặc gọi điện đến người bán hàng, thông báo mình sẽ chuyển một số tiền mua hàng đến tài khoản của người bán hàng.

Trong lúc đang gọi điện, thì tội phạm mạng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của người bán hàng và nhờ họ đọc mật khẩu OTP. Lúc này, với tâm lý là sẽ nhận được tiền, người bán hàng không thể ngờ đó là mật khẩu dùng một lần giúp tội phạm mạng có thể thay đổi các thông tin trên tài khoản ngân hàng, như số điện thoại nhận mật khẩu OTP, thay đổi mật khẩu đăng nhập vào tài khoản....

Với chiêu thức lừa đảo này, không ít người bán hàng, vì luôn đăng tải đầy đủ thông tin cá nhân, như họ tên, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng,… lên trên các trang bán hàng online, đã bị lấy hết tiền từ tài khoản ngân hàng. Do đó, các ngân hàng luôn đề nghị khách hàng không cung cấp mã số OTP được gửi tới điện thoại di động của khách hàng cho bất kỳ ai, trong bất cứ trường hợp nào.

Ngoài việc lừa đảo qua mạng xã hội, người dùng cũng nên cảnh giác các đầu số điện thoại mạo danh, như +84069, +146, +255, +370, +371, +375, +381, +563,... người sử dụng không nên nhận cuộc gọi cũng như tuyệt đối không gọi lại. Hạn chế cài đặt các ứng dụng được gửi tới email, không nhấn vào những đường link lạ.. cũng là cách giúp người sử dụng không bị mất các thông tin quan trọng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,…

PV (T/H)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương