Cập nhật dịch COVID-19 ngày 23/3: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 10 trong ngày

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 23/3/2020 tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Italy đang là tâm dịch của thế giới với hàng ngàn người nhiễm mới mỗi ngày.

* Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 123

Tối 23/3, Bộ Y tế thông tin về trường hợp thứ 123 dương tính với COVID-19 ở Việt Nam.

Đây là một bệnh nhân nữ, 17 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Bệnh nhân sống tại Sarawar - Malaysia được 3-4 tháng nay.

Ngày 17/3/2020, bệnh nhân từ Malaysia sang Bandar Seri Begawa - Brunei, lên chuyến bay của hãng hàng không Royal Brunei Airline số hiệu BI381, số ghế 27K tới sân bay Tân Sơn Nhất buổi trưa cùng ngày.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh nhân về Bến Tre trên chuyến xe lúc 15h30 chiều 17/3/2020 của nhà xe Công Tạo, được bạn đón về nhà, tự cách ly tại nhà.

Ngày 21/3/2020, bệnh nhân được lấy mẫu giám sát, chưa ghi nhận triệu chứng bệnh. Số người tiếp xúc khi cách ly tại nhà là 2 người và hiện chưa có dấu hiệu bệnh.Viện Pasteur TP.HCM kết luận mẫu bệnh phẩm này dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 22/3/2020.

Hiện bệnh nhân đang được chuyển cách ly y tế tại Trung tâm y tế huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Đây là ca thứ 10 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam trong hôm nay. Trong buổi sáng nay, các bệnh nhân ghi nhận gồm có 5 người ở TP.HCM và ĐBSCL, 3 người ở Hà Nội. Hôm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. 

Tính đến 21h ngày 23/3, Việt Nam ghi nhận 123 ca COVID-19, trong đó 17 người đã khỏi bệnh, 106 người đang điều trị. Các ca bệnh chủ yếu xâm nhập từ nước ngoài.

* Hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới được yêu cầu ở nhà do dịch COVID-19 

Theo thống kê sơ bộ của hãng tin AFP trong ngày 23/3, hơn 1 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã được yêu cầu ở yên trong nhà, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ít nhất 34 quốc gia như Pháp, Italy, bang California (Ca-li-pho-ni-a) của Mỹ, Argentina, Iraq và Rwanda... đã áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc. Ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Burkina Faso, Chile, thủ đô Manila của Philippines, Serbia và Mauritania... đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm đi lại vào ban đêm.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 23/3: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 10 trong ngày

Trong khi đó, một số nước đã áp đặt các biện pháp cách ly tại các thành phố chính với quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các nước khác như Iran và Anh khuyến nghị người dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo số liệu cập nhật lúc 18h45 giờ Hà Nội, số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên tới 15.189 người, đa số tại châu Âu, với 9.197 ca. Italy là nước bị tác động nặng nề nhất với 5.476 ca tử vong, sau đó là Trung Quốc, nơi bùng phát dịch COVID-19 hồi năm ngoái, với 3.270 ca, và Tây ban nha với 2.182 ca.

Trong 24 giờ qua, tổng cộng 1.395 ca tử vong mới được ghi nhận trong tổng số 172.238 ca nhiễm chính thức được công bố. Châu Âu hiện là châu lục có tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh nhất.

* Khuyến cáo công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều nước, vùng lãnh thổ đã hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh khiến nhiều hành khách là công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế.

Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã liên tục cập nhật thông tin và đưa ra các khuyến cáo công dân Việt Nam về việc đi lại, đặc biệt lưu ý hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có). Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết thì công dân Việt Nam có thể bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất nhập cảnh.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cảng hàng không quốc tế, các hãng hàng không quốc tế tại các nước để cung cấp thông tin cụ thể về chính sách nhập cảnh của Việt Nam, khẳng định rằng công dân Việt Nam được phép về nước mà không cần Giấy xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại; tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Nếu cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo số điện thoại của đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự là: +84.981.84.84.84.

* Thêm 3 ca dương tính, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam lên 121 

Ngày 23/3, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận các mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Với 3 bệnh nhân mới này, Việt Nam đến thời điểm này ghi nhận 121 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Việt Nam  121.  

Ca bệnh (BN119): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, quốc tịch Mỹ, trú tại Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân làm việc tại công ty tư vấn tài chính BCG, tầng 13 Mplaza Saigon, số 39, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 1/3/2020 đến ngày 15/3/2020, bệnh nhân thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và về lại Việt Nam ngày 15/3/2020 (không nhớ số hiệu và ngày giờ chuyến bay vào Việt Nam).

Sau đó, bệnh nhân đi làm và có tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, tập thể thao. Ngày 19/3/2020, bệnh nhân có sốt, ho, đau họng. Ngày 20/3/2020, bệnh nhân đến Bệnh viện FV khám và được nhập viện, cách ly, điều trị, lấy mẫu.

Ca bệnh 120 (BN120): Bệnh nhân nam, quốc tịch Canada, 27 tuổi, trú tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, là giáo viên ngoại ngữ. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với BN91. Bệnh nhân từ Canada vào Việt Nam từ ngày 11/2/2020.

Trong quá trình lưu trú tại Việt Nam, bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với BN91 từ ngày 14/3/2020 tại một số quán ăn, nơi vui chơi, trong đó có quán Bar Buddha. Sau khi phát hiện BN91, bệnh nhân được đưa cách ly tập trung tại Quận 2 vào chiều 19/3/2020 và lấy mẫu bệnh phẩm ngày 20/3/2020 - khi chưa có triệu chứng bệnh.

Ngày 21/3/2020, bệnh nhân có sốt, ho khan, chuyển Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cách ly, điều trị.

Ca bệnh 121 (BN121): Bệnh nhân nam, 58 tuổi, trú tại Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 18/3/2020, bệnh nhân cùng vợ từ New York (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại Narita-Nhật Bản trên chuyến bay của hãng hàng không ANA số hiệu NH831, số ghế 3H (vợ bệnh nhân số ghế 3K) và nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 19/3/2020.

Bệnh nhân cùng vợ được chuyển về cách ly tại huyện Cần Giờ. Ngày 20/3/2020, bệnh nhân có sốt, không ho, không khó thở và được lấy mẫu. Hiện bệnh nhân tiếp tục được cách ly theo dõi tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ.

* Úc và New Zealand đóng cửa biên giới đối với người ngoài

Theo kênh CNBC, New Zealand cho biết họ đang chuyển đến mức cảnh báo cao nhất và sẽ đưa ra các biện pháp tự cách ly, cũng như yêu cầu tất cả các dịch vụ, trường học và văn phòng không thiết yếu phải đóng cửa trong 48h tới. 

Các biện pháp phong tỏa có hiệu lực ở nước láng giềng Úc, trong khi hàng dài dòng người xếp hàng bên ngoài văn phòng của cơ quan phúc lợi chính để đăng ký thanh toán an sinh xã hội, do tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng xảy ra, theo Reuters. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với quốc hội hôm thứ nay (23/3). Ông cảnh báo người Úc họ nên chuẩn bị cho việc phong tỏa có thể kéo dài 6 tháng.

Tây Úc từ chối nhập cảnh vào tàu du lịch MSC Magnifica thuộc sở hữu của Thụy Sĩ chở hơn 1.700 hành khách, trong đó 250 người có các triệu chứng hô hấp,một báo cáo cho biết.

* Italy "vỡ trận" cấm người dân đi lại trên toàn quốc

Theo Reuters, ngày 22/3 Italy đã ra lệnh cấm đi lại trong nước trong nỗ lực mới nhằm ngăn virus lây lan,  Bộ y tế và bộ nội vụ của Italy ra thông cáo yêu cầu người dân không đi tới thị trấn hay vùng khác trừ khi thật cần thiết hoặc vì lý do y tế.

Chính phủ cũng ra lệnh ngưng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu để buộc thêm nhiều người nữa phải ở nhà. Những ngành nghề nhắm tới lần này là xe hơi, may mặc và nội thất, và sẽ có cho tới ngày 25/3 để dừng hoạt động, đóng cửa cho đến ngày 3/4.

Cũng trong ngày hôm qua (22/3) đã ghi nhận thêm 651 ca tử vong và 5.560 ca nhiễm mới, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên tới 5.476 trong tổng số 59.138 ca nhiễm. Quân đội Italy đã được huy động hỗ trợ lệnh phong tỏa. 

* Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên dương tính với COVID-19

Ngày 22/3, Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, trở thành thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố mắc bệnh này.

Tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của ông Rand Paul viết: "Thượng nghị sĩ Rand Paul đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ông ấy cảm thấy ổn và đang được cách ly. Ông ấy không có triệu chứng và được xét nghiệm để đề phòng sau khi đi lại nhiều nơi và tham dự nhiều sự kiện. Ông ấy không nhớ đã tiếp xúc trực tiếp với bất cứ người nào bị nhiễm bệnh".

* Số ca nhiễm COVID-19 tại Italy tăng lên gần 60.000 người    

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 22/3, nước này ghi nhận thêm 5.560 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 59.138 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 5.476 trường hợp (tăng 651 ca).

Tổng số có 7.024 ca hồi phục (tăng 952 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 19.846 ca nhập viện, 3.009 ca phải điều trị tích cực và 23.783 ca cách ly tại nơi ở.  

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, sau khi Chính phủ Italy công bố bổ sung các biện pháp thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế Italy ngày 22/3 cũng đã ban hành quy định liên bộ nghiêm cấm các phương tiện di chuyển từ commune này sang commune khác (địa giới hành chính nhỏ nhất của Italy), bao gồm cả các xe công vụ, trên phạm vi cả nước.

* Chile ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm

Ngày 22/3, Chính phủ Chile đã quyết định ban bố lệnh giới nghiêm vào hàng đêm trong thời gian từ 22h-5h, nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi nước này ghi nhận thêm 95 ca dương tính trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này lên thành 632 người. 

Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Mañalich cho biết trong số các trường hợp nhiễm mới hiện có 31 người đang được điều trị tập trung tại bệnh viện, trong đó có 11 cần tới sự trợ giúp hô hấp, và số còn lại được cách ly theo dõi y tế tại nhà. 

Ngoài ra, chính phủ Chile cũng quyết định tất cả những người nhập cảnh vào Chile đều bắt buộc phải cách ly trong thời gian 14 ngày. Cơ quan chức năng cũng thiết lập các trạm kiểm soát y tế và an ninh giữa các vùng và địa phương trên cả nước, trong đó thị trấn cảng Puerto Williams bị cách ly hoàn toàn vì được xác định là một ổ dịch và chỉ cho phép các xe vận chuyển đồ tiếp tế và dược phẩm đi qua. 

Lệnh giới nghiêm cùng với các biện pháp đã được đưa ra trước đó như cho học sinh, sinh viên nghỉ học, đóng cửa các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, các nhà hàng, rạp chiếu bóng, sẽ góp phần giảm thiểu các hoạt động tập trung đông người, những tiếp xúc trực tiếp có thể dẫn tới sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

* Thụy Sĩ ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 

Tính đến ngày 22/3, Thụy Sĩ đã ghi nhận hơn 7.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và số người chết đã lên tới 60.  Giới chức y tế Thụy Sĩ cảnh báo sẽ mất ít nhất một tuần để tỷ lệ lây nhiễm có thể giảm bớt. Trong vòng 24h qua đã có hơn 900 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đưa tổng số ca nhiễm được xác nhận lên 7.014 người.

* Tại Việt Nam: Ghi nhận 113 ca nhiễm

Tính đến tối 22/3, Việt Nam đã ghi nhận 113 trường hợp mắc CCOVID-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. Trong số 17 trường hợp đã khỏi bệnh có 16 trường hợp đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe

Các bệnh nhân còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại 11 cơ sở y tế trong cả nước. Trong khi, đa số các bệnh nhân đang điều trị ở các cơ sở y tế đều có tình trạng sức khỏe ổn định, không sốt, không ho hoặc ho ít, không khó thở, XQ phổi bình thường; có một vài bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi (dấu hiệu trên phim XQ) và viêm phổi tiến triển đã được điều trị theo phác đồ điều trị viêm phổi. Nhiều bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm lần 1 hoặc 2 lần âm tính với COVID-19.

* Theo Ban chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về phòng chống dịch COVID – 19, tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ từ ngày 23/3 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai việc tạm dừng hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng; tạm dừng hoạt động các cơ sở chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh quán bar, karaoke, xông hơi và massage, các điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang bắt đầu từ 0 giờ phút ngày 23/3/2020.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;  yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các hoạt động trên cần thực hiện nghiêm túc theo quy định của tỉnh.

Đối với việc cưới, nên tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ, tiệc cưới; cân nhắc điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức cho phù hợp. Trong tổ chức việc tang, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (mọi người đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn...), tổ chức nhanh gọn, giản tiện nhất các thủ tục.

Bên cạnh đó, hạn chế tối đa tổ chức các lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác.Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về phòng, chống dịch COVID-19 cũng có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang yêu cầu tạm dừng tổ chức sát hạch lái xe ô tô, xe mô tô trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 22/3/2020 cho đến khi có thông báo mới.

* Ngày 22/3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản về việc tạm ngưng tiếp nhận khách du lịch đến Côn Đảo, bắt đầu từ ngày 24/3 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo UBND huyện Côn Đảo thông báo đến các công ty lữ hành để sắp xếp cho du khách đến Côn Đảo vào thời điểm thích hợp; khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc ra, vào Côn Đảo nếu không có việc cần thiết.

Ngoài ra, chính quyền huyện đảo phải kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu người dân nghiêm túc, trung thực khi khai báo y tế khi ra, vào Côn Đảo; xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình không chấp hành.

Quyết định trên dựa trên thực tế mỗi ngày có khoảng 3.000 du khách trong và ngoài nước đến Côn Đảo, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Côn Đảo lại cách xa đất liền, lực lượng y bác sĩ và các trang thiết bị tại trung tâm y tế quân dân y của huyện còn hạn chế.

Trước đó, từ 10/3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định tạm ngưng hoạt động tham quan các điểm di tích, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện đồng thời đề nghị tổ chức khai báo y tế đối với người dân đến Côn Đảo và hạn chế đi lại của người dân trên đảo với đất liền.

*Ngày 22/3, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập đã phối hợp với Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, công ty Coslady và các nhà tài trợ tổ chức chương trình "Tiếp sức biên giới Tây Nam phòng chống dịch COVID -19".

Tại đây, 5.000 chai nước rửa tay khô sát khuẩn và 20 phần quà đã được trao tặng nhằm động viên tinh thần các chiến sĩ biên phòng Tây Ninh, dân quân tự vệ và công an xã tham gia trực gác các chốt trên biên tuyến giới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tổng số quà tặng trị giá hơn 150 triệu đồng.

Thời gian này, cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng trên tuyến biên giới Tây Ninh vừa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, vừa kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn lượng người qua lại biên giới trái phép và hỗ trợ người nhập cảnh khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, còn thiếu nhiều trang bị y tế bảo vệ như: khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn.

P.V

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương