Câu chuyện đằng sau một bài báo

Câu chuyện về “nồi da nấu thịt” đăng báo 26 năm trước, nay nhắc lại chỉ mong sự việc tương tự không tái hiện trên đời.

Cách đây hơn 20 năm, tôi có bài báo mang tựa đề  “Linh hồn không dễ nhắm mắt” lấy bút danh Mai Thuận Ngôn đăng báo CA Nghệ An số 178 tháng 8/1994. Nội dung bài như sau:

“Khổ chủ bị bệnh hiểm nghèo, Viện K Hà Nội trả về. Ngôi nhà mới 2 tầng, chiếc Dream II đập hộp, những đồ dùng đắt tiền…cũng bất lực. Vợ của khổ chủ 22 tuổi mang tên một loài hoa, nàng bế con gái đầu lòng 2 tuổi lặng nhìn chồng nước mắt đầm đìa. Bạn bè đồng nghiệp của khổ chủ lặng lẽ vào thăm rồi lặng lẽ bước ra, họ biết bạo bệnh ung thư không tha ai, từ gã ăn mày đến tỷ phú đô la.

Khổ chủ cố hé mắt nhìn người cầm máy ghi âm (do người anh bố trí) đang túc trực chờ lời trăng trối về thừa kế phân chia tài sản. Người anh của khổ chủ là cán bộ của một cơ quan Nhà nước, phép tính thừa kế tài sản của ông ta đã có đáp số là: Em dâu còn trẻ, chút con gái “vịt giời”,  vịt con lớn lên cùng vịt mẹ bay xa, cơ ngơi nửa tỷ bạc (theo thời giá 1994) sớm muộn thuộc về vịt mẹ vịt con và bố dượng (?). Bố mẹ ông ta cũng là bố mẹ của khổ chủ sẽ mất cả chì lẫn chai, thế nên cử người kiên trì túc trực, chuẩn bị máy ghi âm và bản di chúc đã viết sẵn, vỗ về động viên biết đâu khổ chủ sẽ ký. Nhưng mưu toan của người anh hoá thừa, khổ chủ lặng lẽ ra đi giữa mùa hè thứ 38 tính theo tuổi ta, mang toàn bộ di chúc thừa kế sang miền cực lạc.

Mẹ con góa phụ đang trắng khăn tang, mộ người xấu số cỏ chưa kịp bén rễ, người anh họp đại gia đình phân chia tài sản, rằng, ngôi nhà 2 tầng này do người quá cố làm ra, góa phụ không có quyền thừa kế. Nếu khổ chủ có con trai nối dõi thì khỏi bàn, đằng này chút “vịt giời” rồi sẽ bay, linh hồn khổ chủ không có ai hương khói (?) Ông ta quyết định cho mẹ con goá phụ chiếc Dream II tạo vốn làm ăn, còn ngôi nhà 2 tầng thuộc về bố mẹ già và anh em ruột thịt ông ta. 

Nghe ông ta luận định, góa phụ đứng ôm con nước mắt ngược vào tim, đến lúc ông ta yêu cầu góa phụ giao hồ sơ giấy tờ nhà đất, bấy giờ tấm thân tiều tụy với khăn tang trên đầu rung lên bần bật như tàu chuối gặp bão, góa phụ gào khóc không biết chồng mình cất hồ sơ giấy tờ nhà đất ở đâu.

Ai được quyền thừa kế? thừa kế những gì? hãy chờ mãn tang khổ chủ rồi sẽ nhờ Toà án phán quyết. Riêng hành vi của ông ta chà đạp lên đạo lý, dày xéo máu mủ ruột rà thì không bản án nào phán nổi. Cũng như cốc nước đầy đã bị ông ta đổ toẹt xuống đất không thể vớt lại. Sau làn áo tang đen trái tim goá phụ ngỡ hóa đá, nàng châm hương cắm lên ban thờ gào khóc linh hồn người chồng không dễ nhắm mắt".

Bút tích lá thư của người cháu gửi bác ruột
Bút tích lá thư của người cháu gửi bác ruột

Trở lại thời gian đó, trước khi đặt bút viết, tôi đã đến tận nơi ngôi nhà xảy ra chuyện, là một ngôi nhà 2 tầng đối diện sân bóng Hưng Dũng. Lúc ấy cổng ngoài cửa trong ngôi nhà đều im ỉm khóa, tôi tấp vào quán nước gần đó gợi chuyện. Bà quán cho biết hôm qua lễ 3 ngày chủ nhà, anh trai chủ nhà cho người đến khóa cổng khóa cửa để vợ góa con thơ của chủ nhà không thể vào thắp hương cho chồng cho cha, giờ chòm xóm không biết hai mẹ con đi đâu ở đâu.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ,  tôi có đủ thông tin xác thực để viết bài. Câu chuyện ngược đời ngược đạo thật 100%, nhưng khẩu thiệt vô bằng.  Bởi vậy mà bài viết lên nhân vật đều được "mã hoá" và viết văn chương như vậy. 

Bài viết góp tiếng chuông báo động thực trạng đồng tiền va đập làm sứt mẻ đạo lý tình người. Nhiều bạn đọc photo hàng trăm bản để phát cho con cháu. 

Chẳng biết bề trên là ai ra lệnh miệng, mấy điểm photo bên đại lộ Quang Trung xuất hiện cảnh sát khu vực lảng vãng túc trực “làm nhiệm vụ” thu hồi bản photo bài báo. Tôi sắm vai khách đứng chờ chưa đến lượt photo, đến lân la rỉ tai mấy chú cảnh sát cái gọi là “làm nhiệm vụ” rằng, báo Công an Nghệ An là báo chính thống, bạn đọc có quyền photo tin bài để đọc, bất kỳ ai dùng tay che mặt trời đều phạm luật báo chí. Nói vậy thôi nhưng đầu chiều ấy không thấy mấy chú cảnh sát khu vực lảng vãng cùng cái gọi là “làm nhiệm vụ” nữa.       

Lá thư đẫm nước mắt của cháu Nguyễn Th gửi bác Ch năm 2004 (NVCC) 
Lá thư đẫm nước mắt của cháu Nguyễn Th gửi bác Ch năm 2004 (NVCC) 

Có điều nhân vật người anh trong bài như đỉa phải vôi, ông ta nhất định cho rằng chỉ có người trong nhà cung cấp thông tin, nhà báo này mới nắm tường tận như thế. Ông ta còn gọi điện dọa kiện Tổng biên tập báo Công an Nghệ An và tác giả bài báo ra toà.

Vài hôm sau ngày báo phát hành, một gã “cò mồi” (tôi biết gốc tích gã này) dẫn một người lạ mặt tiện qua đường vào thăm "biệt thự" 24 m2 của Nhà báo.

Trước đó, đúng như tôi dự đoán, từ Hưng Dũng, tin vịt râm ran rằng góa phụ tặng tác giả chiếc Dream II vừa đập hộp để viết bài. Bác Hà Văn Tải, nguyên Chánh VP tỉnh ủy Nghệ An nghỉ hưu, vốn là cộng tác viên thường xuyên của báo, có người nhà dạy trường Hưng Dũng, nghe cô giáo về thuật lại nội dung tin vịt, bác Tải cười bảo: "Bố lạ gì tác giả Mai Thuận Ngôn. Kẻ xấu bị nó điểm trúng huyệt, không dám ra mặt thì phao tin bêu nó".    

Còn ở toà soạn báo Công an Nghệ An, TBT Cao Đăng Nghĩa cho biết hôm trước góa phụ đến gặp Ban biên tập và giới thiệu tên là Cao Thị M, cô ấy muốn gặp cảm ơn tác giả. Tôi nhờ anh Nghĩa bảo với cô ấy rằng cứ lo chu tất hương khói cho chồng và chăm nuôi con cho tốt, như vậy đã là cảm ơn tác giả rồi.

Anh Cao Đăng Nghĩa cười: "Chuyện đời đi vào văn chương rứa mà cũng “nóng ran” chú hầy".

 Tôi không nhịn được cười: “Nóng ran” với kẻ có tật giật mình, anh nhỉ. Chẳng ai khảo mà xưng, khi nào anh nhận đơn khởi kiện của ông ta, em sẽ viết tiếp bài “Đất Nghệ có ông cán bộ tự nhận là Chí Phèo”.

Năm 2004, tròn 10 năm sau kể từ khi bài báo nhỏ tạo dư chấn, từ Hà Nội góa phụ M dò hỏi và biết tên thật của tác giả, cô nhờ tổng đài 108 xin số điện thoại nhà riêng và điện kể cho tôi nghe chặng đời đầy sóng gió tiếp đó của hai mẹ con. 

Năm 1992 tròn 20 tuổi M làm mẹ, 1 tháng sau vợ chồng cô khánh thành ngôi nhà mới. Vào nhà mới ở được 25 tháng,  ngày 26.4 âm lịch Giáp Tuất (1994), chồng cô vĩnh viễn ra đi, mẹ con góa phụ bị anh chồng đuổi ra khỏi ngôi nhà của mình. Bảy tháng đầu chịu tang chồng M không có việc làm, cảm thương cảnh ngộ của M cơ quan chồng muốn tiếp nhận M vào làm việc nhưng bị anh chồng can thiệp “cào ra” nên cơ quan chồng không dám nhận.

Buồn chán chưa biết làm gì để sống M ngã bệnh, góa phụ phải ôm con về nương thân nhà mẹ đẻ tại phường Bến Thủy. Thời gian về dưỡng bệnh tại nhà mẹ đẻ, ngôi nhà 2 tầng bị ông ta cắt bỏ khoá cũ thay khoá mới, không cho mẹ con M vào nhà hương khói, M trèo tường rào vào phá khoá cửa thì bị con trai ông ta lấy đá ném lại.

Không lâu sau dì ruột của M về mang cả hai mẹ con M ra Hà Nội, M tiếp tục theo học ĐH Tài chính hệ mở (đã bỏ dở), rồi chuyển sang học Kinh tế ĐH Ngoại thương. Cô Tâm trường ĐH Ngoại thương cho mẹ con M mượn nhà trú thân. Nhà cô Tâm có mảnh vườn nhỏ, M cuốc đất trồng rau, cuối tuần M nhảy ôtô về quê Diễn Châu mua nước mắm, bột canh và các loại thực phẩm ra bán, giáo viên và sinh viên nội trú của trường vận động mua ủng hộ M. Từ năm học thứ 3 M tham gia làm tiếp thị và triển lãm hàng, xoay xở đủ nghề để tồn tại suốt 5 năm theo học.

M muốn bán ngôi nhà 2 tầng tại Vinh để ra Hà Nội mua nhà, nhưng ngôi nhà chưa có sổ đỏ, lại bị anh chồng gây khó dễ. M lên UBND phường Hưng Dũng xin cấp sổ đỏ, cán bộ phường bảo phải có giấy xác nhận của anh chồng và dấu đỏ của cơ quan ông ấy thì phường mới cấp? Không làm được sổ đỏ để bán ngôi nhà, M được một Cty tại Hà Nội ký hợp đồng bán hàng, tranh thủ thời gian M còn dạy tiếng Việt cho một số sinh viên Hàn Quốc.

Ra trường M xin làm kế toán xưởng sửa chữa ô tô, sau đó chuyển sang làm kế toán Cty dịch vụ của Bộ nọ. Dịp Tết dịp hè M mang con về Vinh hương khói cho chồng. M bảo, ông ấy không trực tiếp ra tay nhưng đứng đằng sau chỉ đạo người em con chú tên là C gây khó dễ cho mẹ con cô.

Tôi cũng được đọc lá thư đẫm nước mắt của con gái của M 12 tuổi học lớp 6, là thư gửi người bác ruột:

“Gửi bác Ch !

...Bố cháu mất đã 10 năm, bác không ngó mặt hai mẹ con cháu…Bác đừng tưởng cháu còn nhỏ không biết gì. Hồi bố cháu mất bác làm những gì thì bác tự biết. 8 năm trời mẹ cháu vất vả kiếm tiền để nuôi cháu. Mẹ cháu hết lòng vì cháu, bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để lo cho cháu. Nhà không có phải đi thuê, hai mẹ con bị người ta đuổi đi, gần chục lần chuyển nhà rồi.

Rồi mẹ cháu xin được việc làm, mẹ cháu bị người ta bóc lột sức lao động để kiếm ra đồng tiền lo cho cháu ăn học đâu có dễ. Nếu mẹ cháu không thương cháu lo cho cháu thì cháu đã trở thành con bụi đời cầm dao về đâm chết bác rồi! Bác đừng có mà giả nhân giả nghĩa 2 năm gần đây bác quay lại với hai mẹ con cháu, bác chu cấp tiền cho cháu. Mẹ cháu bảo đấy là tiền phúng viếng 50 ngày của bố cháu, bác lấy hết, bây giờ bác nuốt không trôi đem ra trả dần cho hai mẹ con cháu chứ gì ?...Bác làm mẹ cháu mất việc rồi ốm hơn 1 tháng trời. Bác sống trong giàu sang phú quý, bác sống trong nhung lụa, bác có biết 2 mẹ con cháu phải khổ sở như thế nào đâu. Bác không cho mẹ con cháu bán nhà tức là bác tranh nhà với bố cháu, bác tranh nhà với cháu à? Sao bác độc ác thế! Bác làm thế sau này không sợ quả báo à? Bác hãy suy nghĩ cho kỹ đi!

Cháu Nguyễn Th”. 

Hơn 20 năm, khi tôi viết lại chuyện ngược đời này, người mà cháu Th gọi là bác, đã nghỉ hưu từ lâu; Cháu bé Nguyễn Th ngày ấy nay 28 tuổi có lẽ đã làm mẹ. Góa phụ Cao Thị M có lẽ cũng lên chức bà ngoại.  Nỗi đau “nồi da nấu thịt” vẫn còn đó.

Tôi cũng không nêu tên thật của những người trong cuộc. Nhưng đó là câu chuyện khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi.

Giao Hưởng

Liên minh tình báo Five Eyes dồn Trung Quốc vào thế khó

Liên minh tình báo Five Eyes dồn Trung Quốc vào thế khó

Bắc Kinh sẽ phải có nhiều nỗ lực nhiều hơn để chống lại sức ép từ Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.