CEO Vietlife: Kinh doanh không chỉ vì tiền mà vì cái đẹp

Vì một tình yêu lớn với văn hóa Việt, vợ chồng chị Tạ Vân Huyền và anh Đoàn Trọng Việt đã xây dựng homestay Vietlife (cuộc sống người Việt) để thảo mãn đam mê của mình và giới thiệu nó đến bạn bè quốc tế và cũng để dạy cho con cái về văn hóa dân gian và tự tôn dân tộc.

Lưu giữ văn hóa Việt

Sài Gòn không thiếu khách sạn, nhà nghỉ, resort nổi tiếng nhưng đến với homestay Vietlife lại là sự lựa chọn lý tưởng cho du khách có đam mê khám phá, tìm hiểu và muốn hòa mình vào không gian văn hóa Việt.

Chị Vân Huyền CEO Vietlife tự tay thiết kế và chăm chút từng góc nhỏ tại homestay - Ảnh: Cẩm Viên.
Chị Vân Huyền CEO Vietlife tự tay thiết kế và chăm chút từng góc nhỏ tại homestay - Ảnh: Cẩm Viên.

Không phải ai làm homestay cũng chỉ hướng đến lợi nhuận, vợ chồng chị Tạ Vân Huyền và  anh Đoàn Trọng Việt những người con của làng lụa Nha Xá, tỉnh Hà Nam nặng lòng với văn hóa Việt. Họ di cư vào Sài Gòn chọn kinh doanh homestay để kiếm tìm những giá trị văn hóa sâu sắc, họ chia sẻ và kết nối những người yêu văn hóa Việt với nhau qua mô hình của chính mình.

Vietlife nằm trên đường số 2, khu Hưng Gia 1, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Căn nhà do chính vợ chồng chị Vân Huyền thiết kế và xây dựng. Homestay có khoảng 7 lầu và 12 phòng sử dụng, mỗi phòng khoảng 25m2, giá dao động khoảng 13-14 triệu/tháng bao gồm điện nước và dịch vụ.

Homestay có lối kiến trúc hoài cổ với những mảng tường, chiếc tủ, chiếc bàn, bình hoa là những đường nét hoa văn đậm dấu ấn dân tộc, những món đồ cổ đậm màu thời gian, vài bộ ấm chén xinh xinh, cái mẹt tre, bộ ấm tích, dãy lụa, thổ cẩm... Đó là những món đồ được anh chị sưu tập trong những chuyến đi dọc vùng miền đất nước và tất cả cùng làm nên một bản “giao hưởng cổ điển” mang đậm dấu ấn Việt.

Không gian bếp của homestay.
Không gian bếp của homestay.

Chị Vân Huyền chia sẻ: “Vợ chồng tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới và thấy người nước ngoài họ rất quan tâm về giá trị văn hóa của quốc gia họ, thì tại sao chúng ta có vùng nền văn hóa vô cùng đa dạng phong phú lại không giữ nó cho thế hệ con trẻ được thừa hưởng và tiếp nối vì đó là một niềm tự tôn của dân tộc?. 

Tôi thiết kế và làm homestay này không đơn thuần mục đích kinh doanh là còn làm vì chính đam mê văn hóa dân tộc của bản thân tôi và làm vì muốn nung nấu một tình yêu dân tộc cho con cái tôi. Con tôi sẽ cảm nhận được những giá trị truyền thống qua việc làm hằng ngày của ba mẹ, chúng sẽ biết những món ăn truyền thống từng vùng miền được làm ra như thế nào, những món đồ gốm, vải lụa, thổ cẩm, sản phẩm thủ công mây tre đan hay trò chơi dân dân được làm và chơi ra sao… Những thứ mà ở xã hội hiện đại này con tôi sẽ không được tiếp cận”.

Một góc nhỏ của căn phòng - Ảnh: Cẩm Viên.
Một góc nhỏ của căn phòng - Ảnh: Cẩm Viên.

Tâm huyết

“Khi xây dựng Vietlife nhiều bạn bè nói tôi bị hâm, dưới góc độ đầu tư kinh doanh thì việc tôi đầu tư quá nhiều chi tiết và tỉ mẩn như thế này sẽ mất nhiều vốn và không sinh lợi nhuận. Nhưng với tôi Vietlife là tâm huyết, là đam mê, là nhà nên nó không chỉ chất lượng mà phải đẹp, có lẽ vì tôi là kiến trúc sư nên làm gì cũng hơi phiêu một tí để thỏa mãn tính thẩm mỹ của riêng mình” chị Vân Huyền chia sẻ.

Không chỉ tham vọng gìn giữ văn hóa dân tộc cho người Việt, chị Vân Huyền còn muốn giới thiệu văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế và muốn Vietlife như một ngôi nhà thứ 2 khi họ ghé thăm Việt Nam.

Du khách có thể tự tay vào bếp chế biến những món ăn đậm chất Việt. 
Du khách có thể tự tay vào bếp chế biến những món ăn đậm chất Việt. 

Đến Vietlife du khách có thể bắt gặp chất liệu văn hóa dân gian Việt qua từng đường nét hoa văn trong nhà vệ sinh, đến chiếc giường, chiếc bàn, chiếc ly, tấm thảm… đều được thiết kế riêng. Ngay kể cả những miếng lót thức ăn cũng được thiết kế đậm nét văn hóa Việt và được phiên dịch bằng hai thứ tiếng để người nước ngoài có thể hiểu hơn về văn hóa Việt. Du khách nước ngoài có thể cảm nhận được không chỉ qua đồ ăn thức uống mà ngay của lúc ngủ nghỉ, tắm rửa cũng đúng “chuẩn Việt”.

Theo anh Anh Đoàn Trọng Việt (chồng chị Vân Huyền) khu Phú Mỹ Hưng có 80% dân quốc tế, đa văn hóa, đa chủng tộc sinh sống, nhưng xung quanh này không có một trung tâm văn hóa nào. Họ có thể tìm đến chợ Bến Thành để mua những sản phẩm thủ công của Việt Nam nhưng sẽ không ai giải thích cho họ về nguồn gốc và đặc điểm cũng như câu chuyện văn hóa của món đồ đó, thì nói gì đến việc du khách được trải nghiệm trọn vẹn một nền văn hóa Việt.

Vietlife có một sân khấu nhỏ, nơi đây thường xuyên diễn ra những chương trình mang đậm chất dân tộc.
Vietlife có một sân khấu nhỏ, nơi đây thường xuyên diễn ra những chương trình mang đậm chất dân tộc.

Vậy nên ở homestay Vietlife sẽ có những buổi workshop mở cửa chào đón du khách quốc tế tự tay trải nghiệm làm và thưởng thức những món ăn đậm chất Việt Nam do chính đầu bếp Việt hướng dẫn làm bánh chưng bánh giày, món nem, đặc sản bún chả, thịt kho tàu… Họ sẽ được nếm thử những món ăn của ngày Tết ngay cả trong mùa hè.

Theo vợ chồng chị Vân Huyền, việc kinh doanh mô hình văn hóa này đã cho anh chị có nhiều mối quan hệ chất lượng, cùng đam mê, sở thích kết nối cùng nhau. "Đó là những thứ không được nhìn thấy bằng tiền nên vợ chồng tôi thấy mình được nhiều hơn mất", anh chị chia sẻ.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương