Chiến tranh lạnh phủ bóng lên kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc

Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đối mặt với số liệu không tốt đẹp của nền kinh tế Trung Quốc tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc cuối tuần này.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng âm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm xấu đi quan hệ ngoại giao với phương Tây. 

Báo Asia Times ví von, kỳ họp thường niên tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc sẽ diễn ra trong "mùi thơm của chất khử trùng hòa với cơn đau kinh tế" - "một hỗn hợp độc hại".  Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trình bày báo cáo trong bối cảnh đó vào cuối tuần này.

Kỳ họp thường niên tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc sẽ diễn ra trong
Kỳ họp thường niên tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc sẽ diễn ra trong "mùi thơm của chất khử trùng hòa với cơn đau kinh tế", theo Asia Times.

Tuy nhiên, những gì diễn ra bên ngoài mới thật dữ dội, khi những hệ lụy phát sinh từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Đó là nguy cơ rạn nứt sâu sắc mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang ở bờ vực của chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên trên thực tế, chiến tranh lạnh gần như đã xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sự lan tràn và tàn phá của virus corona chỉ khiến cuộc chiến trầm trọng hơn, nhà nghiên cứu An Gang thuộc Trung tâm Chiến lược Quốc tế và An ninh tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nhận xét.

Đại dịch đã làm nổi bật những bất lợi về thể chế của Mỹ. Khi sự tự tin chính trị suy giảm, Mỹ ngày càng trở nên nhạy cảm. Theo cách này, sự cạnh tranh về thể chế rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Các mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất hành tinh đã bị đóng băng trước khi dịch virus corona bùng phát và giờ đây còn nặng nề hơn, An Gang phân tích.

Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc được chính thức công bố hồi đầu năm, đến nay toàn thế giới có hơn 4,9 triệu người đã bị nhiễm bệnh, với số người thiệt mạng lên tới 320.000.

Châu Âu đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch COVID-19. Nước Anh xác nhận con số chính thức gồm 243.695 ca nhiễm virus corona và 34.636 trường hợp tử vong. Ý có gần 226.000 ca nhiễm bệnh, với gần 32.000 ca tử vong. Hai quốc gia thiệt hại nặng nề về người kế tiếp là Tây Ban Nha và Pháp.

Không chỉ đối mặt trước áp lực to lớn về kinh tế và xã hội trong nước, Trung Quốc đang vấp phải phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, khi có nhiều đòi hỏi phải điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Ngoài Mỹ, Australia đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona. Trong khi đó, Pháp và Anh cũng đã yêu cầu Trung Quốc có câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc của đại dịch. Ngoài ra, các nhà chính trị Canada cũng lên tiếng đòi hỏi sự công bằng từ Trung Quốc, theo Asia Times.

Tại châu Âu đang có những cuộc thảo luận về các vấn đề chiến lược, từ đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đến an ninh viễn thông. Tất cả các vấn đề đó đều liên quan tới Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ quốc gia này ngày càng lộ rõ tham vọng toàn cầu, ông Andrew Small, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu  Âu, nêu rõ quan điểm về Trung Quốc  trong bản tóm tắt chính sách của châu Âu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn là đối thủ lớn và quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố đánh lạc hướng luồng dư luận trong nước chỉ trích ông về con số hơn 90.000 người tử vong khi đại dịch chưa kết thúc, bằng cách thúc đẩy tâm lý bài Trung. 

Zhang Tengjun, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phải công bố kế hoạch kinh tế của Trung Quốc cho năm 2020, vốn chỉ còn 7 tháng nữa.

Theo Asia Times, các quyết sách quan trọng trong kế hoạch nêu trên sẽ là giải quyết tình trạng thất nghiệp đang gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch. Cơn bão Covid-19 gây sốc cho thị trường việc làm của Trung Quốc với quy mô chưa từng có, các nhà phân tích cho hay. Duy trì sự ổn định xã hội sẽ là tối quan trọng. Vì vậy, giải quyết tình trạng thất nghiệp sẽ được ưu tiên hàng đầu, cùng với việc hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ đang gặp khó khăn.

Khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 80% việc làm ở thành thị, trong đó bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Số liệu công khai cho thấy, có ít nhất nửa triệu doanh nghiệp Trung Quốc đã giải thể trong quý I/2020, Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital economics, cho biết trong báo cáo công bố hồi tháng Tư.

Để chống lại điều này, chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chính sách "Made in China 2025" với công nghệ thế hệ tiếp theo. Chính sách này phù hợp với đầu tư lớn của nhà nước vào cơ sở hạ tầng công nghệ. 

Kinh tế Trung Quốc chính thức lao vào tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Kinh tế Trung Quốc chính thức lao vào tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1992.

Tuy nhiên, nhiều rủi ro trước mắt cho nền kinh tế cần phải được chính phủ nước này khắc phục. Năm 2020, đây sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức do cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có vì ảnh hưởng của COVID-19.

Chỉ trong ba tháng, cú sốc bất ngờ từ đại dịch COVID-19 đã lấy mất gần 7 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. GDP của nước này trong quý I/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kinh tế Trung Quốc chính thức lao vào tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1992, ông Pashash Sakpal, nhà kinh tế của ngân hàng đa quốc gia ING cho biết.

Mặc dù thời điểm tồi tệ nhất của Trung Quốc có thể đã qua, nhưng sự sụt giảm đáng kể nhu cầu của toàn cầu sẽ tiếp tục làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm 2020. Thêm vào rủii ro đối với Trung Quốc là cuộc khẩu chiến không ngừng gia tăng với Mỹ. Điều đó kéo theo nguy cơ tái leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia, ông Pashash Sakpal lưu ý.

Trong bối cảnh bất ổn này, những con số lạnh lùng, khắc nghiệt trong báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) sẽ không thể che giấu những gì đã và sẽ còn là sự hỗn loạn.

TRẦN NGHỊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương