Chuyện đời chị Thắm và những con tôm ướp nước mắt

Nước mắt chị long lanh như kim cương, không biết có ướp vô tôm không, mà người ta nói tôm khô chị ngọt lạ lắm, cứ ghim vào trong lòng.

Những ngón tay chị hình như được tạo ra từ tơ tằm, gấm vóc, chắc thế. Nên chạm vào đâu là mềm mại, sạch sẽ, bóng bẩy tới đó. Không biết là chị mê tôm hay tôm mê chị mà cả hai quện vào nhau đắm đuối.

Lớp vỏ ngoài, xù xì, có bám chặt tới đâu tới tay, chị khẽ gẩy đã bong tróc, lộ ra lớp thịt đỏ hồng, những đường vân trắng chạy theo thân tôm cong cong hình bán nguyệt, rồi cái đuôi được giữ nguyên hắt sóng, cái đầu đầy gạch son kiêu hãnh ngước lên.

Nhìn tôm chị làm biết liền, để lẫn với những mâm tôm khô người khác cũng không thể nhầm lẫn, người ta lấy tên của chị đặt tên cho chỉ làm luôn: Tôm Chế Thắm. Để nó có dấu ấn cá nhân chút nên người ta ghép luôn cả cái nghề trước đây của chị vô tên thành Tôm Sò Thắm (hồi năm năm chị bán sò lụa nên chết danh chị Sò là vậy).

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Lại chuyển qua chuyện chị Thắm bán sò. Nguyên xóm Sò bán sò. Chuyện này không có gì là lạ, thí dụ như nguyên xóm Ba Khía móc ba khía đi bán, từ ba khía sống đến ba khía muối. Hay nguyên làng Cá bán cá. Rồi nguyên xóm Củi làm nghề kiếm củi, bán củi. Hoặc cái hẻm Heo Nọc là do cả cái hẻm ấy nhà nào cũng nuôi heo nọc phối giống. Ở miệt Cà Mau người ta ưa đặt tên địa danh như vậy, nó phải gắn liền với một đặc điểm nào đó như nghề nghiệp, sự kiện hoặc một nhân vật lẫy lừng nào đó.

Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, chẳng phải vì có sự kiện gì to tát mới thành tên, người ta thích thì người ta đặt thôi, như cái kênh Trời Đánh chẳng hạn, nghe đồn đầu kênh trước có ba cây dừa, một hôm sét xẹt qua, ba cây dừa đổ ngọn, vậy là cái kênh không tên thành cái kênh Trời Đánh. Nhưng thời đại nông thôn mới, xóm ấp văn hóa hết rồi, tự dưng đem Củi, Ba Khía, Sò, Neo Nọc ra gọi địa danh thì có vẻ chưa được... văn hóa lắm, vả lại cái nghề đó, sự kiện đó nằm trong quá khứ rồi, giờ hẻm Heo Nọc đâu có còn nuôi heo nọc, xóm Ba Khía giờ đâu còn nhiêu người bán ba khía, cánh đồng thu hẹp, còn ba khía đâu mà bắt, con trai đi Bình Dương làm công nhân, con gái đi lấy chồng Đài Loan, xóm ấy nhà tường không nhưng vắng lắm.

Bởi vậy nên những cái tên mới được thay thế cho nó có.... văn hóa. Nhưng dường như cái tên mới chỉ dành cho người mới, người cũ chẳng thể nào chia lìa được tên cũ nên mãi không nhớ nổi cái tên mới của xóm mình là gì, nếu có ai hỏi đường vô chính cái xóm họ đang sống bằng cái tên mới, có khi họ ngơ ngác rồi trả lời tỉnh queo: Nghe lạ vậy? Tui không biết. Mà họ không biết thiệt chứ không phải chảnh chọe gì.

Chị Thắm bán sò lụa như cả trăm người trong cái xóm bán sò. Nhưng sò chị bán khi luộc lên vỏ nó đỏ như son, thịt nó trắng như bông, khi dùng nó ngọt đến nỗi nhấn chìm tất cả các món ăn xung quanh, như thể trên đời này riêng chị Thắm mới có loại sò Lụa ngon đến như vậy. Người quen mua sò chị Thắm lỡ bữa chị không bán, mua sò người khác rồi chưa dùng thử đã càm ràm: “Sò của bây không bằng sò con Thắm nghe”. Người bán có bênh vực sò mình vài câu hoặc giả có nói đơn giản: “Con với chỉ lấy cùng một xuồng sao khác được bác ui”. Thì cũng bị nói một câu chắc nịch: “Tao nói không bằng là không bằng hà. Bây đừng có cãi”. Mấy năm liền sò thất, chị Thắm nghỉ bán sò đi lột tôm đất mướn cho người ta, cái tên Sò Thắm đi theo chị một cách rất bền vững.

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Chị Thắm có ba đứa con ngoan, học giỏi và một ông chồng nghiện rượu. Anh Tư (tên chồng chị) nghiện rượu nặng đến nỗi thiếu cữ (ngày 4 cữ: sáng, trưa, chiều, tối) là run. Run bần bật cả thân thể, tay chân, mắt mờ, miệng ngọng. Anh Tư uống rượu thay nước, yếu dần, ghe bạn không nhận anh đi biển nữa, anh ở nhà làm mướn trên cảng cá, chai rượu dắt trên lưng quần, thiếu nó thì đến một rổ cá nhỏ anh cũng không cầm nổi. Cách hai, ba ngày chị Thắm đi làm mang theo mấy vết thâm tím trên mặt, người ta hỏi chị nói té chỗ này, chỗ nọ.

Bữa, có người hàng xóm kể chính mắt họ thấy anh Tư thụi chị Thắm bịch bịch, chị Thắm không kêu, cũng không dám đỡ. Người ta gặng hỏi sao chị chịu vậy, chị cười hiền queo nói, chồng mình bị rượu nó hành mới đánh mình, mình la làng chòm xóm xúm vô coi, mắc cỡ, với lại ráng nín để sắp nhỏ nó học bài. Còn sao không đỡ, mình mạnh hơn chồng mình mà, đỡ lỡ ổng té, ổng đau, tội ổng, dầu sao cũng đầu ấp tay kề mới có ba đứa con. Chị Thắm mới học xong lớp 3, mà bằng cách nào đó chị dạy con chỉ đứa nào đứa đó giỏi như từ trong trứng nước. Không học kèm học thêm gì mà năm nào cũng đứng đầu lớp, thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Chữ viết đẹp như rồng phụng, hỏi sắp nhỏ ai luyện chữ, ba đứa kêu: Mẹ.

Rồi chị Thắm không làm mướn cho xưởng tôm đó nữa. Chị tháo cái khâu mẹ chị cho làm vốn khi lấy chồng đem bán, mua tôm đất về tự làm khô. Tôm Khô Sò Thắm nghe kì kì, vậy mà không bỏ được chữ sò thành Tôm chị Thắm nghe nó sang. Tôm chị làm ra không đủ bán, chị đón luồng nước mới, chị nhen ngọn lửa hồng, chị đong ngọn nắng rực, chị nương từng con, cái dao nhỏ trên tay chị lượn không chạm vào thịt tôm mà lớp vỏ cứng đầu bên ngoài bám vào nhẹ rớt.

Người ở gần mua Tôm Khô Sò Thắm biếu khách quý phương xa, người phương xa về tìm chị Thắm mua tôm mang theo mình sang nước khác để bớt nhớ vị quê. Nhà chị Thắm bớt cực hơn, vốn đẻ lời, tay vén khéo sinh sôi. Người ta tưởng chị Thắm sẽ sướng hơn nhưng người hàng xóm vẫn thấy chồng chị nghiện rượu, đáng chị bình bịch, mấy đứa nhỏ cắn răng nén khóc ngồi học, anh Tư đánh chị xong thì đi ngủ, còn chị che ngọn đèn, lấy mũi dao tách mấy con tôm sát vỏ, những con tôm lộ thịt đỏ hồng nằm im lặng trong thau.

Dưới ánh điện, nước mắt chị long lanh như kim cương, không biết nước mắt chị có ướp vô thân tôm không, mà người ta nói tôm khô sò Thắm ngọt vị lạ lắm, vị cứ ghim vào lòng, nấn ná ở đó, bắt người ta ở lại. Lạ chưa, lại có thứ nước mắt ngọt.

Đến một ngày chị Thắm không còn bị chồng đánh nữa, không còn thêm một lần nào nữa. Anh Tư bị xơ gan. Câu cuối ảnh nói với chỉ là: “Tôi đánh mình có đau không?”, chị cười cười: “Mình có muốn làm điều đó đâu. Mình đánh tui, tui quen, tui nhớ…”. Anh đi, thiệt nhẹ.

Xưởng Tôm Khô Sò Thắm, giờ cái tên chỉ đỡ thêm một dãy dài ở phía trước nữa. Người ta tưởng chị nghỉ làm tôm, ngồi mát chơi tứ sắc, sơn móng đỏ, xăm môi, lông mày… Chủ cả rồi mà, làm chi cho cực. Rồi thêm chuyện nhiều ông góa vợ ngó nghiêng chị, thì thôi, bên có nắp, bên có nồi, úp vào nhau mà sống, miễn sống tốt với nhau là được. Nhưng không, chị vẫn ở vậy, người đàn bà cũ xì đó vẫn tự mình làm tôm, tôm của chị vẫn khác tôm của nhân công chị, đep và ngọt hơn. Mà không biết chị có ướp nước mắt của chị trong đó không?

Nguyễn Thị Việt Hà

Tháng Mười hoa sữa...

Tháng Mười hoa sữa...

Hoa sữa tháng Mười là thứ gia vị tuyệt vời, rắc thêm vào bữa ăn cuộc sống tất cả chúng ta, phải nếm và cảm nhận bằng tất cả trái tim mình.