Chuyên gia kiến nghị hành động ngăn chặn việc làm của Trung Quốc trên biển Đông

Trong nhiều năm qua, dù Trung Quốc có nhiều hành động ngang ngược trên Biển Đông, Việt Nam vẫn có những phản ứng phù hợp và đúng mực.

Liên quan đến hàng loạt tuyên bố chính trị và biện pháp hành chính sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc trong những ngày qua, GS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo cho rằng, Trung Quốc vẫn luôn có ý định độc chiếm Biển Đông bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Tuy nhiên Việt Nam cũng luôn thể hiện phản ứng nhất quán và phù hợp.

Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: AMTI)
Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: AMTI)

Việt Nam đang chọn hướng đi dựa trên sức mạnh dân tộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hàng nghìn năm. Đồng thời thể hiện trách nhiệm với các quốc gia có yêu sách chủ quyền, các nước có lợi ích kinh tế ở Biển Đông, luôn đề cao việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Một số hành động cụ thể của Việt Nam là gửi công hàm gửi Liên Hợp Quốc về việc phản đối nội dung công hàm của Trung Quốc; lên tiếng với các nước, các tổ chức quốc tế để nhận diện rõ âm mưu, tham vọng nguy hiểm, phi pháp của Trung Quốc...

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa học (Bộ Công an) cho rằng, sức mạnh dân tộc là sự đoàn kết nhân dân cùng Nhà nước bảo vệ chủ quyền. Sức mạnh thời đại sẽ được phát triển dựa trên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các tuyên bố chính trị, hành động vì lợi ích chung.

Theo ông, phản ứng của Việt Nam hiện nay là đúng mức, chúng ta có quyền công khai cho người dân trong và ngoài nước biết thái độ, nguyên tắc của Nhà nước Việt Nam là kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thái độ này giúp Việt Nam nhận được ủng hộ của quốc tế, quy tụ được lòng dân. Đây chính là tiền đề quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. 

Trong thời gian vừa qua Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt và công khai của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam đã chỉ rõ sự phi pháp, phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc khi nước này gửi công hàm lên Liên Hợp quốc yêu sách về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động trái phép tại Biển Đông. 

Ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các động thái của Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của quốc tế, vì mọi người đều muốn các quốc gia tuân thủ luật lệ để không tạo tiền lệ cho các khu vực khác. 

"Nỗ lực và kiên trì của Việt Nam cũng không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN", ông Bill Hayton nhấn mạnh. 

Theo ông Bill, Việt Nam cần nêu bật lợi ích chung đối với tất cả các quốc gia khi có một môi trường hòa bình ở Biển Đông để thu hút sự ủng hộ quốc tế, khuyến khích đoàn kết thống nhất lập trường chung để các nước trong khu vực hiểu được tầm quan trọng của hòa bình cần có sự ổn định ở Biển Đông. 

Để giải quyết các bất đồng, những vấn đề còn chưa đạt được nhận thức chung giữa các quốc gia, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á đã thống nhất cùng Trung Quốc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Cùng với đó ASEAN và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán để đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những quy định ràng buộc về mặt pháp lý với mỗi bên tham gia.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico và Thụy Điển cho rằng, lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông cần gắn với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, của tự do hàng hải, hàng không cũng như hoạt động thương mại của các nước tại khu vực này. Vì vậy cần có giai pháp đấu tranh trong diễn đàn đàm phán COC cũng như vận động các nước ASEAN là một trong những giải pháp nằm trong đó.

Cuộc đấu tranh này đòi hỏi sự kiên trì, hiểu biết và ủng hộ của người dân. Điều cần thiết nhất là khả năng thực thi của lực lượng chấp pháp trên biển, chống tiếp cận trên biển, đồng thời chúng ta phải tận dụng tối đa từng km2 trên biển để phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước. Giải quyết song phương các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc, vấn đề nào liên quan đến các nước khác, liên quan đến tự do hàng hải quốc tế thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Trong trường hợp không giải quyết được thì dùng các phương thức như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế.

Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần ưu tiên đặc biệt cho đàm phán thương lượng. Tuy nhiên khi các quốc gia trong khu vực có tranh chấp mà không thể đàm phán thì cần tìm giải pháp hợp lý hơn. Vì trong xã hội quốc tế hiện nay thượng tôn pháp luật là bổn phận và trách nhiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Vấn đề chủ quyền cũng như Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược sai trái trong nhiều năm qua. Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời tôn trọng nguyên tắc không đe doạ dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đề cao phương án đám phán, thương lượng hòa bình. Điều này là phù hợp với nguyện vọng của người dân hai nước, Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, ổn định hợp tác khu vực và thế giới. 

Trung Quốc với vai trò là 1 trong 5 nước Uỷ viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cần có những hành động phù hợp, đóng góp giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Dư luận ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới chờ đợi sự đáp ứng tích cực của phía Trung Quốc.

Thanh Mai

Đồng USD tiếp tục tăng trước kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất

Đồng USD tiếp tục tăng trước kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất

Giá USD hôm nay 15/12 tăng trong bối cảnh thị trường kỳ vọng về việc FED sẽ tăng lãi suất, đồng thời lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron COVID-19.