Chuyện Hà Nội cũ: Tản mạn mái tóc Hà thành

Thời xưa, tóc bỏ đuôi gà cùng hàm răng đen "nhưng nhức" là tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ.

Thời xưa, đàn ông hay phụ nữ đều để tóc dài. Đàn ông thì tóc búi như củ hành ở sau gáy. Cái búi tóc “quốc túy” này đã trở thành biểu tượng của người đàn ông nho nhã. Còn đối với phụ nữ thì tóc bỏ đuôi gà với hàm răng đen “nhưng nhức” là tiêu chuẩn cho phái đẹp “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”.

Tóc bỏ đuôi gà là kiểu tóc được buộc một bên thành cuộn dài, bọc bên ngoài bằng dải khăn hẹp rồi quấn quanh đầu từ phía trước ra phía sau làm sao cho thật tròn, thật chặt. Phần đuôi tóc còn thừa thì giắt vào phía dưới vành khăn, thò ra một túm nhỏ như cái đuôi gà nhún nhảy theo bước đi của người thiếu nữ.

Mẫu tóc đuôi gà của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ trước (Ảnh: internet).
Mẫu tóc đuôi gà của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ trước (Ảnh: internet).

Sau này rồi thấy chiếc khăn nhiễu, khăn lượt trơn dễ làm xổ tóc nên các cô chuyển sang dùng khăn nhung đen. Trong vòng khăn vấn tóc đuôi gà ẩn chứa nét duyên ngầm và cả những bí mật khó nói của người phụ nữ. Vòng khăn quanh đầu càng to, càng dày như ngầm mách người thiếu nữ đó có mái tóc rất dày và đẹp. Và thật nản nếu nhìn thấy vòng khăn vừa ngắn lại bẹp dúm.

Nhiều cô có mái tóc không được dày dặn bèn nghĩ ra cách dùng vải nhồi bông rồi may kín như con lươn độn vào để vấn tóc thật to, thật dày. Nếu tóc ngắn quá thì phần đuôi gà được nối giả. Xưa ở phố Mã Vĩ và Hàng Cân đều bán những đuôi gà giả này phục vụ các bà, các cô.

Tóc đuôi gà chỉ có ở xứ Bắc. Ở các tỉnh miền Trung, các cô gái Huế cũng vấn tóc thành vòng tròn trên đầu nhưng để trần chứ không quấn trong khăn. Còn ở Sài Gòn có lẽ do ảnh hưởng bởi Trung Hoa nhập cư ồ ạt từ thế kỷ thứ 17 nên phụ nữ miền Nam búi tóc lớn sau gáy giống quả dừa non vậy.

Về đường ngôi trên mái tóc. Các thiếu nữ Hà thành đoan chính bao giờ cũng để đường ngôi ở chính giữa. Cô gái nào tinh nghịch hoặc cá tính mà để đường ngôi lệch thì dễ bị đàm tiếu là gái lẳng lơ rồi.

Khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội, bên cạnh súng đạn chết chóc thì họ cũng mang đến một nền giáo dục tân tiến và văn hóa phương Tây hiện đại. Sự giao thoa văn hóa Đông- Tây đã làm thay đổi nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Tầng lớp trí thức tây học xuất hiện ngày càng nhiều và chính họ đã phát động các phong trào cải cách như: vận động cắt tóc ngắn, để răng trắng và cách tân y phục cho phụ nữ.

Những năm 1907-1908, phong trào vận động đàn ông cắt tóc ngắn rất sôi nổi chẳng kém gì phong trào vận động bỏ tục “bó chân” ở Trung Quốc sau cách mạng Tân Hợi. Thậm chí người ta còn làm cả bài vè cổ động phong trào cắt tóc ngắn như thế này:

Tay trái cầm lược

Tay phải cầm kéo

Húi hề! Húi hề!

Thủng thẳng cho khéo

Bỏ cái ngu mày

Bỏ cái dại mày

Ăn ngay nói thẳng

Học mới từ đây

Đừng có ăn mặn

Đừng có nói láo

Ngày mai ta cúp

Ngày mai ta cạo

Đối với phụ nữ thì sự cách tân mái tóc diễn ra chậm chạp hơn. Mãi đến thập niên 1930 trở đi, khi phong trào cải tiến y phục cho phụ nữ được phát động thì thiếu nữ Hà thành mới dần thoát khỏi chiếc áo tứ thân truyền thống để mềm mại trong chiếc áo dài Lemur.

Bức ảnh chụp 'Tứ đại mỹ nhân' nức danh Hà Nội một thời, cô Síu Cột Cờ, cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy (Ảnh: internet).
Bức ảnh chụp 'Tứ đại mỹ nhân' nức danh Hà Nội một thời, cô Síu Cột Cờ, cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy (Ảnh: internet).

Hàm răng, mái tóc cũng có sự thay đổi. Hàm răng đen từng làm say đắm các chàng trai giờ không còn hấp dẫn nữa, thay vào đó là hàm răng tân thời trắng và đều tăm tắp. Đi đôi với trang phục tân thời thì phải có mái tóc phù hợp. Thiếu nữ Hà thành không còn bỏ tóc đuôi gà như xưa mà búi tóc theo hai cách: hoặc búi tròn sau gáy hoặc kẹp ghim, kẹp ba lá cho tóc phủ kín cổ.

Có ý kiến cho rằng sở dĩ các cô gái Hà Nội búi tóc kiểu này là bởi họ muốn che đi phần cổ để tiết kiệm việc đánh phấn vốn rất đắt tiền. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng do thời tiết ở miền Bắc lạnh hơn trong Nam nên kiểu tóc này sẽ giữ ấm cho cơ thể.

Thập niên 1940 trở đi đánh dấu một phong cách mới trong mái tóc Hà thành. Đó là sự xuất hiện của kiểu tóc mới: tóc phi-dê. Tóc phi-dê là phiên âm tiếng Việt của chữ “frisés” (cheveux frisés), có nghĩa là tóc uốn cho quăn. Đây là kiểu tóc mô phỏng mái tóc xoăn của người phụ nữ châu Âu. Muốn làm được tóc phi- dê thì cần công cụ uốn sấy tóc. Đến cuối thập niên 1940 khi những công cụ làm tóc này đi theo viện trợ của Mỹ đổ về Đông Dương thì kiểu tóc này bắt đầu thịnh hành giới văn nghệ sĩ và những thiếu nữ tân thời.

Kiểu tóc phi-dê trở nên thịnh hành từ thập niên 1940 (Ảnh: internet)
Kiểu tóc phi-dê trở nên thịnh hành từ thập niên 1940 (Ảnh: internet)

Giải phóng Thủ đô năm 1954 mang đến trào lưu thay đổi kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội, nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng về đầu tóc. Trong đoàn quân diễu hành tiếp quản Thủ đô là hình ảnh của những nữ cán bộ cách mạng ở chiến khu với lối ăn mặc và kiểu tóc khác lạ.

Lần đầu tiên thiếu nữ đất Hà thành nhìn thấy những nữ cán bộ cách mạng với mái tóc được cắt ngắn ngang vai hoặc kết thành bím tóc như cái đuôi sam. Kiểu tóc kết đuôi sam hoặc tết thành hai bím tóc đã trở thành hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Hà Nội trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ và cả những năm tháng sống trong thời kỳ bao cấp.

Ngày nay, thời đại của thế giới phẳng, giới trẻ tha hồ đua nhau học theo các kiểu tóc mới của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Có nhiều kiểu tóc khá kỳ lạ, nhuộm đủ thứ màu trông sặc sỡ cứ như đuôi con công. Rồi nhiều cô gái cắt tóc ngắn đến độ nhìn đằng sau chẳng thể phân biết được nam hay nữ.

Đôi khi trên đường chợt bắt hình ảnh một thiếu nữ thong thả đạp xe, tóc buông xõa lưng phủ kín chiếc áo dài. Chừng đó thôi cũng đủ làm ta bồi hồi để nhớ rằng vẫn còn đó, dù rất hiếm, nét đoan trang của thiếu nữ Hà thành.

Tạ Thu Phong

Chuyện Hà Nội cũ: Trung thu chơi đèn kéo quân

Chuyện Hà Nội cũ: Trung thu chơi đèn kéo quân

Phố Hàng Mã thời đó tuy không tấp nập như bây giờ nhưng lại bán các con giống, tò he đủ màu sắc làm bằng bột nếp rất thu hút trẻ con.