Chuyện Mẹ An

Mẹ An trong ký ức của cô Hải Ba là một người vô cùng hiền lành, thậm chí là nhút nhát và luôn tận tụy trong công việc. Bằng chứng là, tất cả trại trẻ sơ tán, hết thảy đều gọi mẹ hai tiếng “Mẹ An”.

Trước khi viết những dòng về Mẹ An – Mạ An của cô Hải Ba, Mẹ An của những thế hệ con em cán bộ báo Nhân Dân đi sơ tán, tôi đã nghĩ đến những điều thật lớn lao. Nhưng khi gặp cô Hải Ba, nghe kể về Mẹ An thì mới thấy rằng, chẳng có từ nào có thể hay hơn từ Mẹ An mà bao thế hệ đã gọi Mẹ như vậy.

Những thông tin ban đầu tôi có được về mẹ An chỉ vỏn vẹn đôi dòng: Mẹ là nữ cán bộ của báo Nhân Dân, làm việc ở khối hành chính, được cử phụ trách trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân từ lứa sơ tán đầu tiên đến lứa sơ tán cuối cùng. Và tất cả những đứa trẻ sơ tán năm ấy đều gọi mẹ là mẹ An.

Di ảnh của
Di ảnh của "mẹ An"

Tìm đến cô Hải Ba – con gái của mẹ An vì mong muốn có được một hình dung về người mẹ của trại trẻ sơ tán những năm tháng ấy. Những năm tháng đầy xúc động, đầy kỷ niệm nhưng cũng đầy thử thách cho trí nhớ của những đứa trẻ. Còn gặp cô Hải Ba có lẽ phải vội đấy, người con gái gốc Huế ấy năm nay cũng gần 80 tuổi rồi!

Mẹ An bây giờ đang yên nghỉ trong khu di tích có ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân, gần Đàn Nam Giao cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km. Trên bia tưởng niệm mẹ có ghi:

“Tưởng nhớ mẹ Công Tằng Tôn Nữ Thị Bích Thủy

Sinh ngày 1-9-1916 tức ngày 13-8 Bính Thìn. Bà tuy dòng dõi Hoàng tộc nhưng sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1947 đã tham gia cách mạng phong trào yêu nước chống Pháp tại Huế, đã bị thực dân Pháp bắt tù đày nhiều lần. Sau hòa bình lập lại, bà cùng chồng là ông Trịnh Xuân An về sống ở Hà Nội và làm việc tại tòa soạn báo Nhân Dân từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu năm 1971. Bà mất tại Hà Nội ngày 24-6-1994, tức 16-5 năm Giáp Tuất và được các con đem về an nghỉ tại nghĩa trang quê hương”.

Cô Hải Ba kể: “Mẹ là dòng dõi con vua cháu chúa. Cụ của mẹ là Hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long. Mẹ tham gia cách mạng, làm công tác phụ nữ từ năm 1947, sau đó tham gia công tác ở Thành Nội – Huế. Cơ sở bị lộ, mẹ chuyển công tác ra chiến khu, sau đó có bị bắt và tra tấn. Năm 1952, gia đình cô rời Huế ra Nghệ An, rồi đến Hà Nội. Năm 1955, mẹ An bắt đầu công tác tại báo Nhân Dân. Thời gian đầu gia đình ở Đường Thành, sau đó chuyển về số 10 Hai Bà Trưng rồi về ở số 61 Nguyễn Du”.

Cô Hải Ba không nhớ nhiều về công việc của mẹ, phần vì tính tình vô tư, không đằm thắm như mẹ; phần vì thời gian đó cô tham gia Thanh niên xung phong, hai mẹ con ít có dịp gần gũi. Chỉ nhớ rằng hình như mẹ đi theo phụ trách trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân từ lứa đầu tiên đến lứa cuối cùng, đến tất cả các địa điểm sơ tán. Và trong những lần ít ỏi hai mẹ con nói chuyện, cô biết rằng ở trại trẻ sơ tán những năm ấy, mẹ thương nhất cô Liên, rồi một đôi lần mẹ kể về những đứa trẻ, thằng này thế này, thằng kia thế kia mà không nhớ được cụ thể chi tiết.

Mẹ An trong ký ức của cô Hải Ba là một người vô cùng hiền lành, thậm chí là nhút nhát và luôn tận tụy trong công việc. Bằng chứng là, tất cả trại trẻ sơ tán, hết thảy đều gọi mẹ hai tiếng “Mẹ An”. Nhờ cô Hải Ba kể về kỷ niệm với mẹ, cô Hải Ba chỉ nhắc đi nhắc lại: “Mẹ thương cô lắm!”. Thương như thế nào? Mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ cô nghèo, thương cô bé bỏng, yếu ớt. Khi về hưu, mẹ sống với cô và lúc nào cũng tranh phần việc của con cháu, lúc nào cũng nói: “Mạ làm được mà”.

Người mẹ Huế của cô Hải Ba ngày còn con gái đẹp nổi tiếng. Quả thực, khi xem những tấm ảnh còn trẻ của mẹ, tôi chỉ biết thốt lên: “Mẹ đẹp quá!”. Một vẻ đẹp gây xúc động. Cô Hải Ba được nghe kể lại, vì mẹ đẹp quá nên cái lần cơ sở cách mạng của mẹ ở Huế năm xưa bị lộ, kẻ phản bội trước khi chỉ điểm cơ sở đã đưa mẹ ra chiến khu công tác, nhờ thế mà mẹ tránh được một lần bị bắt bớ.

Cú sốc lớn trong đời mẹ An là ngày mẹ biết con trai Trịnh Thế Phương của mẹ hi sinh ở Cần Thơ. Thời điểm đó vào khoảng năm 1969, 1970. Anh Phương thì hi sinh vào tháng 8/1965 nhưng mãi sau này gia đình mới biết tin. Mẹ An là người biết cuối cùng bởi gia đình giấu, sợ mẹ đau buồn quá. Ngày báo tin cho mẹ, mẹ lặng im, mặt tái ngắt. Mãi một lúc sau mẹ mới nói: “Thôi, anh con như thế cũng là hi sinh vì nước. Không người này hi sinh thì người khác hi sinh, con không phải suy nghĩ nhiều. Con phải tự hào vì anh con hi sinh cho đất nước”.

Mẹ An là một người vô cùng hiền lành, thậm chí là nhút nhát và luôn tận tụy trong công việc
Mẹ An là một người vô cùng hiền lành, thậm chí là nhút nhát và luôn tận tụy trong công việc

Những ngày cuối đời, mẹ phải nằm im một chỗ không đi lại được. Mẹ nói với cô Hải Ba: “Mạ mà chết thì có mấy điều: Thứ nhất, là đưa mạ ra bệnh viện làm đám tang, vì ở đây tập thể chật chội ảnh hưởng đến người khác. Thứ hai là đưa mạ về Huế, nhưng mà thôi cái này là tùy theo khả năng của gia đình. Thứ ba là thiêu mạ đi, tôi thấy trên vô tuyến người ta có nói đến đài hóa thân hoàn vũ đấy”.

Mẹ An mất vào một ngày hè năm 1994, yên nghỉ tại Huế. Cô Hải Ba, trong lúc nói chuyện với tôi có nói, mấy hôm nay như thấy mẹ An về. Tôi hỏi có phải vì biết có người đến hỏi chuyện về mẹ nên mẹ về không? Cô Hải Ba nói cũng không hẳn là thế, bởi từ ngày mẹ An mất, lúc nào cô cũng nghĩ mẹ còn đâu đây, chỉ chờ cô đi đâu về là nhắc: “Vừa có ai điện thoại mà mạ không nghe được đấy”.

Còn tôi thì lần theo những tấm ảnh của mẹ từ ngày còn là cô gái Huế đẹp quá là đẹp, đến ngày là mẹ An của trại trẻ sơ tán, là người mẹ già của cô Hải Ba để hình dung ra một người mẹ bình dị và lặng lẽ thì thấy thật nhẹ nhõm.

Thiên Văn

Khi hẻm nhỏ thôi buồn…

Khi hẻm nhỏ thôi buồn…

Hẻm không phải đặc trưng của thành phố Cà Mau, nhưng nếu Cà Mau không có hẻm cũng không ra được câu chuyện của thành phố.