Cơ hội cuối cùng để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc

TRẦN NGHỊ

Trung Quốc đã tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để khẳng định sức mạnh trên khắp châu Á, trong khi các đồng minh truyền thống của Mỹ đang bị bỏ rơi.

Trung Quốc ngày càng thô bạo

Khi bạn có một ngôi nhà đầy những người bệnh, bạn thường không ra ngoài tìm kiếm một cuộc chiến. Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là người nằm trong số đó. Ông Tập đã hành động nhằm chuyển bại thành thắng trong cơn thịnh nộ mang tên COVID-19 của toàn thế giới trút vào Trung Quốc.

Hành động “khoe cơ bắp” của Trung Quốc trong đại dịch toàn cầu COVID-19 rất ấn tượng: Tiếp tục đâm chìm các tàu cá Việt Nam. Một tàu Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã khóa radar điều khiển hỏa vào một tàu hải quân Philippines. Và có những cuộc tập trận đe dọa Đài Loan.

Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong báo cáo trước phiên họp thường kỳ của quốc hội nước này, đã không nhắc tới một từ thường được Bắc Kinh sử dụng là “Hòa bình” khi nói về mục tiêu tái thống nhất với Đài Loan.

Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc đã thách thức sự thống trị của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc đã thách thức sự thống trị của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Xa hơn về phía Nam, một lực lượng gồm đội tàu dân quân biển, Cảnh sát biển và Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc đã quấy rối một tàu khảo sát của Malaysia ở cực nam của Biển Đông. Các tàu đánh cá Trung Quốc cũng ngang nhiên xâm phạm khu vực đánh cá truyền thống gần quần đảo Natuna của Indonesia.

Đồng thời, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản được cho là đang phát triển tích cực. Tuy nhiên, các vụ xâm nhập của hải quân Trung Quốc tại vùng biển Hoa Đông do Nhật Bản quản lý đang gia tăng ở mức kỷ lục.

Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc gần đây đã rượt đuổi một tàu cá Nhật Bản gần các đảo Senkaku trong vùng biển đảo quốc này. Trong một trường hợp khác theo báo cáo điều tra ban đầu, một tàu cá Trung Quốc đã chủ động đâm tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (MSDF) ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Thượng Hải.

Về phía tây, PLA đang tạo ra căng thẳng với nước láng giềng, khi cố tình lấn chiếm ba điểm trên biên giới đất liền của Ấn Độ.

Bất chấp thời điểm dịch bệnh, Trung Quốc vẫn tăng cường hoạt động tập trận bằng cả hải quân và không quân. Chi tiêu quân sự được Bắc Kinh ấn định với mức tăng 6,6% trong năm nay. Điều này khiến các nhà quan sát không khỏi đặt câu hỏi: Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự ở mức “khủng” và liên tục như vậy nhắm vào ai? Bởi lẽ trên thực tế, Trung Quốc không có kẻ thù.

Grant Newsham (từng là nhà ngoại giao Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản) nhận định trên Asia Times rằng,  có thể Trung Quốc chưa muốn thực hiện ngay những hành động quân sự, nhưng họ đã thay đổi quan điểm cơ bản biện minh cho hành vi của họ. Vì vậy, khả năng rất cao là thế giới sẽ thấy nhiều tàu, máy bay và cả lực lượng mặt đất Trung Quốc thường xuyên tiến hành nhiều hoạt động hơn ở nhiều nơi hơn.

Trong khi đó, “ngoại giao cơ bắp” uốn cong thực tế trên toàn thế giới đã trở thành hành động xúc phạm và đe dọa. Cái gọi là kiểu ngoại giao “Chiến binh sói” này sẽ không mang lại cho Trung Quốc thêm bạn bè và Bắc Kinh biết rõ điều đó và đó mới chính là vấn đề.

“Trung Quốc đang chơi ngày càng thô bạo”, nhưng nó chỉ có thể gây bất lợi cho Trung Quốc “khi được coi là anh chàng xăm trổ, cơ bắp, đáng ghét” mà không ai muốn kết giao, nhà nghiên cứu Grant Newsham nhận xét.

Có thể Bắc Kinh thực sự nhận thấy mình ở một vị thế mạnh hơn, có khả năng đe dọa các nước láng giềng trong tranh giành lãnh thổ tốt hơn bao giờ hết. Nhưng chiến thuật hăm dọa trong nỗ lực thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tạo ra phản kháng mạnh mẽ từ các quốc gia bị chèn ép.

Những quốc gia nhiều "duyên nợ" với Trung Quốc

Lính hải quân Trung Quốc quan sát tàu của đối thủ trên Biển Đông.
Lính hải quân Trung Quốc quan sát tàu của đối thủ trên Biển Đông.

Trước cách hành xử thô bạo và ngang ngược của Bắc Kinh, quốc gia nào tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chấp nhận Trung Quốc?

Nhật Bản không có dấu hiệu sẽ cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Tokyo gần đây đã tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường khả năng chung của Lực lượng phòng vệ, hợp tác với Mỹ trong một chiến lược phòng thủ được xây dựng chặt chẽ.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in có lẽ không quan tâm đến việc liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Mặc dù mối quan hệ Mỹ - Hàn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump có gập ghềnh, nhưng Hàn Quốc không muốn rời khỏi cái ô che chở của Mỹ.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mặc dù nhiều quốc gia theo duổi lợi ích riêng trong việc tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn sẵn sàng đáp trả đối thủ truyền kiếp của mình khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Nằm sát Trung Quốc, sự tồn tại của vùng lãnh thổ tự trị Đài Loan là một cái gai cố hữu trong mắt Bắc Kinh. Bất chấp lời đe doa sử dụng vũ lực để “thu hồi”, điều mà Đài Loan có thể làm là tăng cường khả năng tự vệ.

Xa hơn, các quốc gia Nam Thái Bình Dương đang đối mặt với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Thậm chí, hành động thao túng về chính trị của Bắc Kinh vẫn tiếp tục, bất chấp các quốc gia này đang phải xử lý đại dịch COVID-19. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Tây và Trung Thái Bình Dương, theo Asia Times.

Australia sau một thời gian khá nồng ấm với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế, nay đang phải đối mặt với sự lựa chọn nghiêm túc, khi mà Trung Quốc đã lộ rõ mặt thật. Đại sứ Trung Quốc tại  Canberra gần đây đã thẳng thừng đưa lời đe dọa trừng phạt kinh tế.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã không ngần ngại buông lời thóa mạ lãnh đạo Australia. Australia sẽ khó đứng vững về an ninh và chủ quyền trước tham vọng thống trị khu vực của Trung Quốc. Trong khi đó, quốc đảo nhỏ láng giềng của Australia là New Zealand cũng đang phải đối mặt với áp lực tương tự.

Tương tự Nhật Bản, Ấn Độ ở khu vực Nam Á là đối trọng thực sự đáng gờm của Trung Quốc. Với những xung đột lợi ích và tranh chấp biên giới trong nhiều thập niên, Ấn Độ ý thức rõ ràng hơn về mối đe dọa mang tên Trung Quốc. Tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, chiến lược tạo ảnh hưởng của Ấn Độ vẫn chủ yếu giới hạn trong khu vực Ấn Độ Dương.

Trước cục diện chia năm, sẻ bảy về chiến lược và không có quốc gia nào là đối thủ của Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang dễ dàng thúc đẩy hành vi bắt nạt trên toàn khu vực.

Như vậy, đối thủ còn lại và trực tiếp của Trung Quốc trong tư cách một quốc gia Thái Bình Dương chính là Mỹ.

Cơ hội cuối cùng của Mỹ

Các thủy thủ Mỹ chuẩn bị cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khởi hành trong một hoạt động ở Thái Bình Dương.
Các thủy thủ Mỹ chuẩn bị cho tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khởi hành trong một hoạt động ở Thái Bình Dương.

Mỹ đang cố gắng tạo lập một thế trận tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, xem đây là chìa khóa để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Bên cạnh việc hình thành một liên minh, Mỹ vẫn duy trì lực lượng quân sự đáng kể ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên sự hiện diện về quân sự của Mỹ không đủ sức răn đe. Có một đánh giá của giới phân tích chiến lược là lực lượng của Mỹ không theo kịp tiến bộ quân sự của Trung Quốc. Bằng chứng là trong khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trở thành nạn nhân của đại dịch COVID-19, tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc vẫn thảnh thơi hoạt động trên vùng biển mà Nhật và Đài Loan cảnh giác.

Mỹ đã tăng chi tiêu quốc phòng và tăng đầu tư, hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một chính phủ phải đối phó với sự hỗn loạn trong nước do đại dịch COVID-19, thì khó có thể quan tâm nhiều hơn các vấn đề đối ngoại. Hơn nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đã góp phần không nhỏ vào sự sao nhãng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với chiến lược châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu ông Trump không tái đắc cử, chính quyền mới của ông Biden sẽ giảm bớt áp lực đối với Trung Quốc, ông Biden ngay cả khi có nhiều cố vấn ý thức được hiểu được mối đe dọa từ Trung Quốc.

Không có áp lực mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc, đừng hy vọng các quốc gia châu Á khác sẽ trực diện đối đầu với Trung Quốc, trừ khi xuất hiện những vấn đề hạn hẹp liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia đó.

Cuộc bầu cử cuối năm nay tại Mỹ có thể xác định tương lai của châu Á và đó là cơ hội cuối cùng của Mỹ, theo nhà nghiên cứu Grant Newsham. Chuyển động của khu vực này sẽ tùy thuộc vào sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó bao gồm sự hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác của Mỹ. Nếu không, châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành một khu vực thống trị của Trung Quốc.

Ở một số khía cạnh nhất định, nhiều nhà quan sát cho rằng có những điểm thuận lợi cho chiến lược của Mỹ. Trước hết, trò chơi chưa kết thúc. Trung Quốc đã ngày càng lộ rõ chân tướng trong cách nói một đàng, làm một nẽo. Trước đây quốc gia này thường “ru ngủ” cả thế giới với tuyên bố Trung Quốc chỉ trỗi dậy một cách hòa bình. Thực tế chứng minh sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia lo sợ và đề cao cảnh giác.

Sự thức tỉnh của các quốc gia trong khu vực tạo ra một cơ hội, nếu Mỹ nỗ lực liên kết các quốc gia trong khu vực thông qua hợp tác về an ninh và kinh tế. Thời điểm chưa bao giờ tốt hơn cho Mỹ để tái khẳng định lại sức mạnh của siêu cường số một thế giới.

Châu Á – Thái Bình dương sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hay vận hành trong mối quan hệ đối tác được Mỹ hậu thuẫn trong thời gian sắp tới? Câu hỏi này sẽ được trả lời sau ngày 3/11/2020 – khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.