Colombia lập quỹ bình ổn giá cà phê đầu tiên trong lịch sử

Colombia, quốc gia sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao hàng đầu thế giới, mới đây đã thành lập quỹ bình ổn giá cà phê đầu tiên trong lịch sử với nguồn ngân sách 63,9 triệu USD, nhằm bảo vệ thu nhập của người trồng cà phê trong nước trước những biến động của thị trường.

Bộ trưởng Tài chính Colombia Alberto Carrasquilla cho biết, quỹ này sẽ cho phép người trồng cà phê trang trải các chi phí sản xuất và tránh những tổn thất mà họ từng phải đối mặt trước đây do cà phê trên thị trường quốc tế mất giá.

Bộ trưởng Carrasquilla nói rằng thông qua cơ chế này, người trồng cà phê có thể đảm bảo được một mức giá ổn định trong vòng 6-8 tháng hoặc 1 năm khi tới mùa thu hoạch. Điều này cũng giúp cho người trồng yên tâm và đảm bảo rằng sản phẩm của họ được định trước về giá, nhờ đó họ chuyên tâm hơn để sản xuất những loại cà phê ngon nhất thế giới mà không lo về vấn đề giá cả. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Colombia Andres Valencia nói rằng quỹ trên đã thực hiện hóa được mong muốn lâu nay của người trồng cà phê Colombia về một công cụ giúp họ bảo vệ giá cả sản phẩm của mình. 

Colombia là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Brazil và Việt Nam, với 880.000 ha trồng cà phê và khoảng 560.000 hộ gia đình tham gia hoạt động sản xuất loại hạt này. Năm 2019, sản lượng cà phê của Colombia đạt mức kỷ lục 14,8 triệu bao (1bao=60 kg), mức cao nhất trong vòng 27 năm qua, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Báo cáo của USDA đã chỉ ra sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2019/20 ở mức 169,330 triệu bao 60 kg, cao hơn một chút so với con số đưa ra sáu tháng trước là 169,130 triệu bao. Báo cáo cũng chỉ ra sản lượng niên vụ mới sẽ giảm 3% so với mức dự kiến 174,640 triệu bao của niên vụ cà phê 2018/19 trước.

Theo USDA, dự kiến tổng lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2019/20 sẽ đạt 166,361 triệu bao – một kỷ lục lịch sử – so với mức tiêu thụ 164,762 triệu bao trong niên vụ trước, đã dẫn đến nguồn cung toàn cầu dư thừa 2,969 triệu bao. Trước đó, USDA đã dự báo nhu cầu toàn cầu ở 167,919 triệu bao. Bây giờ, USDA đã điều chỉnh dự báo nguồn cung dư thừa tăng từ 1,211 triệu bao lên 2,97 triệu bao.

Dự kiến lượng cà phê dự trữ cuối niên vụ 2019/2020 ​​sẽ đạt 35 triệu bao, giảm khoảng 400.000 bao so với niên vụ trước do mức tiêu thụ cao hơn.

Theo USDA, Brasil chịu trách nhiệm chính trong việc sụt giảm sản lượng trong niên vụ 2019/20, do cây cà phê Arabica của họ bước vào năm cho sản lượng thấp theo chu kỳ “hai năm một”. USDA cũng đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng Brasil trong niên vụ 2019/20 từ 59,3 triệu bao xuống ở 58 triệu bao. Do đó, đã giảm tới 10% so với mức kỷ lục 64,80 triệu bao thu hoạch của vụ trước.

Đối với Colombia, sản lượng vụ mới sẽ ở mức 14,30 triệu bao, tăng 3% so với vụ trước. Trong khi sự sụt giảm của Brasil sẽ được bù đắp bằng sản lượng tăng gần 6% tại Việt Nam, từ 30,5 triệu bao lên 32,23 triệu bao trong niên vụ hiện tại 2019/20.

Theo chuyên gia Gil Barabach, của nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercado nhận xét, sản lượng toàn cầu nói chung thay đổi rất ít. “Chủ yếu là do sản lượng Arabica giảm nhưng sản lượng Robusta tăng. Do đó, tổng sản lượng Arabica chỉ đạt 95,77 triệu bao, chiếm 57% so với 59,5% của vụ trước, trong khi tổng sản lượng Robusta đạt 73,57 triệu bao, chiếm 43% so với 40,5% của vụ trước”.

Các nhà sản xuất cà phê trên thế giới cần điều chỉnh tỷ lệ cà phê Arabica so với cà phê Robusta. Và vì vậy, cần phải hỗ trợ cho hợp đồng cà phê của ICE tại sàn NY, đặc biệt là so với hợp đồng Robusta của ICE Europe, chuyên gia G.Barabach nêu ý kiến.

P.V

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương