Con bị bắt nạt, cha mẹ phải làm gì?

Câu chuyện của chị Thảo, 41 tuổi ở Hà Nội mới đây chia sẻ cách xử lý con trai bị bắt nạt lên trang cá nhân, thu hút hơn 7.000 lượt thích.

Con trai chị tên Đức Minh, học lớp 7 một trường tư, vóc người nhỏ bé, yếu đuối, hay khóc, học không giỏi nên thường bị trêu chọc. Mỗi khi Minh trả lời sai, hay bị điểm thấp, làm hỏng cái gì đó liền bị một bạn tên Nam lôi ra chỉ trích, khiến Minh chán nản, không muốn đi học.

Khi con đi học bị bắt nạt, các bậc cha mẹ phải làm gì là câu hỏi của nhiều người.
Khi con đi học bị bắt nạt, các bậc cha mẹ phải làm gì là câu hỏi của nhiều người.

Sự việc nghiêm trọng đến mức Minh tâm sự với cô giáo tâm lý ở trường về chuyện mình bị bắt nạt và nói "có lúc muốn tự tử". Chị Thảo đã gặp mẹ Nam và cô giáo chủ nhiệm để nhờ giúp đỡ, nhưng sau đó bé Minh bị gọi là "thằng hèn" thì chị Thảo biết mình cần phải có cách khác.

Chị đến lớp học, thân thiện mời bạn Nam xuống phòng tiếp tân ngồi nói chuyện. Chị thủ thỉ vào ba vấn đề trọng điểm mà Nam thường xuyên lôi ra để bắt nạt Minh. Cuối cùng, chị Thảo nhờ Nam sau này hãy bảo vệ Đức Minh. Kết quả thật như mong đợi, Đức Minh đi học về liền khoe: "Bạn Nam hôm nay bảo con là "Cậu đã có một vệ sĩ rồi đấy nhé". 

Nhiều người đã rất đồng tình với cách xử lí của chị Thảo. Theo VnExpress, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, TP.HCM cũng cho biết cách làm của chị Phương Thảo rất thông minh, khéo léo.

Ngoài cách xử lí trên, nhiều cha mẹ cũng có thể tham khảo các cách sau đây khi con mình bị bắt nạt ở trường học.

Thu thập chứng cứ

Cha mẹ hãy ghi lại mọi thứ xảy ra về vụ bắt nạt, gồm ngày, giờ, nhân chứng, hành động và hậu quả.
Cha mẹ hãy ghi lại mọi thứ xảy ra về vụ bắt nạt, gồm ngày, giờ, nhân chứng, hành động và hậu quả.

Cha mẹ hãy ghi lại mọi thứ xảy ra về vụ bắt nạt, gồm ngày, giờ, nhân chứng, hành động và hậu quả. Ví dụ, nếu giáo viên chế giễu, mắng mỏ thậm tệ con bạn trước lớp, hãy ghi lại thời điểm cũng như những lời nói của giáo viên và học sinh có mặt vào lúc ấy. Cha mẹ cần lưu ý thêm có bạn học cùng lớp nào tham gia bắt nạt con bạn cùng với giáo viên hay không. Đây sẽ là bằng chứng để bố mẹ đối chất với giáo viên sau này.

Nếu sự việc xảy ra trên mạng, hãy nhanh chóng chụp lại màn hình trước khi bằng chứng bị xóa.

Hãy trấn an, lắng nghe và hỗ trợ con

Hãy nói chuyện với con về những vấn đề xảy ra hàng ngày ở trường học và thực sự lắng nghe tâm tư của con, sau đó trấn an tâm lý và hỏi xem con muốn xử lý tình huống đó như thế nào? Nếu con đang có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để được hỗ trợ tâm lý tốt nhất.

Cha mẹ hãy cho con thấy mình là chỗ dựa vững chắc để con tin tưởng, tâm sự. Bậc phụ huynh hãy trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô để họ để ý kịp thời tới con mình. Bạn có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt bé nhà mình. Điều này giúp hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp.

Giúp con xây dựng lòng tự trọng

Giúp con xây dựng lòng tự trọng, con sẽ sớm hồi phục lại tinh thần.
Giúp con xây dựng lòng tự trọng, con sẽ sớm hồi phục lại tinh thần.

Điều quan trọng nhất bố mẹ cần làm là khuyến khích, chỉ cho con thấy điểm mạnh của bản thân để chúng tập trung, quên đi chuyện bị bắt nạt. Ngoài ra, bố mẹ đừng dành quá nhiều thời gian nói về việc bị bắt nạt. Làm vậy chỉ khiến con tập trung vào những điều tiêu cực. Thay vào đó, hãy giúp con thấy rằng có những điều hạnh phúc khác trong cuộc sống, chẳng hạn các hoạt động thể thao... Làm được điều này, bố mẹ sẽ giúp con sớm hồi phục tinh thần.

Hãy nói chuyện với con trước khi gặp giáo viên để giải quyết

Khi con bị bắt nạt, một số bố mẹ nôn nóng gặp ngay giáo viên, thậm chí là tìm gặp cả hiệu trưởng mà không hề nói chuyện, hay thảo luận trước với con. Điều này thực sự rất tồi tệ, khiến con bị bối rối.

Con bạn cần được chuẩn bị tinh thần nếu cuộc họp của bạn với giáo viên không diễn ra suôn sẻ và ngay cả việc giáo viên có thể trả đũa. Hãy nhớ, đừng bao giờ làm bất cứ điều gì có liên quan đến con mà không thảo luận trước. 

Giữ thái độ bình tĩnh khi nói chuyện với giáo viên

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất bắt nạt mà bố mẹ có thể đến gặp trực tiếp giáo viên. Cách này sẽ giải quyết được vấn đề nếu bạn tiếp cận phù hợp và giữ thái độ hợp tác. Dù bức xúc đến mấy, bố mẹ cũng cần bình tĩnh, giữ tâm trí cởi mở và lắng nghe quan điểm của giáo viên, tránh la hét, buộc tội, đổ lỗi và dọa kiện cáo.

Bố mẹ cho phép giáo viên nói chuyện và để họ giải thích vì sao cư xử như vậy. Bên cạnh đó, hãy đề cập đến những vấn đề mà mình đã quan sát được, chẳng hạn việc con sợ hãi khi đến lớp. Sau đó, bố mẹ hỏi giáo viên những gì đã và có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng đó.

Bước này cho phép giáo viên nói về những gì nhìn thấy. Ngoài ra, giáo viên sẽ có ít khả năng phòng thủ hơn nếu phụ huynh cởi mở lắng nghe quan điểm của họ.

Cho con học võ cũng là một cách cha mẹ giúp con tự tin hơn.
Cho con học võ cũng là một cách cha mẹ giúp con tự tin hơn.

 Làm việc với nhà trường

Tìm hiểu những quy định của pháp luật và tổ chức một cuộc họp. Mang theo bằng chứng để mọi người thấy đây là vấn đề nghiêm trọng.

Hãy thảo luận như trong một cuộc họp bàn về công việc và cố gắng kiểm soát cảm xúc của bạn. Yêu cầu nhà trường thực hiện phương án để giúp con bạn cảm thấy an toàn. Bạn có thể muốn đề xuất: Thay đổi lịch học, chọn một người lớn mà con bạn có thể tâm sự, tăng cường giám sát trong “thời gian có vấn đề”.

Trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ

Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp vì xấu hổ nên trẻ thường không nói rõ với cha mẹ, thầy cô. Vì thế gia đình và nhà trường cần chú ý để tâm tới sự khác lạ ở trẻ. Dạy con ngoan nhưng cũng cần dạy con độc lập và dạn dĩ. Cha mẹ cần lắng nghe và chủ động hỏi han con. Việc lắng nghe và động viên hỏi thăm con không chỉ có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt nạt mà còn có lợi trong mọi vấn đề mà con gặp phải. Điều này cũng giúp trẻ biết được cha mẹ luôn ở bên cạnh, luôn lắng nghe và hiểu con.

Hãy dạy trẻ tính tự lập. Trang bị cho con những cách đối phó với việc này: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, cho con học võ. Dạy con đi đâu cũng nên đi đông, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn. Và tuyệt đối không đáp trả bạn bằng vũ lực.

AN LY (t/h)

Chiến lược dạy con

Chiến lược dạy con

Nguyễn Anh Khuê - Giám đốc một phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV, chia sẻ về chuyện dạy con, mối quan tâm hàng đầu của chị.