Công nghệ số thay đổi thói quen tiêu dùng: Ngồi ở nhà mua thức ăn, đồ uống khắp thành phố (bài 1)

Công nghệ số phát triển đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm mới trong việc mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ...

Mua đồ ăn bằng điện thoại

Trong thời gian hiện này, phải kể đến sự lên ngôi của Grab, GoViet, Tiki, Nowship... và các nền tảng công nghệ khác đã thay đổi xu hướng tiêu dùng của đại bộ phân người dân, đặc biệt là giới trẻ. Người tiêu dùng bắt đầu cởi mở và sẵn sàng tham gia vào những dịch vụ tiện ích này.

Sau giờ ăn trưa, chị L.Vy và gần chục đồng nghiệp làm việc tại một văn phòng trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) nhộn nhịp order (đặt hàng) trà sữa trên ứng dụng của GoViet, GrabFood...

Mỗi ly trà sữa có giá gần 60.000 đồng khi uống tại cửa hàng, nhưng đặt qua ứng dụng được giảm 50%, lại được giao hàng miễn phí.

Graber giao thức ăn vay kín cửa hàng đồ uống để mua hàng
Graber giao thức ăn vay kín cửa hàng đồ uống để mua hàng

Không chỉ có trà sữa, mà chị Vy còn còn đặt hàng rất nhiều món ăn vặt khác từ bánh tráng trộn cho đến các loại chè đều được các shipper săn lùng và giao hàng tận nơi.

Nhờ có ứng dụng này mà chị Vy và rất nhiều nhân viên văn phòng khác không cần di chuyển giữa trưa nắng nóng để ăn trưa hay mua đồ ăn.

Còn Ngọc Hân (sinh năm 1995), làm việc tại Q.3, thì cả ngày ở công ty, muốn ăn uống uống hay mua sắm quần áo, vật dụng gì cũng lên mạng tìm và nhấp chuột thì 20-30 phút sau đã có hàng mang tới.

Hân thích ăn gà Mẹt ở đường Nguyễn Thị Minh Khai nhưng nếu ra đó thì xa và nắng nên cô cứ lên mạng đặt mua, được giảm 30%.

Tất cả đều được mua bán, thanh toán ngay trên chiếc điện thoại. Đó là chưa kể Hân còn là khách hàng VIP của các ứng dụng này nên thường xuyên được giảm giá mua đồ 0 đồng.

Còn chị Ngân (40 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Từ khi có GrabFood, vợ chồng tôi muốn ăn gì là cứ lên mạng đặt mua, vài phút sau là đồ ăn giao tới. Tôi khỏi phải vào bếp những lúc mệt mỏi mà vẫn có đồ ăn cho gia đình”.

Thói quen tiêu dùng thay đổi?

Không chỉ hàng loạt cửa hàng cà phê, trà sữa thuộc thương hiệu nổi tiếng đặt tại khu vực các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận mới tấp nập tài xế của Grab và GoViet xếp hàng dài chờ gọi và nhận món để giao cho khách mà còn có một số cửa hàng nhỏ lẻ khác ven đường cũng hút các shipper đứng xếp hàng dài.

Quán chè ở góc đường Trần Cao Vân và Hai Bà Trưng vốn quen thuộc với dân săn món ăn ngon vỉa hè, cũng trở nên đông đúc lạ thường.

Khoảng 11h là các shipper đứng xếp hàng dài, đỏ rực một góc đường để đợi mua chè. Chủ quán, cho biết: “Trước đây chỉ bán cho khách quen, khách văn phòng. Nhưng gần đây, lượng khách hàng đột nhiên tăng chóng mặt chủ yếu là xe ôm công nghệ. Họ đứng xếp hàng từ lúc tôi chưa mở hàng. Tôi phải nấu thêm chè để bán cho lượng khách mới này’.

10 giờ tối một shipper vẫn còn đợi mua nước tại cửa hàng Phúc Long, đường Thành Thái - Ảnh: Cẩm Viên
10 giờ tối một shipper vẫn còn đợi mua nước tại cửa hàng Phúc Long, đường Thành Thái - Ảnh: Cẩm Viên

Không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ con cũng rất rành về việc dùng GrabFood để đặt trà sữa trân châu. Thậm chí còn sành hơn cả người lớn.

Anh Trung Hậu (52 tuổi, Q. Bình Tân) cho biết: “Con gái út nhà tôi hay mượn điện thoại của bố, hỏi ra mới biết bé dùng để gọi đồ ăn. Có hôm thì pizza, đùi gà…, Bọn trẻ giờ rành công nghệ hơn mình”. 

Lý giải về hiện tượng lực lượng shipper "đông như quân nguyên" tại các cửa hàng ăn uống, Anh Lâm (Q. Bình Tân) - một shipper chia sẻ: “Trước đây, tôi chạy GrabBike nhưng khi có GrabFood tôi chuyển qua chạy giao hàng, có nhiều đơn hàng hơn, thu nhập mỗi ngày cũng được gần 500.000đồng từ việc tìm mua và giao đồ ăn cho khách.

Nhờ vậy mà tôi biết được nhiều nơi bán đồ ăn ngon trên địa bàn thành phố. Chỉ có chút khó khăn là lỡ vào trúng địa điểm nổi tiếng nhiều người ưa chuộng thì phải xếp hàng chờ. Có khi chờ lâu quá, khách hủy đơn hàng thì phí công mình thôi”.

Khi được hỏi về việc lựa chọn mua hàng qua mạng và đến trực tiếp cửa hàng thì anh Thành Huy (Q.2) cho biết: “Tôi thích việc sử dụng công nghệ vào cuộc sống của mình. Ngày nay chỉ cần có chiếc điện thoại trên tay tôi có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi.

Thậm chí quên mang theo ví tiền, thì tôi vẫn có thể gọi đồ ăn và thanh toán ngay trên chiếc điện thoại của mình”.

Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, ranh giới giữa thói quen ăn uống, mua sắm tại cửa hàng và thói quen mua sắm trực tuyến đang rút ngắn lại và dần trở nên mờ nhạt.

(Còn tiếp)

VIÊN VIÊN

theo Tin 24h