Bất động sản Trung Quốc kìm bong bóng phình to

Khi lĩnh vực bất động sản bùng nổ, chính phủ đã cam kết đưa ra "cơ chế dài hạn" để ổn định giá và đầu tư. Thị trường bất động sản hiện tại quá lớn, khó mà tự vận hành không cần sự kiểm soát.

Bắc Kinh có cơ sở để áp dụng nhiều quy định hơn. Ví dụ, các thành phố như Thượng Hải và Hàng Châu đã bắt đầu yêu cầu công ty địa ốc bán căn hộ mới theo hình thức xổ số, ưu tiên cho những người chưa sở hữu nhà.

Ở các thành phố khác, chính quyền cấm hành vi mua căn nhà thứ hai. Để lách luật, một số cặp vợ chồng ly hôn giả để mua thêm nhà. Hôm 21/1, Thượng Hải ra phán quyết yêu cầu những người ly hôn phải đợi ba năm để được tính là người mua nhà lần đầu nếu họ từng có nhà khi kết hôn với nhau.

Một số doanh nghiệp bất động sản đang dốc sức tăng vốn bằng cách thu hút nhà đầu tư mới hoặc thành lập các công ty con, ví dụ như công ty quản lý tài sản. Đối với nhiều công ty, bước đầu tiên rõ ràng là thúc đẩy dòng tiền thông qua việc gấp rút bán được nhiều nhà ở hơn. Để làm được điều này, họ phải giảm giá bất động sản.

R&F là một trong các công ty đang gặp khó khăn. Tại một trong các dự án mới ở thành phố Jiangmen (thuộc tỉnh Quảng Đông), R&F đã giảm 20% giá nhà trong những tháng gần đây. Doanh số bán hàng từng chững lại nay đã tăng vọt, trung bình R&F bán được khoảng 15 căn/ngày.

Tính chung cả thế giới, khoảng 1/10 dư nợ ngân hàng cho khách hàng phi tài chính có liên quan đến lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, bất luận đó là hỗ trợ tài chính cho công ty địa ốc hay vay thế chấp cho người mua nhà.

Giới phân tích nhận định, các yếu tố trên đang tạo thành một quả bom hẹn giờ. Trên thực tế, một số dấu hiệu thực sự rất đáng báo động.

The Economist dẫn một báo cáo cho biết, 1/5 lượng nhà ở tại Trung Quốc đang bị bỏ trống. Đầu tư vào nhà ở tương đương 1/10 GDP thường niên của Trung Quốc, cao hơn mức kỷ lục từng ghi nhận tại Nhật Bản trước khi bong bóng bất động sản xuất hiện tại đất nước mặt trời mọc ba thập kỷ trước.

Bên cạnh đó, khối nợ của người mua nhà và công ty phát triển bất động sản đang phình to. Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã vay 120 tỷ USD, tăng gấp 56 lần chỉ trong vòng 10 năm.

Tác động của lĩnh vực bất động sản đến ngành tài chính cũng rất sâu sắc. Theo Moody's, năm 2021, các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc dự kiến phải thanh toán hơn 100 tỷ USD trái phiếu.

Khi các công ty phát triển bất động sản trúng đấu thầu đất ở các thành phố lớn, họ phải định giá trong phạm vi do chính phủ quy định. Một hệ quả bất lợi là những ngôi nhà mới có thể rẻ hơn 1/3 so với các ngôi nhà đã qua sử dụng ở cùng khu vực.

Do đó, Bắc Kinh lại ban hành quy định mới: ngăn người dân chuyển nhà để hưởng lợi. Nhiều thành phố đã áp dụng hình phạt đối với các chủ sở hữu bán nhà trong vòng 5 năm kể từ khi mua. Cùng lúc, xổ số hoạt động như một hạn ngạch để quyết định quy mô của thị trường. Giá nhà có thể được kiểm soát, nhưng cung không đáp ứng cầu.

Từ góc độ này, thị trường bất động sản có lẽ không thực sự thành công mà giống một nồi áp suất hơn, The Economist cho hay.

Do đó, chính phủ Trung Quốc lại tiếp tục can thiệp bằng cách hướng người dân đến các thành phố nhỏ hơn, cụ thể là đến các cụm đô thị vệ tinh đang được xây dựng bên ngoài các siêu đô thị.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)