COVID-19 đào sâu bất bình đẳng giàu nghèo

Hơn 30 triệu người nộp đơn thất nghiệp, loay hoay mua giấy vệ sinh, nhu yếu phẩm... trong khi người giàu lên những chiếc du thuyền, máy bay cá nhân tránh dịch.

COVID-19 thật sự đã đào sâu khoảng cách giàu nghèo trên toàn thế giới. Trong khi nhiều người khốn đốn vì đại dịch, giới tỷ phú lại giàu thêm 10% chỉ sau ba tuần khi COVID-19 xảy ra. 

Hình ảnh trong một cuộc biểu tình ở Mỹ trước đây yêu cầu đánh thuế người giàu. Ảnh: AP
Hình ảnh trong một cuộc biểu tình ở Mỹ trước đây yêu cầu đánh thuế người giàu. Ảnh: AP

Tại Mỹ, tỷ lệ người nghèo sẽ đạt mức cao nhất trong nửa thập kỷ tới, theo nghiên cứu của Đại học Columbia. Ở chiều hướng khác, báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách cho thấy khối tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng gần 10% chỉ sau ba tuần từ khi "cuộc khủng hoảng COVID-19" diễn ra. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng 308 tỷ USD.

Không chỉ các tỷ phú, người giàu Mỹ cũng được lợi nhiều hơn người nghèo từ các chương trình trợ cấp đại dịch. Các công ty lớn nhận phần lớn số tiền trong chương trình trợ cấp tài chính cho các chủ doanh nghiệp nhỏ dưới hình thức "Chương trình bảo vệ tiền lương".

Trong khi hơn 30 triệu người nộp đơn thất nghiệp, nhiều người loay hoay mua giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm, dạy trẻ ở nhà... thì người giàu leo lên những chiếc du thuyền và máy bay phản lực tư nhân của họ.

David Geffen, một biểu tượng âm nhạc và phim ảnh với khối tài sản 7,7 tỷ USD minh họa cho sự mất kết nối giữa những người cực kỳ giàu có và những người khác. Ông "cô lập ở hòn đảo tại Caribe để tránh virus và hy vọng mọi người an toàn".

Đại dịch lần này khiến hơn 30 triệu người đã nộp đơn thất nghiệp kể từ giữa tháng 3, còn các tỷ phú ngày càng giàu thêm. Mức thuế mà các tỷ phú phải nộp đã giảm 79% kể từ năm 1980 trái ngược với khối tài sản tăng vọt 1.130% từ năm 1990 đến nay. Trừ khi có các chính sách can thiệp, nếu không sau đại dịch, sự bất bình đẳng về thu nhập, sự giàu có và cơ hội sẽ ngày càng trầm trọng.

Không chỉ là công ăn việc làm

Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với người khác. Ảnh: AFP
Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với người khác. Ảnh: AFP

Tại Mỹ, nơi có hơn 1/3 tổng số ca nhiễm toàn cầu và số người thiệt mạng đã lên tới hơn 90.000, trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới hiện nay, hàng triệu người lao động phải đối mặt với tình hình tài chính bấp bênh ngay cả trước khi đại dịch ập tới.

Nhiều năm qua, Mary P làm công việc dọn dẹp ở một công ty quy mô lớn tại Kansas City. Theo thời gian, chị nhận thấy mức thu nhập thực của mình giảm đi, chăm sóc y tế kém đi, và công việc tưởng chừng như chắc chắn hóa ra lại bấp bênh với rất ít quyền lợi và sự bảo vệ. Rồi COVID-19 làm mọi thứ hiển hiện.

Đến nay đã có gần 20 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tạm thời, và đại dịch đã làm hiển lộ sự bất bình đẳng tăng nhanh chóng ở Mỹ giữa người siêu giàu và phần còn lại của đất nước, không chỉ về tài sản, mà cả chất lượng công việc và lưới an sinh xã hội.

“Vấn đề không chỉ là việc làm - tờ Guardian (Anh) dẫn lời Elise Gould, kinh tế gia trưởng tại Viện Chính sách kinh tế ở Washington, nhận xét - Đại dịch khiến chúng ta nhìn rõ hơn những chênh lệch không chỉ là về việc làm hay lương, mà còn là sức khỏe, điều kiện làm việc và khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế. Tất cả những điều này cho thấy đang tồn tại hai xã hội khác nhau ở Mỹ. Vì sự bất bình đẳng đang tăng, ngày càng có nhiều người dễ bị tổn thương hơn”.

COVID-19 ở Pháp phơi bày cách biệt giàu nghèo

Tình nguyện viên của hội
Tình nguyện viên của hội "Benevoles du Monde" chuẩn bị các túi lương thực cho người khó khăn ở thành phố Argenteuil, ngoại ô Paris, ngày 22/04/2020. Ảnh: Reuters 

Khu Seine-Saint-Denis, liền kề Villeneuve-la-Garenne, có tỷ lệ người qua đời tăng 295% trong thời gian từ 30/3-5/4 so với bình thường, theo Viện Thống kê Pháp. Khu Hauts-de-Sein, thuộc Villeneuve-la-Garenne, tăng 255%. Mức tăng trên vượt xa 174% ở Paris và 61% trung bình ở Pháp cũng trong tuần đó.

Trong khi đó, các cư dân giàu có ở khu vực Les Parcs de Saint Tropez, nơi có giá nhà thấp nhất là 5,4 triệu USD, gây tranh cãi khi có thông tin được xét nghiệm riêng, dù bệnh viện địa phương thiếu xét nghiệm.

Các quan chức địa phương đang điều tra các thông tin những cư dân siêu giàu trong khu vực này được xét nghiệm kháng thể bởi công ty tư nhân tại thời điểm này.

Tờ báo địa phương Var-Matin đưa tin khoảng 60 cư dân Les Parcs và bạn bè của họ đã được đề nghị xét nghiệm COVID-19 tại một đơn vị tư nhân. Các xét nghiệm này là một phần của “hoạt động sàng lọc hoàn toàn riêng tư” được cho là do chủ tịch của Hiệp hội Les Parcs, ông Jean-Louis Oger, một dược sĩ người Pháp giàu có sở hữu các phòng khám và phòng thí nghiệm ở miền nam nước Pháp, điều hành.

Các cư dân khác trong khu vực đã bức xúc với điều này. “Cư dân của Les Parcs và bạn bè của họ được xét nghiệm riêng. Đây là một ví dụ tuyệt vời về tình đoàn kết”, một người mỉa mai khi trao đổi với tờ Var-Matin.

COVID-19 làm gia tăng khoảng cách thu nhập trong xã hội Trung Quốc

COVID-19 làm lộ rõ những trục trặc của xã hội Trung Quốc. Ảnh: Reuters 
COVID-19 làm lộ rõ những trục trặc của xã hội Trung Quốc. Ảnh: Reuters 

Trung Quốc nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội nhưng có lẽ những cố gắng này chỉ như “muối bỏ bể” bởi dịch bệnh gây ra bởi COVID-19 đã có những tác động đáng kể lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. 

Khoảng 1/3 số hộ gia đình tại Trung Quốc, với thu nhập hàng năm rơi vào khoảng 10.000 - 30.000 nhân dân tệ cho biết thu nhập của họ có thể giảm mạnh trong năm 2020. Trong khi đó, đối với các hộ gia đình có mức thu nhập cao hơn, trên 200.000 nhân dân tệ/năm (tương đương 28.500 USD), con số này chỉ là 11%, theo khảo sát được thực hiện vào tháng 2 bởi Gan Li, giáo sư kinh tế Đại học Texas A&M.

Chỉ 13% trong tổng số gia đình giàu có, với thu nhập hàng năm lên tới hơn 1,3 triệu nhân dân tệ (185.000 USD) chia sẻ COVID-19 có ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ. Con số này đối với những hộ gia đình thu nhập thấp hơn, dưới 423.000 nhân dân tệ (tương đương 60.000 USD) là khoảng 50%. Khảo sát được thực hiện trên khoảng 2.000 hộ gia đình có thu nhập khác nhau.

Kết quả khảo sát, chưa được chính thức công bố, ngầm ám chỉ khoảng cách thu nhập giữa người dân Trung Quốc có thể sẽ bị nới rộng thêm trong năm 2020, cho dù Bắc Kinh đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm thu hẹp chênh lệch này.

Khảo sát mới nhất của CHFS (Trung tâm khảo sát tài chính hộ gia đình), được thực hiện hè năm ngoái, có những gợi ý hữu ích như việc các hộ gia đình tại Trung Quốc cần một khoản tiết kiệm bao nhiêu để có thể trang trải cuộc sống, trong đó bao gồm việc mua sắm các vật dụng thiết yếu, thức ăn, tiền thuê nhà, nếu như thu nhập của họ bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Giới nhà giàu Trung Quốc thuê máy bay riêng đưa con từ Mỹ về nước. Ảnh: Reuters   
Giới nhà giàu Trung Quốc thuê máy bay riêng đưa con từ Mỹ về nước. Ảnh: Reuters   

Các gia đình phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ các công việc không ổn định chỉ có thể trụ được trong khoảng 2,3 tháng, trong khi những gia đình có nguồn thu nhập từ các công việc toàn thời gian có thể cầm cự được 5,6 tháng. Những gia đình là chủ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có thể trụ được lâu hơn, khoảng 9,8 tháng.

Khả năng này cũng tùy thuộc vào ngành nghề nguồn thu nhập đó phát sinh. Đối với những gia đình phụ thuộc vào một trụ cột chính làm việc trong ngành dịch vụ sửa chữa, họ có thể “sống sót” trong khoảng 3,8 tháng. Còn đối với những gia đình có thu nhập từ lĩnh vực tài chính, họ có thể trụ lại lâu hơn lên đến 9,4 tháng.

“Những thống kê này cho thấy virus có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng tác động lên những công nhân thời vụ, bán thời gian và những gia đình thu nhập thấp là lớn nhất. Và khả năng chống chọi của họ trước những rủi ro là rất thấp”, Gan cho biết.

AN LY (t/h)

COVID-19 thế giới sáng 18/5: Thế giới vượt 4,8 triệu ca nhiễm, Mỹ gần 90.000 người chết

COVID-19 thế giới sáng 18/5: Thế giới vượt 4,8 triệu ca nhiễm, Mỹ gần 90.000 người chết

Tính đến 8h ngày 18/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 4.801.510 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 316.658 ca tử vong.