Covid-19 mang chúng ta lại gần nhau như thế nào?

Giãn cách xã hội chưa chắc lại khiến con người xa nhau

Chỉ vài ngày trước, hiện tượng cá heo xuất hiện ở vùng biển đảo Hòn Cau (Bình Thuận) và vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) khiến nhiều người xôn xao. Rất lâu rồi người ta mới nhìn thấy cá heo vào gần bờ đến thế.  Theo một cách tích cực, Covid-19 hoá ra lại là dịp để khiến cả thế giới có rất nhiều chủ đề chung.

Thế giới chung một chủ đề

Người ta nói nhiều về những thứ thần kỳ của tự nhiên mới xuất hiện lại nhờ một thời gian dài giãn cách. Chẳng hạn như những con cá heo rất gần bờ biển Việt Nam mấy ngày trước. Trong lúc ấy, người dân ở miền bắc Ấn Độ lần đầu nhìn thấy dãy Himalaya từ khoảng cách 200km  - điều mà suốt 30 năm qua không xuất hiện giữa khói bụi ô nhiễm. Hay vĩ mô hơn, người ta nói về việc lần đầu tiên các quốc gia thống nhất với nhau về việc tạm thời dừng chiến tranh.

Cá heo nhảy múa trên vịnh Nha Trang/ Ảnh từ clip
Cá heo nhảy múa trên vịnh Nha Trang/ Ảnh từ clip

Những thông tin về Covid-19 khiến tôi bắt đầu có ý thức tìm những người bạn của mình, rõ ràng hơn. Juan Valencia, một giảng viên ĐH ở Bogota, thủ đô Colombia, nói bác của anh đã qua đời vì virus corona chủng mới ở Mỹ. Các chuyến bay từ Colombia tới Mỹ đã ngưng từ tháng trước. Anh không thể bay sang Mỹ. “Tôi không nhớ lần cuối tôi nói chuyện với bác mình từ khi nào”, anh thừa nhận. Ngay cả tôi cũng đã lâu lắm không nói chuyện với anh. Chúng tôi vẫn nhìn thấy nhau qua những dòng trạng thái cập nhật trên Facebook hàng ngày, nhưng thường là không để ý, vì anh viết tiếng Tây Ban Nha còn tôi viết tiếng Việt. Chỉ đến khi dòng thông báo về sự ra đi của người thân được anh đăng tải, tôi nhắn cho anh tin chia buồn, chúng tôi mới bắt đầu hỏi chuyện nhau, 2 năm kể từ tin nhắn cuối. 

Khẩu trang y tế đang rất khan hiếm ở Bangkok (Thái Lan), nguồn hàng chủ yếu từ Việt Nam 
Khẩu trang y tế đang rất khan hiếm ở Bangkok (Thái Lan), nguồn hàng chủ yếu từ Việt Nam 

Rujira, một người bạn tôi ở Bangkok (Thái Lan) nhờ tôi kiểm tra độ thật giả một nhãn hiệu khẩu trang Việt Nam. Gia đình Rujira đều làm ngành y, cũng như đa phần các quốc gia trên thế giới, khẩu trang y tế ở Thái Lan đang thiếu nghiêm trọng. Nguồn hàng chủ yếu đến là từ Việt Nam. “Họ chào bán 750 bath (khoảng 530 ngàn Việt Nam) một hộp 50 cái, giá bình thường chỉ khoảng bằng 1/10”, Rujira than thở. Nhưng thậm chí kể cả bỏ một số tiền lớn, họ cũng không biết đó có phải hàng thật không. Ngày hôm sau, cô báo đã nhận được hàng chuyển tới: “May quá, đó là khẩu trang thật”, cô thở phào. Nhờ hộp khẩu trang, chúng tôi bắt đầu nói những câu chuyện bản thân, về cách mỗi người đang đối phó với dịch bệnh. Rujira đang mang bầu đứa con đầu lòng, đầy lo lắng khi nghĩ tới tương lai.

Có nhiều người bạn, vì công việc, khoảng cách địa lý khiến chúng tôi hầu như chỉ giữ mối dây liên hệ mong manh qua Facebook – thậm chí còn không nhắn hỏi nhau, và còn tiết kiệm cả những cú bấm like. Còn bây giờ, chúng tôi hỏi thăm nhau mỗi ngày. Hoá ra có lúc, chúng tôi có lúc cùng một mối quan tâm chung như vậy.

Lời hứa khi hết dịch

Sáng kiến ATM gạo của Việt Nam gây ấn tượng với quốc tế/ Ảnh: Giáo dục thời đại
Sáng kiến ATM gạo của Việt Nam gây ấn tượng với quốc tế/ Ảnh: Giáo dục thời đại

Serge, một người bạn ở Paris, Pháp gửi cho tôi bức ảnh chụp cây ATM gạo ở TPHCM và hỏi có thật không. Cậu ấy ấn tượng mạnh với bản tin về việc lấy gạo đó, dù đó là chuyện ở một nơi cậu hoàn toàn không có khái niệm trước đó. Tờ CNN trong bản tin của mình đã phải đề: “It’s too good to be true” (Quá là tốt để có thật). Paris của cậu vẫn đang trong giới nghiêm và chưa biết bao giờ tới đỉnh dịch. Đi Việt Nam du lịch, đấy là dự định đầu tiên của cậu khi con virus này được giải quyết. “Tớ hứa, tớ sẽ tuân thủ mọi khuyến cáo”, Serge nói.

Trong lúc ấy, Hoàng Tĩnh Hàm – giảng viên ĐH Dân tộc Quảng Tây - đã bắt đầu công việc, với việc sửa luận văn cho các sinh viên: “Ngày trước chỉ mong một kỳ nghỉ dài, bây giờ thì nhớ công việc quá”. Chỉ mới vài tháng trước, Hoàng nói cô muốn nhảy việc. Công việc dạy học có lúc khiến cô thấy quá nhàm chán. Nhưng bây giờ chưa bao giờ cô mong được quay lại giảng đường đến thế. Cô gửi cho tôi một tấm ảnh nồi lẩu bốc khói nghi ngút: “Cuối cùng tớ cũng có bữa ăn hàng đầu tiên sau 2 tháng”. Đó là ngày đầu tiên mà Hà Nội thông báo cách ly xã hội. Vợ chồng đã có đúng 63 ngày không hề bước chân ra khỏi cửa.

Người Trung Quốc đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau phong toả
Người Trung Quốc đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau phong toả

Còn Vũ Hoàng Ngân, một người Việt đang sống ở Turin (Ý) , sinh em bé được gần 1 tháng thì nước Ý bị phong toả. Ngân bảo dịch bệnh khiến lần đầu cô và chồng có nhiều thời gian đến vậy bên nhau. Cô học nấu đủ thứ món ăn, cả Việt Nam và Ý, hai vợ chồng có thời gian để theo dõi từng sự trưởng thành của cậu con trai đầu lòng. “Nếu mà cứ đi làm như bình thường có khi mình cũng stress vì căng thẳng khi nuôi con”, cô tự nhìn nhận mặt tích cực của phong toả.

Covid-19 thật ra là một tấm gương phản chiếu rất lớn, mà không ai tự cho mình quyền đứng ngoài cuộc. Lý thuyết thế giới phẳng chưa bao giờ chính xác thế cũng như không một nơi nào có thể đảm bảo mình vượt trội. Nghĩ tích cực, mặc dù phải giãn cách, nhưng con virus tai quái lại đang tạo điều kiện để người ta quan tâm đến nhau nhiều hơn.

MN

Phía Bắc Trung Quốc lại bùng phát dịch Covid-19, phong tỏa thành phố 11 triệu dân

Phía Bắc Trung Quốc lại bùng phát dịch Covid-19, phong tỏa thành phố 11 triệu dân

Theo chính quyền địa phương, nguồn bệnh được cho là từ một sinh viên trở về từ nước ngoài.