COVID-19 sáng 26/7: Thêm một ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, Triều Tiên phát hiện bệnh nhân đầu tiên

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 26/7 Việt Nam phát hiện thêm 1 ca mới dương tính với COVID-19 tại Đà Nẵng.

Theo đó, bệnh nhân 418 là nam, 61 tuổi, sinh sống tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Bệnh nhân được xác định dương tính với COVID-19 đêm 25/7, đang được điều trị cách ly tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đà Nẵng, phải thở máy. 

Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoang vùng, dập dịch. Bộ Y tế đã thành lập ba đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại thành phố.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng 418 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Cả nước hiện có 11.187 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó, 220 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.193 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 774 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện nước ta có 365/418 trường hợp được công bố khỏi bệnh (chiếm 87,3%). Số bệnh nhân còn lại hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong số này, hiện có 8 ca âm tính từ 1-2 lần trở lên với COVID-19.

Liên quan đến tình hình sức khoẻ của bệnh nhân số 416, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho bết, bệnh nhân mắc COVID-19 số 416 (nam, 57 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện TP. Đà Nẵng bệnh diễn biến xấu rất nhanh.

Ngày 25/7, bệnh nhân được chạy ECMO, lọc máu liên tục lần 2. Hiện phổi thông khí tạm thời. Bệnh nhân hiện được chỉ định dùng thuốc an thần, kháng sinh, kháng virus, tăng cường miễn dịch, nuôi ăn qua sonde, lọc máu liên tục…

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, tổ hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng đã có cuộc hội chẩn lần thứ nhất để tìm biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tiếp tục thở máy và chạy ECMO trong thời gian dài.Hiện các y bác sĩ và các chuyên gia đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực cần thiết để cứu chữa người bệnh COVID-19 này.

Tại Triều Tiên, trong cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 25/7, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông qua “hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa” để ngăn chặn đại dịch COVID-19 sau khi phát hiện một ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu của ông Kim Jong-un tại cuộc họp trên nhấn mạnh đến quyết định triển khai “biện pháp ưu tiên phong tỏa toàn bộ Kaesong” sau khi người một người vượt biên trái phép quay trở về thành phố biên giới này hôm 19/7 và hiện đang bị nghi mắc COVID-19.

KCNA thông báo: “Để giải quyết tình hình hiện nay, ông (Kim Jong-un) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại khu vực liên quan và nêu rõ quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc chuyển từ hệ thống chống đại dịch khẩn cấp quốc gia sang hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa và ban hành cảnh báo cấp độ cao nhất”.

Cũng theo KCNA, bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 đang được cách ly nghiêm ngặt và “mọi người ở thành phố Kaesong đã tiếp xúc với người này cùng những người đã tới thành phố trong 5 ngày gần nhất đang được điều tra cặn kẽ, kiểm tra y tế và đặt dưới chế độ cách ly”.

Trên thế giới, theo thống kê của worldometers, tính đến 6h30 ngày 26/7 (giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận gần 16,2 triệu ca nhiễm (tăng hơn 252.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua), hơn 647.000 ca tử vong và gần 9,9 triệu ca phục hồi.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất với 4,312 triệu ca nhiễm, gần 150.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm gần 64.000 ca nhiễm mới. Xếp thứ 2 là Brazil với gần 2,4 triệu ca nhiễm và gần 87.000 ca tử vong.

Xếp thứ 3 là Ấn Độ với gần 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 32.000 ca tử vong. Thứ 4 là Nga và Nam Phi xếp thứ 5 với số ca nhiễm lần lượt là 806.000 và 434.200 trường hợp.

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương