Đại gia địa ốc "nợ chồng nợ"

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đang gồng gánh những khoản vay ở các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn tăng cường phát hành trái phiếu để xoay dòng tiền.

Năm 2017 - 2018 và một phần năm 2019 là giai đoạn “thăng hoa” của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp có sự đột phá trong hoạt động kinh doanh, ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh. Men say chiến thắng khiến không ít lãnh đạo không để ý đến những lỗ hổng trong quản trị, từ chiến lược tới tài chính, nhân sự, văn hóa.

Do đó, sang năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác bán hàng khó khăn, doanh thu sụt giảm, sức khỏe tài chính bị ảnh hưởng, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị đào thải, vì nội lực không đủ vững mạnh để có thể chống chọi với khó khăn dự kiến kéo dài.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, thách thức của thị trường năm 2020 gấp đôi năm 2008 và không loại trừ khả năng sẽ có doanh nghiệp phá sản. Hiện nay, mục tiêu đặt ra của hầu hết doanh nghiệp là tồn tại, chứ không phải phát triển. Sức mua thị trường yếu dẫn đến hàng tồn kho tăng, chi phí đầu vào tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu tăng, lãi suất cao và khó tiếp cận được nguồn vốn do chính sách tín dụng chặt chẽ, là những thách thức mà các chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt.

“Các cơn sóng ùa tới một lúc khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chới với”, ông Châu nói.

Tổng tài sản của Nhà Khang Điền (KDH) đã tăng thêm 11,2% so với hồi đầu năm, lên mức 14.717 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu cũng tăng so với đầu năm. Đến cuối tháng 9/2020, doanh nghiệp này có 7.775 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả là 6.942 tỷ đồng.

Riêng quý III/2020, Nhà Khang Điền đã vay thêm 415 tỷ đồng khiến tổng vay nợ tài chính tăng lên 1.783 tỷ đồng, gấp 2,3 lần đầu kỳ trong đó vay ngân hàng chiếm hơn 1.318 tỷ đồng. Trong quý III/2020, Nhà Khang Điền đã vay thêm 380 tỷ đồng từ OCB để đầu tư phát triển dự án Lê Minh Xuân mở rộng (Bình Chánh) và Khu dân cư Tân Tạo (Bình Tân), thế chấp bằng quyền tài sản tại dự án Lê Minh Xuân mở rộng.

Trong 9 tháng đầu năm, Đất Xanh (DXG) tiếp tục nới rộng tỷ lệ nợ. Đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ phải trả tăng tới 23,4% so với đầu năm lên mức 13.143 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu giảm 1,6% xuống 9.083 tỷ đồng.

Vay và nợ thuê tài chính chiếm tới hơn 45% tổng nợ phải trả, ở mức 5.967 tỷ đồng trong đó nợ dài hạn đang là phần lớn với 78,7%. Khoản vay ngân hàng của Đất Xanh không thật sự lớn nếu so với trái phiếu. Kênh trái phiếu đã giúp doanh nghiệp này huy động tổng cộng 5.121 tỷ đồng, chiếm tới gần 86% tổng vay nợ.

Nợ phải trả của Nam Long (NLG) tăng 19% so đầu năm lên 5.578 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 63 tỷ đồng lên 362 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng mạnh từ 806 tỷ đồng lên 1.230 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa bị đơn vị kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục sau khi công ty này báo lỗ hơn 286 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm và chưa thanh toán hầu hết các khoản vay đã quá hạn phải trả cho ngân hàng và trái chủ.

Trong khi đó hàng tồn chất đống, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp BĐS có hàng tồn kho cao nhất. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến hết kỳ này của công ty là 5.189 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số 2.611 tỷ đồng hồi cuối năm 2019.

Hàng tồn tiếp theo kể đến Công ty cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt (PDR)tăng mạnh với giá trị 9.781 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho là ở 2 dự án The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3, chiếm 4.480 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý III, danh mục hàng tồn kho của Phát Đạt cũng phát sinh thêm dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải với giá trị gần 1.984 tỷ đồng.