Đàn ông khoác tạp dề

Đàn ông khoác tạp dề không phải mệnh đề chế giễu. Trong công cuộc bình đẳng giới, chị em đừng lấy bếp làm lô cốt cuối cùng, như thế bất công lắm.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, gã thống nhất với vài tay bạn hữu rằng: Đàn ông bây giờ mới là Phái Yếu, mới là phái cần được bảo tồn, nâng niu, đối xử công bằng thôi chứ chưa nói đến ưu tiên. 

Xem đấy, đến công sở thì nhường thang máy, nhường chỗ ngồi mát mùa nóng và đổi chỗ ngồi ấm mùa lạnh, nhường suất khen thưởng thi đua, phải lo quà cáp hoa hoét đủ các lễ chính phụ trong năm cho đồng nghiệp nữ (từ 8-3 cho đến thậm chí là 1-6), gánh phần trực ngày nghỉ, ngày lễ và ca đêm, nhận những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa và nhường những chuyến công tác nước ngoài cho chị em. 

Xem đấy, về nhà, việc lớn như xây nhà, việc nhỏ như đóng đinh, việc linh tinh như khuân vác cũng đều là đàn ông cả (Ảnh minh họa).
Xem đấy, về nhà, việc lớn như xây nhà, việc nhỏ như đóng đinh, việc linh tinh như khuân vác cũng đều là đàn ông cả (Ảnh minh họa).

Xem đấy, về nhà, việc lớn như xây nhà, việc nhỏ như đóng đinh, việc linh tinh như khuân vác cũng đều là đàn ông cả. Giờ không còn là cái thời vợ làm tất mình ngồi xem TV nữa rồi, nói như mẫu câu của cánh thanh niên trẻ là “Không có mùa xuân ấy đâu!”.

- Nhưng chí ít thì cánh “ấy” cũng lo việc cơm nước chợ búa - một ông bạn cố vớt vát.

- Đấy chính là niềm vui cuối cùng của tôi mà cũng bị lấy đi - gã thở dài. 

Thực vậy, gã tìm thấy niềm vui lớn lao khi vào bếp nấu ăn. Và gã biết có nhiều đàn ông như mình. Phần lớn nhân loại lớn lên theo một công thức nấu ăn gia truyền nào đó. Món canh riêu cá của mẹ Việt Nam. Món gà hấp bia của cha Bỉ. Hay món thịt đùi sư tử phơi 3 nắng của ông nội Nam Phi chẳng hạn. Con người ta sẽ ám ảnh rằng đó mới là ẩm thực, dù có đi bao nhiêu nơi, đặt lưỡi vào bao nhiêu cao lương mỹ vị trên đời. Thế rồi thì những bà mẹ già đi, gai lưỡi chai dần theo năm tháng. Những món ăn đơn giản tưởng như là chân lý bất biến, bỗng một ngày nhạt thếch - hoặc mặn chát, hoặc dai nhách hoăc nhừ tơi. Bố cũng già đi cùng với đàn gà và ông nội thì đã biến thành huyền thoại cùng chiến tích săn sư tử. 

Không lựa chọn nào khác, cánh đàn ông khoác tạp dề, vào bếp.

Việc vào bếp đối với đàn ông phương Tây hết sức bình thường (Ảnh minh họa)
Việc vào bếp đối với đàn ông phương Tây hết sức bình thường (Ảnh minh họa)

Gã không nhớ chính xác mình bắt đầu nấu ăn từ bao giờ và bắt đầu với món gì. Có lẽ là rau muống luộc. Nhưng dấu mốc khiến gã tự phong danh hiệu đầu bếp cho mình để “xuất môn dương danh thiên hạ” là khoảng năm thứ hai đại học, khi tự nấu toàn bộ mâm cơm cúng giỗ. Từ ấy, nấu ăn trở thành niềm yêu thích. Phụ nữ cũng vậy thôi, hãy thử một lần biết thay bugi xe máy chẳng hạn, thì từ đó hễ thấy ai phải dắt xe cô ấy sẽ hỏi ngay có phải hỏng bugi không?

Gã có ông bạn, ngày thường hay khoe khoang nấu nướng lắm. Ông này văn hay chữ tốt, viết lên Facebook chị em đọc cứ là há hốc mồm. Nấu mỳ với hành thì ông ấy gọi là Nắng chiều cay mắt. Xào tí măng với thịt lợn thì ông ấy gọi là Trăm đốt tục trần. Đến tráng quả trứng cũng tán ra mười mấy công đoạn, gọi là Rời vòng tay mẹ. Rồi tự xưng Bếp nọ Bếp kia, như mấy chị em tự mở dịch vụ bán đồ ăn online thường làm. Tán phét mãi, bạn bè đâm nể, cũng tin ông này nấu nướng giỏi lắm. Đến một hôm mời về nhà ăn lẩu, bảo ông bạn đứng bếp, lão thoái thác mãi không được, cùng đường bèn vén áo lên quá bụng, thõng tay cười hềnh hệch: Bốn mươi tuổi tao mới tự nấu bát mỳ đầu tiên, có biết bếp núc gì đâu.

Cười lúc đấy, nhưng cơm nước xong, uống trà, ông bạn mới tình thật rằng, từ tấm bé, chính bà cụ thân sinh đã nghiêm cấm đàn ông trong nhà vào bếp. Nấu nướng bếp núc là việc đàn bà, để tâm trí mà lo việc nhớn - cụ bảo thế. Ông con ban đầu cũng áy náy, sau thành quen, lớn lên cứ đến cửa bếp là chột dạ thoái lui. Đời ông, cái gì cũng hay cũng giỏi, chỉ mỗi nấu nướng thì cười trừ.

Nhưng mà, đàn ông mặc tạp dề không chỉ là vì phụ nữ. Cái nhiệt của lửa, cái mặn của muối, cái nhanh của tay nấu, cái dứt khoát của tay nêm, cái tinh ranh của lưỡi nếm, là những đặc tính mà đàn ông mang vào bếp được. Nấu một bữa cơm, như một cuộc phiêu lưu của tính cách, mà thành quả bày ra mâm lại là thứ yếu, vì điều thú vị nhất đã diễn ra ở trong bếp rồi. Gã gọi nấu nướng là “hành thiền” - một dạng thiền thông qua hành động. 

Ngày nay, việc đàn ông mặc tạp dề vào bếp phụ vợ không còn được coi là
Ngày nay, việc đàn ông mặc tạp dề vào bếp phụ vợ không còn được coi là "kỳ lạ" so với xưa (Ảnh minh họa)

Nhìn lại, bạn gã, những tên nào thuyết phục được vợ cho vào bếp nấu cơm, thì thường có đời sống dễ thở hơn, được tuần đôi bận bia hơi, tháng dăm đêm về muộn. Bằng ngược lại, tối nào cũng để vợ hầu cơm, thì đời sống như đồng hồ điện tử, đi từ cơ quan về tính cả tắc đường hết 17-phút-cộng-trừ-1, sai đâu trừng phạt đó. Vô cùng bi đát.

Nhìn lại bọn thanh niên, những đứa biết chút nấu ăn, đi du học tự lập được, vào môi trường nào cũng xoay xở được, đi đó đi đây không ngay ngáy lo miếng ăn miếng uống. Âu cũng từ cái bếp mà hình thành bản lĩnh tự lập, từ cái tạp dề mà nên nền tảng tháo vát giỏi thích nghi.

Cho nên, xin hãy để đàn ông vào bếp. Đàn ông khoác tạp dề - đấy không phải là một mệnh đề chế giễu (thậm chí cái câu mỉa “Đồ đàn ông mặc váy!” đến giờ cũng chả còn là vấn đề gì nữa là...). Đàn ông sợ tạp dề - ấy mới thực là bất thường. Trong công cuộc bình đẳng giới, chị em đừng lấy cái bếp làm lô cốt cuối cùng, như thế thực là bất công lắm.

Phạm Gia Hiền

Đàn ông không đáng tin hay phụ nữ không đủ yêu thương chính mình?

Đàn ông không đáng tin hay phụ nữ không đủ yêu thương chính mình?

Liệu đàn ông có phải là sinh vật chỉ gây sát thương cho phụ nữ hay chỉ vì bạn không đủ kiên nhẫn để chờ một đàn ông tốt xuất hiện?