Mỗi đứa trẻ cũng là một con người

Mỗi ngày, chúng ta vẫn phải vật lộn với những thứ thực ra không cần thiết để trở về với những điều nguyên bản nhất của con người. Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân có liên quan đến giáo dục để tìm cách giúp con mình không bị sa vào lối mòn của chính mình. Chăm sóc và nuôi dạy con cái cũng chính là dịp để mình nhìn lại mình và được sống lại thêm một cuộc đời nữa.

Chúng tôi có một cậu con trai gần bảy tuổi. Khi nào có cháu thứ hai, là câu hỏi chúng tôi bị nhận rất nhiều nhưng lâu rồi thành quen nên cũng chẳng thấy phiền. Một hôm tôi bảo chồng, hay là mình đẻ thêm đứa nữa không em sợ con một mình nó buồn, con không có ai chơi. Chồng tôi bảo: “Nếu em sinh ra một em bé, và trước khi được sinh ra nó đã bị gán một trách nhiệm nào đó chỉ vì người anh, thì như vậy đã sai ngay từ đầu rồi. Mỗi một đứa trẻ được sinh ra là thêm một số phận, thêm một cuộc đời. Mỗi một đứa trẻ là một con người”.

Mỗi một đứa trẻ được sinh ra là thêm một số phận, thêm một cuộc đời. Mỗi một đứa trẻ là một con người (Ảnh: sưu tầm).
Mỗi một đứa trẻ được sinh ra là thêm một số phận, thêm một cuộc đời. Mỗi một đứa trẻ là một con người (Ảnh: sưu tầm).

Trong những năm đầu làm mẹ, tôi cũng khá lúng túng trong việc nuôi dạy con. Bởi thấy mình cũng là người có tìm hiểu về kiến thức nuôi dạy con, có thời gian chăm sóc con, nhưng con mình vẫn có những đặc điểm chẳng vừa theo cái khuôn nào. Những người mẹ Việt, dù có đọc sách dạy con theo kiểu Tây hoặc kể cả đang sống tại Tây thì vẫn không quên được cái bệnh lo lắng thái quá. (Chưa kể những bệnh khác đại loại như vẫn kìm kẹp và ép buộc con mình, hoặc hay đánh giá nhận xét về con người khác). Vì vậy, những người mẹ Việt vẫn thường hay sợ con mình bị đánh giá là không ngoan, không tốt, không giỏi, không giống con nhà người ta.

Từ từ, chúng ta hãy bình tĩnh lại. Hít vào, thở ra, nhìn sâu vào bản thân mình. Bạn, chính bạn, bạn có thích mình phải sống theo một chuẩn mực nào không? Bạn, chính bạn, nhìn sâu vào nội tâm bạn đi, bạn có thực sự là người hoàn hảo không? Trong sâu thẳm tâm hồn bạn, bạn thấy có những lỗ hổng nào. Mỗi ngày khi thức dậy, bạn có nghĩ rằng mình phải cố gắng để bỏ đi một cái “tham - sân - si” nào trong cuộc đời, mình có phải cố gắng để bớt một thói quen xấu, thêm một thói quen tốt nào hay không?

Bây giờ bạn hãy nhìn lại con mình? Xem có phải con cái chính là tấm gương phản chiếu lại hình ảnh của bố mẹ nó hay không? Con bạn đánh con người khác. Bạn có từng đánh con hay không? Con bạn hay cáu gắt. Bạn có từng quát tháo nó hay không? Con bạn lôi thôi luộm thuộm? Bạn có sống bừa bãi không? Bạn muốn con giao tiếp tốt, nhưng bạn chẳng chơi với ai. Bạn muốn con trung thực, nhưng bạn nói dối người khác trước mặt con...

Trong việc giáo dục con cái, tôi lựa chọn việc đầu tiên là sửa mình. Điều thứ hai là hãy nhìn nhận một đứa trẻ là một con người. Chúng cũng có suy nghĩ, nội tâm, cảm xúc và những ước mơ riêng. Chúng cần được tôn trọng cũng như cần được thấu hiểu.

Vì một đứa trẻ là một con người, nên hãy dạy chúng bằng chính lương tâm, trái tim, tình yêu và cuộc đời của chính mình.

Đoàn Minh Hằng

365 cách tưới cây

365 cách tưới cây

Sự kiên trì vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ, bởi nếu không thì chính chúng ta sẽ thấy mình ngày càng xa lạ với con mình.