Đầu năm ra khơi

Theo quan niệm, chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên việc chuẩn bị được ngư dân chăm lo chu đáo.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Hai câu thơ của Tế Hanh lại gợi nhắc về những chuyến ra khơi nô nức, tràn đầy hứng khởi trong những ngày đầu năm mới của ngư dân trên cả nước. Đâu đó thấp thoáng những gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui với hy vọng cả năm ra khơi trời yên biển lặng.

Chuyến ra khơi nô nức, tràn đầy hứng khởi trong những ngày đầu năm mới của ngư dân.
Chuyến ra khơi nô nức, tràn đầy hứng khởi trong những ngày đầu năm mới của ngư dân.

Sớm tinh mơ trong nắng xuân mới, tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân đồng loạt làm lễ khai tàu, xuất bến và cúng “mở cửa biển” bắt đầu cho một mùa đánh bắt mới.

Trước khi về nghỉ Tết, các ngư dân cùng với các thuyền viên tiến hành bảo dưỡng máy móc, ngư cụ. Sau Tết, công tác chuẩn bị được tiếp tục hết sức chu đáo. Ngư dân Bùi Văn Dũng chia sẻ: “Từ ngày mùng 4 Tết, các tàu đã bơm dầu, lấy đá, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho chuyến biển kéo dài gần 1 tháng. Trên tàu cá, các ngư dân cũng thay cờ Tổ quốc mới, giăng nhiều băng rôn, khẩu hiệu để khích lệ tinh thần, đánh bắt được nhiều hải sản. Sau nghi thức cúng “mở cửa biển”, các tàu thẳng tiến ra khơi”.

Công tác chuẩn bị chu đáo cho ngày
Công tác chuẩn bị chu đáo cho ngày "ra trận" đầu năm mới.

Đối với những thuyền đi lộng (khai thác gần bờ) đã ra “mở biển” từ ngày mùng 4 Tết (theo quan niệm của ngư dân là ngày tốt), riêng những tàu đánh bắt xa bờ thì ngày mùng 6 Tết mới xuất quân. Trên những con tàu “xuất quân” đầu năm mới, ngoài các vật dụng cần thiết cho mỗi lần ra khơi như thường lệ, ngư dân còn mang theo các loại thực phẩm thường dùng trong ngày Tết, như bánh chưng, mứt các loại, bánh kẹo và cả hoa tươi...

Các ngư dân cũng thay cờ Tổ quốc mới để khích lệ tinh thần, đánh bắt được nhiều hải sản.
Các ngư dân cũng thay cờ Tổ quốc mới để khích lệ tinh thần, đánh bắt được nhiều hải sản.

Ông Nguyễn Văn Hoa, ngư dân ở xã Hưng Lộc chia sẻ: “Nghề biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và mùa vụ đánh bắt, vì vậy mặc dù trời đẹp nhưng có nhiều ngư dân vẫn chưa ra khơi mà chờ qua Rằm tháng Giêng mới bắt đầu nhổ neo... Chúng tôi cầu mong trong năm mới các phiên biển đều thuận buồm xuôi gió, trúng nhiều mẻ cá đầy khoang, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”.

Người dân đang tất bật chuẩn bị sắm sửa lưới cho một chuyến buông lưới đầu năm.
Người dân đang tất bật chuẩn bị sắm sửa lưới cho một chuyến buông lưới đầu năm.

Theo quan niệm của người dân vùng biển, chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên công tác chuẩn bị được chủ tàu chăm lo chu đáo.

Trước giờ xuất bến, chủ tàu thường làm lễ cúng cá ông, cúng thuyền, cúng bến trước khi cho tàu nhổ neo. Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của con dân miền biển đối với đất trời đã giúp họ bình yên trong những chuyến ra khơi và cầu mong năm mới đánh bắt thuận lợi, sóng yên, biển lặng và trúng nhiều mẻ cá lớn đầy khoang.

Chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên công tác chuẩn bị được chủ tàu chăm lo chu đáo.
Chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên công tác chuẩn bị được chủ tàu chăm lo chu đáo.

Sau khi mâm cỗ đã được bày ra trên mũi tàu, “thầy cúng” trong trang phục áo dài truyền thống cùng gia chủ quỳ xuống khấn vái cầu mong một năm mới may mắn, bình an. Sau đó, chủ thuyền thực hiện rải muối và gạo xuống nước và khắp sàn thuyền để "thần thuyền" cùng chung vui. Giọng rì rầm khấn nguyện cầu cho trời yên biển lặng, ra khơi đánh bắt được nhiều cá tôm hòa cùng tiếng sóng từ khơi xa vỗ vào bờ.

Gia đình ngư dân Hoàng Đức Hoan, xã Ngư Lộc chuẩn bị mâm cỗ để mang lên tàu cho một lão ngư lớn tuổi trong làng thực hiện nghi lễ “cúng thuyền”, chúng tôi thấy mâm cỗ được ngư dân chuẩn bị khá đầy đủ với những sản vật được đánh bắt từ biển cả, như: tôm, cá, mực…ngoài ra còn có gà, bánh chưng, trái cây, rượu cùng bát gạo, cháo trắng, bánh tráng, muối, trầu cau, nhang đèn, vàng mã…

Phong tục “tết thuyền” có từ rất lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và nghi lễ này thường được ngư dân chọn vào thời điểm từ 1 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Vì theo họ, đây chính là thời điểm đẹp, yên tĩnh và tốt nhất trong ngày. Những nén hương dần tàn trên bàn thờ, mọi người hạ mâm cỗ và chung vui trước giờ xuất bến.

Ngư dân làm lễ cúng trước khi xuất quân. 
Ngư dân làm lễ cúng trước khi xuất quân. 

Ngoài việc “cúng thuyền”, “cúng xuất bến” trên tàu, ngư dân huyện Hậu Lộc cũng tổ chức một buổi lễ cúng nghiêm trang trong làng tại Đền thờ Đức Ông và Miếu thờ chung 344 người Diêm Phố tử nạn trong bão (năm 1931). Tại đây, đầu tiên các lão ngư cùng với người trông coi đền dựng cây nêu và treo cờ lên sau đó mới bắt đầu sửa soạn các vật cúng, thắp nhang, thành kính dâng mâm cỗ lên bàn thờ. Họ khấn xin thần linh che chở cho ngư dân trong làng và cầu mong một năm mới tốt đẹp, anh em trong làng đi đánh bắt xa bờ được kết quả tốt, thu được nhiều cá, tôm và đặc biệt là đi đến nơi về đến chốn. Hương trầm bay trong gió xuân se lạnh. Những bậc cao niên kính cẩn vái lạy giữa nghi ngút khói hương.

Ông Trần Văn Hạnh, người trông coi Nghè-chùa-phủ-miếu Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, nhìn ra phía nơi có những tàu cá dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận, nói: "Với nhiều người, đấy là tâm linh hoặc cũng có thể cho đấy là mê tín. Nhưng chắc chắn có một niềm tin không bao giờ bị mất, đấy là niềm tin vào những điều tốt lành, vào cá Ông để vực dậy ngư dân sức mạnh, tinh thần, giúp họ chiến thắng những cản trở, khó khăn khi đi khơi, đi lộng. Vì tin có sự phù hộ nên mỗi khi đi biển họ lại về bên đền cầu nguyện...”. 

Ngư dân hứng khởi mở đầu cho một mùa đánh bắt mới.
Ngư dân hứng khởi mở đầu cho một mùa đánh bắt mới.

Xuân đã về khắp muôn nơi. Ngư dân nô nức vươn ra biển khơi xa trên tàu cá công suất lớn thay cho những chiếc thuyền chèo thuở trước. Với họ, biển cả cũng là quê hương không thể xa rời. Vậy nên, trải qua bao đời, họ cứ vẫn bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

AN LY (t/h)

Bão số 4 diễn biến phức tạp, nhiều ngư dân và tàu vẫn trong vùng nguy hiểm

Bão số 4 diễn biến phức tạp, nhiều ngư dân và tàu vẫn trong vùng nguy hiểm

Bão số 4 (bão Podul) di chuyển nhanh, nhưng vẫn còn 2.360 ngư dân và 258 tàu thuyền vẫn đang trong khu vực nguy hiểm.