Đầu tư 10 triệu đồng vào cổ phiếu BIDV lúc mới IPO, hiện tại bạn có bao nhiêu tiền?

Nếu chi 10 triệu đồng để mua cổ phiếu Ngân hàng BIDV lúc vừa chào bán, người mua đang lời gấp đôi trên sàn chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong 9 ngân hàng nằm trong danh sách VN30. Ngày 24/1/2014, BIDV chính thức chào bán 2.811.202.644 cổ phiếu mã BID với giá khởi điểm 18.700 đồng/cổ phiếu.

Vào thời điểm đó, nếu chi 10 triệu đồng để mua cổ phiếu BID, bạn có được khoảng 535 cổ phiếu. Nếu kiên trì bảo toàn số cổ phiếu trên đến nay, bạn sẽ thu về gần 21 triệu đồng trên sàn chứng khoán.

Từ khi niêm yết, giá cổ phiếu BID đã tăng 2,01 lần trong 6 năm qua. Cuối tuần vừa qua, BID được ghi nhận ở mức 39.100 đồng/cổ phiếu. Đây là mã cổ phiếu cao thứ 15 trong VN30 và cao thứ nhì nếu xét riêng nhóm ngân hàng.

Tuy nhiên trong tháng qua, tình hình cổ phiếu BID có vẻ đi lùi. Hồi đầu tháng 6, có thời điểm BID ghi nhận mức cao nhất đạt 41.200 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, giá trị của mã BID đã giảm hơn 17%. Thời điểm đó, mức cao nhất ghi nhận được lên đến 47.200 đồng/cổ phiếu.

BIDV là một trong 4 ngân hàng thuộc nhóm “Big4” có sức khoẻ khá vững chắc. Tổng tài sản của ngân hàng này đến cuối quý I/2020 đạt 1,446 triệu tỷ đồng, duy trì vị thế ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất thị trường.

Trong báo cáo thường niên năm 2019, Ban lãnh đạo nhà bằng này đặt kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ trước tình hình đại dịch COVID-19 hoành hành. Đồng thời, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 9%, huy động vốn tăng 9%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7% và tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy, tín dụng vẫn mang lại nguồn thu lớn nhất của BIDV. Trong 3 tháng đầu năm, dù tín dụng của ngân hàng giảm 1%, chỉ còn 1,106 triệu tỷ đồng song thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn đạt  9.149 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2019.

Trong giai đoạn này, ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro với con số lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (tăng 16,5%). Do đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV còn 1.814 tỷ đồng, giảm hơn 27% so với cùng kì năm trước. BIDV chỉ đứng thứ 7 về lợi nhuận trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, sau Vietcombank, VietinBank, VPBank, Techcombank, MBBank, ACB.

Dù thế, sức khoẻ của nhà bằng này vẫn có điểm tích cực. Nợ xấu quý I/2020 của BIDV giảm nhẹ từ 1,75% còn 1,74%. Xét về giá trị tuyệt đối, nợ xấu nội bảng của BIDV tính tới cuối quý I/2020 là 19.290 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cuối năm.

Gần đây, Tổ chức định hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố kết quả định hạng tín nhiệm cho BIDV. Theo đó, các định hạng tiền gửi nội tệ/ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành của ngân hàng này vẫn được duy trì.

Moody’s đánh giá nền vốn và an toàn vốn của BIDV được củng cố thông qua việc tăng vốn cho đối tác nước ngoài trong năm 2019. Ngoài ra, nhà băng này đã có những cải thiện mạnh về chất lượng tài sản thông qua việc xử lý các tài sản có vấn đề, tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.

Các định hạng tiền gửi nội tệ/ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành của BIDV tiếp tục ở mức ngang trần quốc gia và thuộc nhóm các ngân hàng có định hạng tín nhiệm cao nhất tại thị trường Việt Nam.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương