Đề xuất không tăng giờ làm đối với người lao động

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết về tăng giờ làm thêm, UBTVQH cho rằng, không nên quy định tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm.

 Vừa qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Thường vụ Quốc hội thảo luận 3 vấn đề lớn đó là : vấn đề tăng khung giờ làm thêm; tiền lương và vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu.

        Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp thu, giải trình dự thảo Bộ luật Lao động
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tiếp thu, giải trình dự thảo Bộ luật Lao động

Đồng ý không tăng giờ làm, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh “Không thể tăng giờ làm thêm mà sau 5 năm tới phải suy nghĩ tới việc giảm. Tăng giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đồng thời là nguyện vọng của người lao động, nhưng xét cho cùng, lợi ích của giới sử dụng lao động đạt được vẫn sẽ lớn hơn so với người lao động”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, trong kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần trước phân tích, đánh giá rất kỹ, chúng ta chưa đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thoả thuận lao động làm thêm, nếu đồng ý mở rộng khung thời gian thoả thuận làm thêm thì đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới. Đây là lý do là thuyết phục nhất.

Còn về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Quy trình này làm rất thận trọng, biết được thời gian kết thúc, lộ trình rất từ từ tịnh tiến, trong 1 năm không có gì xáo động lắm, không có tác động gì lớn đến quỹ bảo hiểm, những biến động khác không có gì biến động.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ảnh: Quốc Hội
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí với phương án từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ảnh: Quốc Hội

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng chung của thế giới. Trong nghiên cứu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, “làm việc càng kéo dài thì nguy cơ năng suất lao động giảm và tai nạn lao động là đương nhiên”, tai nạn lao động có thể diễn ra khi làm việc quá sức. Cùng với đó là hệ lụy không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, thậm chí nhiều lao động nữ không có điều kiện tìm bạn đời… Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn cạnh tranh được phải bằng công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp, chứ không phải chủ yếu dồn gánh nặng lên vai người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý về ý kiến: bên cạnh Bộ luật Lao động thì chúng ta còn một số luật chuyên ngành có quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn. Ví dụ như khoản 3 Điều 187 giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm; Luật Tổ chức toà án, kiểm sát đã luật hóa một số trường hợp có thể làm việc thêm nhưng không giữ chức vụ, đang là Giáo sư, Phó giáo sư thì thôi chức Viện trưởng, thôi chức Hiệu trưởng... nhưng vẫn được tiếp tục làm giảng dạy và nghiên cứu. Do đó, vấn đề nào mà đã được chứng minh trong thực tiễn đúng đắn thì kỳ họp này cần Luật hóa để giảm bớt các điều, khoản mà Chính phủ phải hướng dẫn.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, vì mục tiêu phát triển đất nước một cách bền vững, vì nguồn nhân lực và người lao động của nước ta, việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải rất thận trọng, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Về tăng giờ làm thêm, UBTVQH cho rằng, không nên quy định trong luật này là tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm, nếu quy định tức là chúng ta đã hạn chế sự tiến bộ, đi ngược lại xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng của thế giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, nội dung này vẫn sẽ trình ra Quốc hội theo hai phương án, để các Quốc hội xem xét, quyết định. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các Đoàn ĐBQH trong quá trình tiếp xúc cử tri nên lấy thêm ý kiến cử tri (các doanh nghiệp, giới chủ, công nhân, người lao động) về vấn đề này.

Nguyên Phong

Làm thế nào để biết trẻ đang bị tay chân miệng?

Làm thế nào để biết trẻ đang bị tay chân miệng?

Từ tháng 8 đến nay, trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng trên địa bàn TP.HCM. Vì vậy, việc nhận diện qua các giai đoạn là vô cùng quan trọng.