Đếm nước

Những giọt nước trong cái chai nhựa trắng nhỏ chầm chậm, trong một không gian trắng lạnh, có gì buồn và tẻ nhạt hơn thế.

Mỗi ngày vài chục bận, nhân ba thành ngót trăm lần vào ra, người khô kiệt như miếng bã mía nhai kỹ. Vô nhà thương rưới vài chai nước biển.

Cái gì chả cho, sao cứ cái nạn ngộ độc kiểu này mà ông trời cấp cho gã “quota” đều đặn mỗi năm một lần, khổ thế mà ông bác sỹ tây học còn rung đùi bảo tỉnh queo: “Ôi giời, thế là ít”. Ra điều bảo ở cái xứ này…  

Nhiều năm trước, một lần cả bọn kéo nhau lên Điện Biên chơi nhân 50 năm giải phóng, cùng một chú chụp ảnh, một bác nhà văn và một ông làm báo gã cũng dính trấu chỉ vì một hộp gì đó trong quán nước, cả đêm quằn quại tới sáng rồi leo gấp máy bay về Hà Nội, nhóm kia về sau.

Nghe kể là trên đường qua Sơn La tỉ tê được một em cán bộ bảo tàng tỉnh. Tối đến được mời đến nhà, được cơm no, rượu say, hò hát. Gái đơn chiếc thế mà sao lơ mơ rồi ông báo chí lăn quay ra ngủ, ngáy gừ gừ… chắc vì không nỏ mồm bằng hai ông kia. Bảo để gọi dậy thì em gia chủ xua tay, bảo: “Thôi thôi để anh ấy ngủ, đã lâu ngày em không được nghe tiếng ngáy đàn ông”. Nghe muốn rơi nước mắt.

Đếm nước

Chú chụp ảnh chả biết được gì không chỉ biết lúc ra về bị vặt hết kính xe, và thấy xe bên bờ ruộng. Chỉ có nhà văn được lợi hơn cả vì về sau đưa được câu này vào một truyện ngắn, lúc tặng sách, tác giả ghi “cho người luôn bỏ lỡ cơ hội”.

Nhưng cái “tiếng ngáy đàn ông” của ông nằm giường bên lúc này thật khủng khiếp. Tiếng ngáy trong buổi sáng trong veo thế này, tiếng ngáy quen đã khổ nhưng còn cố chịu được, chứ tiếng ngáy lạ thì là một cực hình. Ở đời có nhiều sự lạ hay, nhưng riêng cái tiếng “ngáy lạ” thì tra tấn quá. Đã thế nó cứ gầm gừ, to nhỏ, lúc như gió thổi, lúc như thú gầm, lúc lại như một sự tắc nghẹn.

Nên đành giết thời gian và tập trung ý chí vào trò đếm nước, lẩn thẩn như thằng tù chơi trò bắt kiến. Những giọt nước trong cái chai nhựa trắng nhỏ chầm chậm, trong một không gian trắng lạnh, có gì buồn và tẻ nhạt hơn thế. Mới hóa ra có nhiều đêm mất ngủ, tai nghe nước giọt mái nhà, những giọt nước sót lại sau trận mưa nhỏ xuống mái tôn, thế mà cứ muốn ngủ thì ngu thật.

Đến giọt thứ 1000, thứ n... nghìn mà ông kia vẫn ngáy.

Nhưng cũng vì tiếng ngáy mà nghe được những mẩu chuyện, những cảnh đời từ những cuộc đối thoại vẳng sang từ hai phía giường bên.

Giường bên phải là một ông vào cấp cứu nghe bảo từ tối qua, là cái ông ngáy. Chưa bao giờ thấm cái câu “hạnh phúc của người này là nỗi bất hạnh của người kia”, người này là ông, người kia là gã. Vì lúc ngáy là lúc ông ngủ, và làm gã thức để… đếm nước. Khi ông ngủ nhìn khuôn mặt tràn đầy thanh thản, nhẹ nhàng như quên đi mọi thứ. Lúc tỉnh nhìn khuôn mặt rất buồn và ông buồn thật.  

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ban ngày nhìn người thanh nhã lắm, vẻ hiền lành sao lúc ngủ ngáy to và dữ thế. Chiều đến là ông chốc chốc lại xem đồng hồ, là cái lúc ông thấp thỏm chờ đến giờ con cái sắp vào. Chăm sóc là con bé “osin” hết mua phở, pha nước, lại lau chùi, dọn rửa… Con cái chiều tối vào thăm nhìn minh sáng kiểu trí thức, chốc chốc lại một người vào, người về. Lại cả bạn bè vào cùng, nghe lỏm chuyện thì ra là người có vị trí trong xã hội. Trí thức cả. Thế sao ông cứ buồn?

Giường trái là một bà vẻ “khăn mỏ quạ” của những ngày hôm qua. Khuôn mặt nhầu nhĩ đầy nếp nhăn, một vẻ đẹp rất “nhiếp ảnh” cho những ngôi sao “phô tô ráp phờ” hay đoạt giải trong những cuộc thi ảnh trong và ngoài nước về người già. Nhưng cũng lại buồn. Nỗi buồn như là vấn đề muôn thuở. Ừ thì nó mang lại vẻ đẹp, nhưng là của bọn văn nghệ thôi. Gã không mê “vẻ đẹp” ấy.

Giấc ngủ của bà cụ không yên lắm, hay trăn trở, thế cho nên không ngáy.

Chăm cụ là mấy cô con gái vẻ tần tảo, không quá lam lũ nhưng nhìn ra ngay người lao động chân tay. Cô cả là tạp vụ ở một cơ quan, cô hai bán rau ở vỉa hè Ngô Thời Nhiệm, cô ba bán xôi buổi sáng. Cô ba sáng sớm bán quàng hết thúng xôi thì vào cho cô hai ra chợ bán rau. Cuối chiều cô cả rửa sạch bộ ấm chén trà cáu bẩn của giám đốc rồi chạy vào ca đêm cho cô hai về. Cô hai, cô ba tối phải ở nhà chuẩn bị rau, xôi cho ngày hôm sau. Một sự phân công rất hợp lý, hợp tình.

Thế nên bà cụ cả ngày có con cái ở bên.

Thế nên ông bên kia nhìn sang buồn cũng phải.

Thế sao bà cụ vẫn buồn?

Sáng ra hỏi, con cái cụ cả ngày chăm như thế, sao cụ vẫn buồn? Cụ bảo: “Tôi thương chúng nó quá!”.

Ừ nhỉ, hay là “nỗi bất hạnh của người này lại là niềm hạnh phúc của người kia”?

Con cái là trí thức đa số thuê người làm chăm bố mẹ, con cái là dân “lao động” toàn phải tự chăm, dù chả nhàn rỗi gì. Cũng vì chả có tiền. Ai thì cũng thương cha mẹ cả chỉ vì cái “điều kiện” thôi.      

Ông già và bà cụ, ai sướng hơn ai?

Tạ Mỹ Dương

Nguyện ước cuối cùng

Nguyện ước cuối cùng

Nikolai Nikolaevich còn có một hy vọng, và một ước muốn cháy bỏng như hồi còn trẻ để hy vọng đó thành sự thực. Ông muốn sống đến mùa xuân.