Dịch COVID-19: Ngành ô tô trong nước bị ảnh hưởng như thế nào?

Dịch COVID-19 đang lan rộng, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam đang có nguy cơ phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp sẽ phải tạm thời đóng cửa nhà máy.

Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam đang có nguy cơ phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp sẽ phải tạm thời đóng cửa nhà máy.*

Tạm thời đóng cửa nhà máyHiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản tổng kết tác động của dịch COVID-19 đến ngành ô tô và các đề xuất gửi Chính phủ cùng các Bộ Công Thương, Tài chính và Giao thông vận tải.

Dịch COVID-19: Ngành ô tô trong nước bị ảnh hưởng như thế nào?

Trong văn bản này, Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita cho biết, hiện tại việc nhập khẩu linh kiện, vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn tạm thời duy trì được. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch COVID-19.

Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy tạm thời cho đến khi tìm được nguồn cung thay thế. Hệ lụy có thể khiến hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc, thất nghiệp, giảm thu nhập.

Đại diện VAMA cũng khẳng định, hiện tại các hoạt động này chưa gây tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước khả năng dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra ở một số địa bàn dẫn đến việc có thể bị cách ly cả công ty để khoanh vùng dập dịch. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh đột ngột.

Cùng với đó, hiện một số doanh nghiệp sản xuất ô tô đang có hoạt động đầu tư mở rộng nhà máy, khó khăn gặp phải khi một số máy móc thiết bị để mở rộng nhà máy chưa thể nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng chung tình cảnh này là nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và cán bộ tay nghề cao được cử sang nhưng chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam hoặc đang bị cách ly.

Một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng cho biết, hiện chỉ còn nguồn phụ tùng tồn kho đủ để sản xuất cầm chừng trong thời gian ngắn bởi việc nhập khẩu này cần phải có thời gian từ một vài tháng. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất một phần và kéo theo đó là nhiều kế hoạch kinh doanh khác bị đình trệ.

Công ty Honda Việt Nam cho biết, hiện mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của liên doanh này cơ bản vẫn diễn ra bình thường ở cả mảng ô tô lẫn xe máy, đặc biệt đơn vị đang hoạt động tích cực để hoàn thành các mục tiêu đề ra của năm tài chính nên chưa có điều chỉnh gì.

Đại diện TC Motor cũng cho hay, hiện tại hoạt động của nhà máy Hyundai Thành Công chưa bị ảnh hưởng gì nhưng với nguồn cung linh kiện nhập khẩu từ nhiều quốc gia; trong đó chủ yếu là từ Hàn Quốc nên phương án điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất đã được tính đến.

Dịch COVID-19: Ngành ô tô trong nước bị ảnh hưởng như thế nào?

Tuy nhiên, với doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng nhà máy và nâng công suất sản xuất vào thời điểm này lại khác. Đại diện truyền thông của Ford Việt Nam cho biết, doanh nghiệp vừa đầu tư bổ sung 82 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng) cho dự án mở rộng nhà máy Ford Hải Dương, nâng công suất từ 14.000 xe lên 40.000 xe/năm. Tuy nhiên, Nhà máy vừa khởi công cũng đã gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các hạng mục quan trọng của dự án cơ bản đã xong, nhưng việc mua sắm trang thiết bị, máy móc và mời chuyên gia đến hỗ trợ sẽ chậm hơn.

Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, kể từ ngày 26/3, Ford Việt Nam sẽ tạm dừng sản xuất trong vài tuần và cho lao động nghỉ việc. Riêng khối văn phòng sẽ làm việc từ xa và đại lý duy trì hoạt động để hỗ trợ khách hàng.

Ford Việt Nam cũng cho hay, việc tạm dừng hoạt động này được thực hiện theo hoạt động chung của Tập đoàn khi phát hiện một vài công nhân ở Mỹ và châu Âu nhiễm virus khiến họ tạm dừng hoạt động trong vài tuần để làm vệ sinh diệt khuẩn, khử trùng và để cân đối lại hoạt động. Ngoài việc tạm ngừng hoạt động nhà máy tại Việt Nam, Tập đoàn Ford cũng đưa ra quyết định tương tự ở các thị trường khác như Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Nam Phi, Ấn Độ và Thái Lan vì đây là hoạt động chung của toàn cầu và vì lý do đảm bảo an toàn của nhóm nhân viên trước.

Tuy nhiên, với việc tạm dừng hoạt động này, mẫu xe mới Ford Escape dự kiến ra mắt trong năm nay sẽ không thực hiện được như kế hoạch, trong khi các mẫu xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu vẫn đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn.

Đề xuất giảm, giãn thời gian nộp thuế

Với các khó khăn như trên, Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita cho rằng, dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến ngành ô tô trong nước do nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải... đã giảm thiểu hoặc tạm dừng hoạt động dẫn tới sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa kéo theo giảm nhu cầu về xe.

Bên cạnh đó, lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng giảm sút đáng kể khiến số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng. Khi nhu cầu thị trường giảm sẽ gây áp lực giảm sản lượng nói chung của doanh nghiệp. Các yếu tố này đã trực tiếp ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch COVID-19 có thể kéo dài. Do đó, doanh số của thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA trước đó.

Về hoạt động dịch vụ, VAMA nhận thấy hiện lượng xe đến sửa chữa cũng đã giảm từ 30-40% so với cùng kỳ. Dự báo, về lâu dài có thể giảm tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, một số máy móc thiết bị để mở rộng nhà máy cũng chưa thể vận chuyển được, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất của một số doanh nghiệp…Trước tình hình trên, VAMA đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Theo VAMA, việc giãn, giảm thuế không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất mà còn kích thích tiêu dùng.

Dịch COVID-19: Ngành ô tô trong nước bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo đó, VAMA đề xuất giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô; giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 tới 9/2020 cho doanh nghiệp theo dự thảo do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng.

Đồng thời, VAMA cũng đề xuất giãn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021; giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu trong năm 2020.

Bên cạnh đó, VAMA cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu và ban hành gói kích cầu chung phát triển kinh tế, gia hạn các gói vay thương mại để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ.

Do sản lượng chung có thể bị giảm, một số nhà sản xuất ô tô khó đạt được sản lượng tối thiểu theo quy định của Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để được hoàn thuế nhập khẩu linh kiện, ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, VAMA cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giảm sản lượng tối thiểu nói trên.

Ngoài ra, VAMA cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng sản phẩm (COP) tại nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp giấy Giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu. Sau thời gian hết dịch, doanh nghiệp cam kết đi đánh giá COP theo đúng quy định.

Nguồn: BNEWS/TTXVN

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương