Bát nháo thị trường trà dây trị bá bệnh

Gần đây, chị em văn phòng bị đau dạ dày và vi khuẩn HP chia sẻ nhau bí quyết trị khỏi căn bệnh này bằng cách uống trà dây mỗi ngày.

Mặc dù trà dây là loại thuốc quý nhưng trên thị trường hiện nay, sản phẩm này đang rất trôi nổi.

Loạn giá

Ghé một cửa hàng trên đường Kinh Dương Vương (Q.6), trà được đựng trong túi bạc, bên ngoài dán một tờ giấy chi chít chữ: “Đặc trị dạ dày như: sưng dạ dày, trợt hang dạ dày, viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm hang vị, xung huyết dạ dày, kém ăn, mất ngủ, nóng trong người…”.

Chè dây tại một công ty có giá 120.000đ/ký chỉ được đựng trong bao nilon và bấm lại bằng ghim bấm, cây nhiều hơn lá.
Chè dây tại một công ty có giá 120.000đ/ký chỉ được đựng trong bao nilon và bấm lại bằng ghim bấm, cây nhiều hơn lá.

Một nhân viên khẳng định: “Trà dây này được đem từ núi Cơ-Tu xuống nên có giá khá đắt hơn các loại trà dây khác, 400.000đ/ký. Cam kết hoàn tiền 100% vô điều kiện nếu sau khi uống 15 ngày không hiệu quả”.

Tại một cửa hàng trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), trà dây ở đây có ba loại. Trà dây Sapa loại 1 có giá 120.000đ/ký, loại 2 có giá 100.000đ/ký, chè túi lọc giá 38.000đ/hộp; mua 5 ký sẽ được tặng 1 ký.

Sản phẩm trà dây được quảng cáo từ công ty uy tín và cả sản phẩm được hái từ núi Cơ-Tu nhưng chỉ được đựng trong túi bóng nilon, dùng ghim bấm tập để bấm, bên trong bịch trà là một tờ giấy trắng in một số công dụng. Trà nguyên lá thì ít nhưng cây và lá vụn rất nhiều.

Đến chợ đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), chúng tôi bị “sốc” khi biết trà dây chỉ có giá… 50.000đ/ký. Trà được đựng trong những bao tải lớn, chất ở một góc cửa hàng hoặc bày “lộ thiên” trên vỉa hè, bên trên chỉ phủ hờ tấm bạt. Khách có nhu cầu thì nhân viên hốt chè đem cân ký.

Đặc điểm của trà dây là mốc trắng, tuy nhiên cần phân biệt mốc đặc trưng hay mốc do ủ không kỹ.
Đặc điểm của trà dây là mốc trắng, tuy nhiên cần phân biệt mốc đặc trưng hay mốc do ủ không kỹ.

Quan sát số trà mua được từ khu chợ này thì thấy lá rất ít, chủ yếu là cây; trong đó lẫn cả dây nilon, cỏ, các loại lá cây khác. Lá trà nổi mốc trắng chi chít có thể sờ và cảm nhận bằng tay, có những lá rất đen.

Chúng tôi chê trà bị mốc trắng, cô nhân viên vội nói: “Đặc điểm của trà dây là mốc trắng. Càng nhiều mốc trắng càng tốt”?!. Cùng lúc đến mua với chúng tôi còn có vài người khác. Họ đưa tiền rồi đem hàng về mà không hề quan tâm chất lượng sản phẩm như thế nào.

Nổi mốc trắng có đúng là trà tốt?

Hiện, trà dây được bán tại Hội dược Liệu TP.HCM có giá 300.000đ/ký. Trà nơi đây được Chánh văn phòng đông y tỉnh Đắc Nông trực tiếp lấy về nên sản phẩm đảm bảo tiêu chí chất lượng: lá nhiều hơn dây, không nhầm lẫn cây khác, thu hái đúng mùa đang ra hoa.

Trước câu hỏi có phải trà dây nổi mốc trắng là hàng tốt, lương y Nguyễn Đức Nghĩa – Hội dược liệu TP.HCM cho biết, màu mốc là đặc điểm của trà dây, vì vậy rất khó phân biệt trà có bị mốc hay không. Nhiều nơi phơi sấy không kỹ, trà chỉ bảo quản trong bao tải nên rất dễ lên mốc nhưng khi bán lại đánh lừa người tiêu dùng: trà dây càng mốc càng tốt vì có nhiều mủ. Nhưng thực tế là nếu người dùng uống phải trà mốc, bị ủ thuốc sẽ có nguy cơ ngộ độc rất cao.

Thực tế, khi so sánh trà dây tại văn phòng Hội dược liệu TP.HCM thì mới biết màu mốc rất khác so với số trà thu mua trên thị trường. Trà dây có màu mốc của mủ và màu xanh khô của lá hòa quyện với nhau rất đẹp mắt, lá trà còn nguyên vẹn, lá nhiều hơn cây.

Trong khi đó, lá trà mua trên thị trường lại co rúm, không còn nguyên vẹn chiếc lá; bên trên lá nổi đầy đốm mốc trắng li ti, có thể nhìn rõ bằng mắt và cảm nhận được đốm mốc bằng tay; trong số trà thì cây nhiều hơn lá, lẫn rất nhiều lá cây khác.

Rất nhiều sản phẩm trà dây trên thị trường cây nhiều hơn lá.
Rất nhiều sản phẩm trà dây trên thị trường cây nhiều hơn lá.

Trà dây tại Hội khi hãm với nước sôi bốc mùi rất thơm, không chát, không đắng, có vị ngòn ngọt nơi cổ; trong khi trà mua trên thị trường lại chát, không thơm và không có hậu ngọt nhiều. 

Trà dây giá rẻ coi chừng nhập từ Trung Quốc

Đó là khẳng định của lương y Nguyễn Đức Nghĩa khi nói về các loại trà dây giá rẻ đang bán trên thị trường hiện nay. Bởi thực tế, lượng trà dây được trồng không nhiều, chủ yếu khai thác trong rừng, trong khi đó số lượng phân bố trong rừng ngày càng ít đi do thương lái Trung Quốc thu mua. 

Hiện nay có đến 5 loại trà dây đang phân bố tại Việt Nam. Chè dây được dùng làm thuốc tại Việt Nam có tên khoa học là Ampelopis cantoniensis (Hook.et Arn.) Planch, thuộc họ nho (vitaceae), được gọi với nhiều tên như trà hoàng giang, song nho, khau cha (Tày)…

Trà dây dễ nhầm lẫn với dây trà (còn gọi là dạ khiên ngưu, cây rau ráu, có tên khoa học là Vernonia andersonii C.B.Clarke), thuộc học cúc (Asteraceae). Thân và rễ dây trà có chất độc. Chính vì trà dây được thu mua từ người dân nên nguy cơ bị nhầm lẫn rất cao.

Trà dây mua tại chợ Hải Thượng Lãn Ông chỉ có giá 50.000 đ/ký, nổi đầy mốc trắng, lá co rúm, lẫn cỏ, rác, dây ni lon…
Trà dây mua tại chợ Hải Thượng Lãn Ông chỉ có giá 50.000 đ/ký, nổi đầy mốc trắng, lá co rúm, lẫn cỏ, rác, dây ni lon…

Do đó, việc mua trà dây trôi nổi trên thị trường hiện nay rất nguy hiểm. Bệnh không chữa hết nhưng tật lại mang. Bằng chứng cách đây không lâu, một bệnh nhân 72 tuổi cấp cứu tại bệnh viện Hải Phòng trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị trong trạng thái lơ mơ, hôn mê, mắt vàng đậm, suy gan, tan máu.

Sau hai ngày nhập viện thì bệnh nhân tử vong. Kết luận từ bệnh viện, bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn. Theo lời kể của người nhà, trước đó bệnh nhân uống rất nhiều trà dây trong mấy ngày liên tục. Một giả thuyết được đưa ra, có thể chè đã lẫn hóa chất bảo quản hoặc nhầm với loại cây nào khác khiến bệnh nhân ngộ độc.

Theo nhiều nghiên cứu của Viện Dược Liệu (Bộ Y tế), Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương đều công nhận trà dây là cây thuốc quý hiếm, chữa đau dạ dày và diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa trà dây vào danh mục loại cây trồng được bảo hộ.

HOÀNG HẢI

Thủ phạm gây ung thư có nguồn gốc từ sóng Wi-fi

Thủ phạm gây ung thư có nguồn gốc từ sóng Wi-fi

Phơi nhiễm liên tục với sóng Wi-fi còn dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực với sức khỏe