Hạnh phúc là hiện tại, nào phải chúc tụng đâu xa...

Có những sắc màu, những hương vị khác của hạnh phúc, không giống như một cái Tết truyền thống, khi được rong ruổi đường xuân.

Đó là ngày mồng 1 Tết đầu tiên chúng tôi không ở nhà, dù vẫn ở bên nhau. Một quyết định nhanh chóng cho kỳ nghỉ Tết ở cách Hà Nội tới cả nghìn cây số. Chuyến xuyên Việt đầu tiên của cả nhà, cũng là lần đầu tiên chúng tôi không ăn Tết ở Hà Nội.

Cảm giác thật kỳ lạ khi ngồi trong phòng khách sạn ở một nơi xa trong ngày đầu tiên của năm mới, không khí tĩnh lặng như tờ, hơi thở nhẹ của bọn trẻ vẫn đang ngủ say sưa sau khi thức muộn đón Giao thừa bên bờ biển đêm qua thật bình yên. Ngoài kia, biển mù sương, bao phủ một thứ ánh sáng trắng mờ ảo dịu dàng trên vô số những gam xanh đậm nhạt của biển trời, của rừng, của đảo.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Có được chuyến đi không hề dễ dàng. Một chuyến đi xuyên Việt dù kỳ nghỉ Tết khá dài thì chúng tôi vẫn phải xin nghỉ phép, lũ trẻ xin nghỉ học thêm mấy ngày. Và quan trọng là, vượt qua được những ngần ngại của chính mình cũng như của người lớn trong nhà, ông bà vốn hay lo.

Sau khi làm công tác tư tưởng cho ông bà hai bên nội ngoại và cho chính mình, chúng tôi lên đường! Hành trình sẽ là đi tới đâu hay tới đó.

Cúng ông Táo, rồi cúng luôn tổ tiên trời đất Giao thừa sớm, chúng tôi bắt đầu hành trình, tạm biệt Hà Nội thân quen. Nhờ ông bà, bạn bè và những người ở lại “canh gác Thủ đô”. Chúng tôi cùng gia đình người bạn thân, trên chiếc xe 7 chỗ chắc chắn, đồ đạc gọn nhẹ. Sẽ đi một mạch tới Quảng Bình, rồi từ đó bắt đầu rong ruổi. Xe đi chừng 1-2 tiếng đồng hồ, lo âu dần tan. Những canh cánh ban đầu dường như nhường chỗ cho sự háo hức khi câu chuyện nở bung như ngô rang trong tiếng cười giòn giã của bọn trẻ.

Ngày đầu lên đường trong giá rét, nghỉ trưa ở Vinh ăn bát súp lươn cay xè, nóng hổi. Chúng tôi tranh thủ lang thang chợ cá ở Đồng Hới, Quảng Bình, chợ giáp Tết đến quá trưa vẫn đông, bọn trẻ con được bế cả  những con cá đuối, cá mập búa bé cỡ cẳng tay người lớn. Rẽ qua Đà Nẵng chúc Tết và ăn cơm với gia đình người bạn, những chậu hoa cúc đại đóa vàng rực người miền Trung thích chưng ngày Tết, sáng rực trong ký ức suốt mấy năm trời cho đến tận bây giờ.

Những rặng dừa xanh ngát con đường qua vùng Đức Phổ, Quảng Ngãi, lại nhớ nhiều câu chuyện chiến tranh - hòa bình đã đọc, đã gặp những chứng nhân. Rồi rẽ vào Quy Nhơn, thăm Eo Gió khi ấy còn hoang vu, ngủ lại một đêm trong không khí vắng lặng của ngày 28, 29 Tết. Bánh chưng, thịt đông mang theo đôi ba bữa đã hết. Vào kịp Nha Trang để đón giao thừa. Tiệc tất niên là bữa hải sản ở một nhà hàng ven biển, vào buổi trưa, sao hôm ấy đông thế, dường như người ở Nha Trang đổ ra ăn bữa hải sản cuối cùng trong năm kẻo mai mồng 1, vừa đầu tháng lại đầu năm kiêng cho may mắn.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Xem pháo hoa Giao thừa trên bờ biển. Đứng gần chỗ bắn đến mức một cậu bé của chúng tôi, 5 năm trước mới 9 tuổi, còn sợ hãi với những tiếng nổ và khói pháo, vội kéo mũ áo hoodie lên che đầu, núp trong vòng tay bố mẹ. Hai nhà ôm nhau chúc Tết, chụp ảnh, ngạt ngào vì hạnh phúc được bên nhau, được dịch chuyển, được trải nghiệm. Gọi điện về nhà ngay những phút đầu tiên của năm mới để chúc Tết ông bà, nghe ông bà lại dặn đi đường nhớ cẩn thận, giữ sức khỏe, may mắn.

Có những sắc màu, những hương vị khác của hạnh phúc, không giống như một cái Tết truyền thống, khi được rong ruổi đường xuân. Hai người phụ nữ của hai gia đình được dứt ra khỏi bao nhiêu lo toan ngày thường, mà mấy ngày đầu của chuyến đi vẫn có những món ăn thơm ngon tự nấu mang theo, lại được thoải mái, vui vẻ và nghỉ ngơi thực sự sau cả năm cày cuốc cùng bao việc không tên. Hai ông bố dành toàn thời gian bên gia đình. Còn bọn trẻ, khỏi phải nói, như một thế giới mới đang mở ra trước mắt.

Cứ đi, điểm nào thích sẽ dừng lâu hơn một chút. Ngoài khám phá, thì tất cả chúng tôi đã có cả một câu lạc bộ nho nhỏ trên xe, nơi các bố mẹ có thể trò chuyện, thảo luận, tranh cãi, nho nhỏ thôi, đủ thứ chuyện, nơi bọn trẻ cũng nghe được, học được, hỏi được rất nhiều điều. Những chuyến đi ngắn, những niềm vui dài!

Rồi cứ như vậy, chúng tôi tiếp tục những nẻo đường ngày Tết. Mùng 2 Tết qua Ninh Thuận trượt cát, hái nho. Mùng 3 Tết vào Sài Gòn gặp gỡ họ hàng, ăn bữa cơm gia đình. Rồi tiếp tục xuống miền Tây sông nước vài ngày, tới tận Mũi Cà Mau chụp bức ảnh cùng cột mốc trước khi trở về. Chặng về cũng xen kẽ điểm khám phá như vậy, cho đến 13 Tết quay lại Hà Nội. Ở đâu cũng được nếm trải hương vị Tết khác nhau, cũng được gặp những con người thật thú vị, mới mẻ. Nơi nào thấy lòng mình bình yên hạnh phúc, thì nơi ấy là Tết!

Sum họp gia đình, đâu nhất thiết phải ở trong không gian quen thuộc của nhà mình. Không gian sum họp được trải trên những cung đường mùa xuân, ở đâu cũng là 8 người, vừa bên nhau, vừa được chạm vào những điều mới lạ. Và, hạnh phúc là hiện tại, chứ nào phải chúc tụng đâu xa.

Đó là chuyến đi xuyên Tết, xuyên Việt đầu tiên, thực ra cho đến giờ, là duy nhất. 5 năm qua rồi, chúng tôi vẫn nhắc đến chuyến đi xuyên Việt đầu năm ấy như một dấu ấn đáng nhớ, một trải nghiệm đầy màu sắc và vô cùng ý nghĩa. Rồi động viên nhau cố gắng, vượt qua tất cả những vất vả ngày thường, vượt qua năm Covid, để lại có thể cùng nhau lên đường!

Mỹ Hằng

Đàn bà là Tết

Đàn bà là Tết

Tết là không gian, là sàn diễn của những người vợ, người mẹ. Họ chính là tác nhân tạo ra cái không gian ấm áp, dịu dàng của ngày Tết.