Forbes: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Người hùng từ thiện Châu Á

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được Forbes vinh danh là một trong những Người hùng từ thiện khu vực Châu Á, khi đã quyên góp 77 triệu USD trong năm nay.

Bảng xếp hạng “Heros of philanthropy” (tạm dịch: Người hùng từ thiện) thường niên lần thứ 14 của Tạp chí Forbes vừa được công bố. Lần này, tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới đã sàng lọc hàng chục ứng cử viên, để lập danh sách 15 người có lòng nhân ái trước các vấn đề mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt.

Theo đó, các nguồn tài trợ lớn nhất trong năm nay hầu như đều có liên quan đến đại dịch COVID-19 . Một nguồn tiền không nhỏ được đưa vào việc xây dựng bệnh viện, cung cấp thiết bị bảo vệ hoặc tài trợ cho nghiên cứu y tế. Nhưng theo Forbes, cứu trợ đại dịch không phải là trọng tâm duy nhất trong năm nay. Không ít cá nhân được vinh danh lần này đã cống hiến hết mình cho các hoạt động như nghệ thuật và giáo dục.

Forbes nêu điển hình là tỷ phú Phạm Nhật Vượng . Người đàn ông giàu nhất Việt Nam được đề danh đầu tiên trong số “người hùng từ thiện” Châu Á, khi quyên góp 77 triệu USD cùng với quỹ từ thiện của mình, để tài trợ cho hoạt động cứu trợ COVID-19, cung cấp học bổng giáo dục và các chương trình chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyên góp 77 triệu USD từ thiện trong 9 tháng năm 2020. Ảnh: Forbes
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyên góp 77 triệu USD từ thiện trong 9 tháng năm 2020. Ảnh: Forbes

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã thành lập Quỹ Thiện Tâm vào năm 2006, và quỹ này đã quyên góp được 77 triệu USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020. Quỹ Thiện Tâm chủ yếu hướng đến việc giúp đỡ những người nghèo ở Việt Nam, bao gồm học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người không đủ khả năng chi trả.

Quỹ cũng xây dựng nhà ở, trung tâm y tế, thư viện và cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng cư dân có thu nhập thấp, cung cấp dịch vụ cứu trợ thiên tai. Riêng Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Vượng đã chi 55 triệu USD cho nhiều hoạt động khác nhau, liên quan đến ứng phó với COVID-19. Trong đó, doanh nghiệp của tỷ phú này cung cấp máy thở và các thiết bị khác cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo tài chính mới nhất mà Vingroup công bố, trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn đã chuyển 2.309 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) cho Quỹ Thiện Tâm. Số tiền trên bao gồm chi phí tài trợ và các chi phí y tế.

Trong giai đoạn cao điểm COVID-19, Vingroup đã tài trợ cho ngành y tế, các địa phương và đối tác hơn 900 tỷ đồng. Tổng giá trị tài trợ trên chưa bao gồm chương trình 3.200 máy thở xâm nhập tặng Bộ Y tế, 100 máy thở VFS -510 cho Đà Nẵng; 34 máy thở VFS-410, VFS-510 cho Quảng Nam, Quảng Ngãi, 35 tỷ đồng hóa chất sinh phẩm và các hoạt động xét nghiệm tại Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng.

Hồi tháng 4/2020, Forbes cũng đã chọn tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong những cá nhân tiêu biểu của Châu Á với nhiều đóng góp nổi bật trong việc đẩy lùi đại dịch. Đến hiện tại, ông Vượng cũng là tỷ phú Việt Nam duy nhất xuất hiện trong “bảng vàng” của Forbes.

GS Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, đại diện Tập đoàn Vingroup trao tặng máy thở cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Linh Chi
GS Đỗ Tất Cường, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, đại diện Tập đoàn Vingroup trao tặng máy thở cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Linh Chi

Ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Lý Gia Thành của Hong Kong cũng đã chuyển 250 triệu đô la Hong Kong (khoảng 32 triệu USD) cho nhiều khoản viện trợ khác nhau thông qua quỹ của mình, bao gồm cả 100 triệu đô la Hong Kong cho khu vực Vũ Hán (Trung Quốc), tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Giám đốc Fast Retailing, tập đoàn bán lẻ sở hữu chuỗi thời trang Uniqlo, Tadashi Yanai, đã trao 11,2 tỷ yên (khoảng 105 triệu USD) cho hai trường đại học ở Nhật Bản. Phần lớn trong số đó được sử dụng để hỗ trợ nghiên cứu về bệnh tật và phát triển một loại vaccine phòng COVID-19.

Danh sách năm nay, Forbes không được xếp hạng, mà chỉ liệt kê các doanh nhân cam kết hoạt động từ thiện nổi bật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

“Mục tiêu của chúng tôi là thu hút các nhà từ thiện cá nhân đang quyên góp từ tài sản cá nhân của họ”, Forbes cho biết. 

Do đó, danh sách trên không bao gồm các khoản quyên góp của các công ty thuộc sở hữu của các ông trùm giàu nhất châu Á, trừ khi việc quyên góp được thực hiện thông qua một công ty tư nhân mà họ là chủ sở hữu đa số.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương