Gặp khó vì Nghị định 100, Sabeco bỏ ngỏ việc sản xuất bia không cồn

Đại hội cổ đông năm 2020 của Sabeco thông qua kế hoạch doanh thu giảm 37% và lãi ròng giảm 39%. Tuy nhiên, Sabeco vẫn lạc quan khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, dù biện pháp thích ứng với Nghị định 100 vẫn bị HĐQT bỏ ngỏ.

Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) vừa tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020 vào sáng ngày 30/6. Tại đây, Ban lãnh đạo của Tổng Công ty đã chia sẻ nhiều vấn đề về tình thế “một cổ hai tròng” mà doanh nghiệp đang gặp phải.

TGĐ Sabeco: “Chúng tôi vẫn đảm bảo kinh doanh có lãi”

Năm nay, Sabeco chuẩn bị tinh thần ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất 6 năm qua. Cụ thể, doanh thu thuần của Sabeco dự đoán sẽ chỉ ở mức 20.800 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019. Điều đó khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco sẽ tuột đến 39% về con số 3.252 tỷ đồng.

Trước đó vài ngày, Sabeco cũng từng công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Theo kế hoạch ban đầu, lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp này đề ra trong năm lên tới 5.895 tỷ đồng, cao hơn con số thực tế của năm 2019 525 tỷ đồng. Như vậy, sau điều chỉnh, ban lãnh đạo Sabeco thống nhất giảm gần một nửa lãi ròng trong năm nay.

Trong văn bản giải trình ĐHĐCĐ, HĐQT Sabeco xác định doanh nghiệp này đang trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Nghị định 100 /2019/NĐ-CP và đại dịch COVID-19 là hai nguyên nhân đánh mạnh trực diện vào Tổng Công ty. Theo Tổng cục Thống kê, ngành bia Việt Nam đang nếm trải hai ảnh hưởng tiêu cực nêu trên khiến sản lượng sụt giảm tới 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ trước cổ đông, Tổng Giám đốc Neo Gim Siong Bennett cho biết, Sabeco bắt đầu gặp khó khăn nối tiếp nhau từ quý IV/2019 khi vướng phải tin đồn, ThaiBev - công ty mẹ của Vietnam Beverage, cổ đông lớn nhất của Sabeco, muốn bán doanh nghiệp cho phía Trung Quốc. Tin đồn này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bán hàng của công ty.

“Chúng tôi vẫn đảm bảo kinh doanh có lãi, mặc dù giảm mạnh về doanh thu", ông Bennett khẳng định.

Lời khẳng định của ông Bennett được chống lưng bởi báo cáo tài chính quý I/2020. Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có doanh thu thuần ở mức 4.908 tỷ đồng, tuy giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Sabeco vẫn có lãi như Tổng Giám đốc khẳng định, lãi 717 tỷ đồng, nhưng lại giảm gần 600 tỷ đồng so với quý I/2019.

Với tình hình trên, trong 9 tháng cuối năm, Sabeco phải hoàn thành 76,4% mục tiêu về doanh thu thuần bán hàng và 78% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế.

Hy vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch

Ông Neo Gim Siong Bennett cho rằng, 6 tháng đầu năm qua là giai đoạn khó khăn chồng chất với Sabeco. Ông cho biết, Banh lãnh đạo đã cho nhiều hành động quyết liệt để đối phó. “Kết quả, chúng tôi quản lí được hàng tồn kho, giảm vốn lưu động và vẫn duy trì được chất lượng bia tại kho. Chúng tôi đóng cửa và dừng một phần tại một vài nhà máy bia và buộc hoãn việc mở rộng các nhà máy bia ở Củ Chi và Sóc Trăng, vốn dĩ sắp hoàn thành, cũng như các khoản đầu tư thiết yếu. Nhân viên cũng chuyển từ kênh tiêu thụ tại chỗ sang kênh thụ mua về”, ông chia sẻ.

Sabeco cũng tập trung hơn vào việc bán lẻ tại các kênh siêu thị, cửa hàng thay cho các kênh phân phối sỉ tại nhà hàng, quán bia. Tổng Giám đốc Sabeco cho biết Ban lãnh đạo chọn cách giảm số lượng nhân viên thời vụ và đối tác bên thứ ba, thực hiện trả lương theo năng suất.

Các chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí bao bì, vận chuyển, chi phí thuê văn phòng cũng được phía Sabeco tiết giảm đáng kể. “Chúng tôi cũng triển khai một số dự án năng lượng mặt trời tại các nhà máy và lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong dài hạn”, ông Bennett  chia sẻ.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I/2020 của Sabeco vẫn chỉ ra tình hình xám xịt. Thành phẩm tồn kho của Sabeco lên tới 1.263 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hàng đang đi trên đường chỉ ghi nhận được 130 tỷ đồng, giảm 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm 2019.

Nhưng HĐQT của Sabeco vẫn lạc quan và tiết lộ doanh số bán lẻ đã được phục hồi ngay khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. “Những tín hiệu lạc quan, sự phục hồi của Sabeco sóng đôi với sự phục hồi của nền kinh tế. Với những tín hiệu tốt đẹp từ tháng 5 và 6, tôi hy vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch”, ông Bennett khẳng định.

Bỏ ngỏ về bia không cồn , dòng tiền âm

Tuy bày tỏ thái độ khá lạc quan và liên tục chia sẻ các giải pháp kinh doanh trong năm nay, nhưng HĐQT Sabeco vẫn chỉ đề cấp chủ yếu về tiết giảm chi phí bằng việc lắp hệ thống năng lượng mặt trời, nâng cao năng lực quản lý, tập trung vào giữ thị phần, thương hiệu, tung ra sản phẩm mới,…

Đặc biệt, giải pháp mà HĐQT Sabeco hứng khởi nhất cũng chỉ là dự án số hóa mọi hoạt động của doanh nghiệp, với đơn vị tư vấn là KPMG. Trong đó, hệ thống kho bãi mới có khả năng hiển thị hàng tồn kho theo thời gian thực. Dự án này có thể được hoàn thành vào năm 2020 và ông Bennett Neo cho rằng sẽ “thay đổi hoàn toàn Sabeco”.

Trong khi đó, vấn đề lớn nhất mà Sabeco đang đối mặt lại là cung cách kinh doanh thích ứng với Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 24/2020/NĐ-CP.

ĐHCĐ năm 2020 của Sabeco vẫn chưa đưa ra biện pháp nào thích ứng với Nghị định 100. Ảnh: N. Ngọc
ĐHCĐ năm 2020 của Sabeco vẫn chưa đưa ra biện pháp nào thích ứng với Nghị định 100. Ảnh: N. Ngọc

Đối chiếu với các doanh nghiệp khác, rõ ràng Sabeco đang ù lì trong việc này. Ngay cả Bia Sài Gòn - Bình Tây, đơn vị mà Sabeco sở hữu 21,8% cổ phần, đã ra sản phẩm bia không cồn Sagota trong tháng 1. Tiếp đến trong tháng 3/2020, Heineken cũng đưa ra thị trường sản phẩm bia 0,0% độ cồn, liên tục chạy quảng cáo và đẩy chương trình khuyến mãi dùng thử tại các điểm bán lẻ.

Vậy mà mới đây, để kỷ niệm 145 năm thành lập, Sabeco lại tung ra dòng bia Lạc Việt. Ðây là dòng sản phẩm hướng tới phân khúc trung cấp, nhưng vẫn tiếp tục là một dòng bia có độ cồn nhất định.

Chia sẻ về kế hoạch sản xuất bia không cồn, Tổng Giám đốc Bennett chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi có đầy đủ công nghệ, kỹ thuật và cơ sở để sản xuất ra sản phẩm bia không độ cồn”. Ngoài ra, kế hoạch sản xuất, phân phối, công nghệ… thậm chí là Sabeco có sản xuất bia không cồn hay không, vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, về mặt tài chính, vấn đề về dòng tiền của doanh nghiệp cũng là điều vẫn chưa được Sabeco đề cập trong ĐHCĐ năm 2020. Trong nhiều năm qua, Sabeco là một doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính rất ổn định khi dòng tiền luôn dương. Thế mà theo báo cáo tài chính quý I/2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh bất ngờ âm 1.097 tỷ đồng. Con số này vào cuối năm ngoái vẫn còn dương 5.005 tỷ đồng.

Cùng ngày, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng tổ chức ĐHCĐ năm 2020. Ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT Habeco, tự tin cho rằng nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh diễn ra suôn sẻ như hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của Habeco sẽ duy trì tốt trong 6 tháng cuối năm và hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Habeco cho biết, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, sản lượng Habeco đã hồi phục trong tháng 5, đạt 84% so với cùng kỳ năm trước và sản lượng tháng 6 đạt 95% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Habeco đạt khoảng 110 triệu lít, xấp xỉ 50% kế hoạch cả năm 2020. Nhờ đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 100 tỷ đồng.
Habeco cho biết trong 6 tháng cuối năm, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa và thị trường 3 sản phẩm mới, sản xuất quy mô Pilot một số bia Craft mới và nghiên cứu một số loại nước giải khát mới.Về sản phẩm bia không cồn, ông Thanh cho biết, để phát triển mạnh như bia thông thường là rất khó. Do đó, Habeco chưa triển khai sản phẩm này và chỉ tung ra nếu khi nào nhu cầu người dân với sản phẩm này tăng cao.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương