Hiệp định EVFTA: Vì sao dệt may Việt Nam vẫn khó xâm nhập thị trường châu Âu?

Dù chuẩn bị từ rất sớm cho câu chuyện hội nhập EVFTA, nhưng tại sao ngành dệt may mãi chỉ dừng lại ở may gia gia công?...

Gặp khó ở khâu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu

Để hưởng mức ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại EVFTA, Việt Nam bắt buộc phải chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Ngành dệt may được đánh giá hưởng lợi nhất tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, các dòng thuế sẽ giảm từ 12% về mức 0% trong 5-7 năm, điều này sẽ tạo cơ hội cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập vào thị trường EU, nơi được đánh giá là còn nhiều dư địa cho các sản phẩm dệt may Việt Nam .

Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là một thủ tục bắt buộc để hưởng mức ưu đãi thuế quan. EVFTA đưa ra những điều kiện về quy định nguồn gốc nguyên vật liệu phải có công đoạn “từ vải trở đi” tức là từ khâu sản xuất vải đến may mặc phải được thực hiện tại Việt Nam, nhập từ EU hoặc các nước thành viên của EVFTA. Tuy nhiên, việc đáp ứng được quy tắc này cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp dệt may Việt vì nguyên liệu đầu vào của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc (chiếm trên 70% mà nước này không nằm trong EVFTA).

Việt Nam có tự chủ được nguồn nguyên liệu để tham gia vào
Việt Nam có tự chủ được nguồn nguyên liệu để tham gia vào "sân chơi" EVFTA.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, thực ra, không phải các doanh nghiệp không đủ khả năng sản xuất sợi, dệt, nhuộm hay làm nguyên phụ liệu mà bởi vốn đầu tư nhà máy theo đúng quy chuẩn EU trong lĩnh vực này là rất lớn, có khi lên đến vài chục triệu USD, thời gian hoàn vốn lại kéo dài, trong khi các chính sách hỗ trợ gần như chưa tích cực nên doanh nghệp chưa mấy mặn mà.

Ví dụ chỉ riêng đầu tư hệ thống, công nghệ nhà máy xử lý nước thải dệt, nhuộm đã lên đến con số khủng 3 triệu USD, mà đa số các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít không đủ điều kiện để đầu tư máy móc, cơ sở vật chất.

Chính vì vậy đã dẫn đến câu chuyện mất cân đối, “phình lớn” ở lĩnh vực cắt may nhưng thiếu nguyên liệu. Đây là bài toán chung không chỉ của riêng Việt Nam mà kể cả những đất nước trong khu vực Myanmar, Bangladesh...vốn có đông người lao động nhưng nguồn nguyên liệu lại rất yếu.

Cần có những khu công nghiệp chuyên biệt ngành dệt may

Để hình thành những nhà máy sản xuất sợi vải dần dần tiến đến nội địa hóa nguyên liệu vải, theo bà Mai, chính phủ sẽ phải có những chính sách hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, có thể xử lý nước thải của ngành vải.

Kêu gọi đầu tư (bao gồm cả vốn FDI) để có được cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để giải quyết bài toán nguyên liệu. Vì nguyên phụ liệu vải đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó chiếm khoảng 55% trong chuỗi giá trị, 45% còn lại là công sản xuất của doanh nghiệp.

Bà Mai cho biết thêm hiện tại Việt Nam nội địa hóa được 40% nguyên liệu nhưng chủ yếu từ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có năng lực để gia nhập "sân chơi" EVFTA chỉ chiếm khoảng 25% và nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn.

Trong bối cảnh này, việc thí điểm thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may, da giày, hóa chất là cần thiết. Nơi đây sẽ quy tụ các dự án trong lĩnh vực dệt may, da giày, hóa chất, có hệ thống xử lý nước thải riêng để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Chính phủ sẽ phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư hạ tầng hệ thống nước thải. Doanh nghiệp đến đây sẽ trả tiền cho câu chuyện xử nước thải. Đây là phương án hợp lý để Việt Nam vừa thu hút được các dự án đầu tư trong lĩnh dệt may vừa giải quyết đươc câu chuyện xuất xứ nguyên liệu hàng hóa, đồng thời vẫn xử lý tốt các vấn đề về môi trường.

Theo dự kiến, Khu công nghiệp dệt may sẽ được quy hoạch cách xa đô thị lớn, do lĩnh vực dệt may có ảnh hưởng nhất định tới môi trường.

Các khu công nghiệp trọng điểm, ưu tiên phát triển ngành dệt may sẽ được quy hoạch tập trung phát triển tại các khu vực cách xa đô thị lớn và gắn với tiềm năng cung cấp nguồn nguyên liệu và thị trường. Việc phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi các dự án đảm bảo các điều kiện về công nghệ và môi trường theo quy định của pháp luật.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương