Mua yến sào trên mạng, người mua nhận được... nấm tuyết

Thời gian vừa qua nhiều người phản ánh trên MXH về việc mua yến sào nhưng sản phẩm nhận được chỉ là bịch nấm tuyết với giá rẻ hơn rất nhiều.

Chị V.T.T.H., ngụ tại TPHCM. phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM, trên fanpage “Tổ Yến - Yến sào Nha Trang thượng hạng” rao bán yến sào với giá khá thấp, 100g yến xơ mướp Khánh Hòa - Nha Trang chỉ 680.000 đồng, còn được tặng thêm táo đỏ, đường mật mía, miễn phí giao hàng và cam kết hoàn lại tiền nếu sản phẩm không đúng chất lượng. Do thấy giá rẻ nên chị đề nghị lấy loại yến đặc biệt, được niêm yết giá 780.000 đồng/100g. 

Tuy nhiên khi nhận hàng, bên trong lại là nấm tuyết. Chị gọi điện cho cửa hàng và nhắn tin trên page đều không nhận được phản hồi. Rất nhiều người là nạn nhân của trang này, chỉ cần có báo cáo là sẽ bị xóa hoặc chặn. Họ chỉ biết bày tỏ bức xúc bằng cách để các biểu tượng “phẫn nộ” dưới các bài đăng. 

Mua yến nhưng chị H. nhận về toàn nấm tuyết
Mua yến nhưng chị H. nhận về toàn nấm tuyết

Hiện fanpage này có nhiều page nhỏ như “Yến sào Gia Bảo” với cùng logo của fanpage “Tổ Yến - Yến sào Nha Trang thượng hạng”; phương thức bán hàng giống nhau. Các page này sử dụng số điện thoại và địa chỉ của một nhà hàng yến tại Khánh Hòa - Nha Trang, nhưng nhà hàng lại khẳng định không bán yến qua mạng. 

Một trường hợp khác là chị T.T.A., ngụ tại TP.HCM đặt tại fanpage Bopbo Tee hai chiếc ba-lô trẻ em với giá 340.000 đồng. Shop cam kết hàng y hình và đặc biệt là còn nhấn mạnh không cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận vì lý do sợ bưu tá tráo đổi, lấy cắp hàng. Sau khi nhận hàng thì lại là một chiếc balo khác và còn kém chất lượng. Khi yêu cầu yêu cầu giải quyết thì không thấy ai trả lời. 

Địa chỉ mà fanpage giới thiệu là tầng 2, gian 5, trung tâm thương mại Mipec Long Biên, TP.Hà Nội. Nhưng địa chỉ trên bưu phẩm mà khách hàng nhận được lại là 22 Lương Ngọc Quyền, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), kênh mua sắm phổ biến của người dân hiện nay là mạng xã hội Facebook và Zalo, chiếm đến 66%. Tuy nhiên đây là kênh mua sắm tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều khách hàng đã phản ánh bị lừa đảo khi mua sắm trực tuyến đều là trên Facebook và Zalo.

Hiện việc kiểm soát, quản lý rất khó khăn vì chưa có biện pháp khẩn cấp dừng, chặn các trang này khi phát hiện sai phạm. Việc lập trang fanpage hay Zalo để quảng cáo, rao bán hàng khá dễ nên người lập đều khai báo thông tin “ảo”, gây khó cho công tác kiểm tra, quản lý. Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng nên lựa chọn địa chỉ uy tín, mua của người quen và không nên ham rẻ. 

Theo ông Dũng, việc không cho kiểm hàng là muốn đẩy nhanh việc giao hàng, đẩy nhanh phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên thời gian vừa qua xảy ra nhiều bất cập khi mà người mua hàng bị xâm phạm quyền lợi chính đáng.

“Bản thân người bán hàng, chủ sàn thương mại điện tử, công ty giao nhận phải ngồi lại với nhau để có giải pháp tốt nhất. Nếu thời gian này vẫn còn tình trạng tráo hàng, thì bắt buộc người mua phải kiểm hàng”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói. 

Thanh Mai

Công an Hà Nội phá vụ án chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Công an Hà Nội phá vụ án chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Bằng cách thành lập nhiều công ty, các đối tượng làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.