GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Nhà khoa học nữ trẻ nhất nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia

Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2018, được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 3/2019 vinh danh GS.TS. Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974 – Giảng viên cao cấp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại bà là nhà khoa học nữ trẻ nhất từng nhận giải thưởng cao quý này. Bằng niềm say mê công việc nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành Thú Y, giảm bớt tác động của ngành chăn nuôi tới môi trường, hỗ trợ người nông dân và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, bà được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Thú y.

"Sau 7 năm giảng dạy, tôi được trường cử đi học sau đại học tại Nhật Bản. Đây cũng là thời gian khó khăn nhất đối với tôi, vì nếu đi sẽ có cơ hội phát triển rất tốt nhưng lại phải đắn đo rất nhiều vì đằng sau còn gia đình, con nhỏ, liệu có thể xa nhà trong thời gian dài vài năm hay không?

Nhưng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ của gia đình, động viên của đồng nghiệp để quyết định "dứt áo ra đi".

Những năm tháng xa nhà đi học, tôi đã vùi đầu vào học tập, nghiên cứu để quên đi nỗi nhớ con, nhớ nhà. Đặc biệt, khi sang đến Nhật Bản, được đắm mình trong môi trường nghiên cứu khoa học với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ; tôi càng phải tranh thủ thời gian, tận dụng tất cả mọi cơ hội để có thể nghiên cứu những thứ mình muốn, cứ như vậy tôi lại càng say mê với mong muốn có thể đem những công nghệ mới, tiến bộ về áp dụng ở Việt Nam và truyền đạt cho các em sinh viên" - GS.TS Nguyễn Thị Lan trải lòng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trong một giờ học về Bệnh lý thú y
GS.TS Nguyễn Thị Lan hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trong một giờ học về Bệnh lý thú y

Cùng với việc xây dựng, hình thành các nhóm nghiên cứu, thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà và đồng nghiệp đã thu thập gần 1.000 mẫu lợn mắc virus, phân lập được 20 chủng virus và từ đó đã chế tạo thành công kít chẩn đoán nhanh hội chứng dịch bệnh tai xanh ở lợn, hỗ trợ các cơ quan chức năng khoanh vùng dịch, có biện pháp kịp thời hạn chế lây lan và thiệt hại.

Ngoài ra, bà còn có nhiều công trình nghiên cứu hiệu quả gần đây được ứng dụng rộng trong đời sống có thể kể đến như: công trình nghiên cứu vaccine phòng bệnh sài sốt chó (năm 2016), và đặc biệt là chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi... 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75-85 triệu tấn chất thải. Cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%. Và vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài.

Số liệu từ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: nồng độ khí H2S và NH3 (hai chất khí thải độc trong môi trường) trong chất thải chăn nuôi cao hơn mức cho phép khoảng 30-40 lần, gây mùi hôi thối, rất khó chịu. Tổng số vi sinh vật, bào tử nấm và trứng giun sán… cao hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Chất thải chăn nuôi cũng tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đã cảnh báo, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi một cách thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để xử lý chất thải chăn nuôi, việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi mới được áp dụng ở một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc... và Việt Nam. Quy trình chung ở các nước là sử dụng các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao làm môi trường lên men để cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thành phần, số lượng và chất lượng các chủng vi sinh vật có sự khác biệt tùy thuộc vào từng nước, từng sản phẩm, đối tượng vật nuôi.

Chế phẩm đệm lót sinh học dùng trong chăn nuôi
Chế phẩm đệm lót sinh học dùng trong chăn nuôi

Công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học thực chất là công nghệ chăn nuôi lợn, gà, vịt … trên một lớp đệm dày khoảng 60 cm, bao gồm mùn cưa, trấu, rơm cắt nhỏ và cám gạo được trộn với chế phẩm sinh học, có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu trong chuồng nuôi, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi, đồng thời tạo ra nguồn phân hữu cơ cho cây trồng.

Đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích, đó là: vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh tật; tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon. Việc phân giải phân, nước tiểu làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, cải thiện môi trường sống cho người lao động và tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi ngay cả gần các khu dân cư; giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh hen ở lợn…

Nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà
Nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà

Sản phẩm đã được ứng dụng tại nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Nội mang lại hiệu quả cao, giải quyết được vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, tăng thu nhập cho người dân.

Văn Hùng

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp là một câu chuyện dài

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp là một câu chuyện dài

Đó là chia sẻ của ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng, Cục Công tác phía Nam - Bộ khoa học và Công nghệ, tại hội chợ chuyên ngành nông nghiệp.