Hà Trung (Thanh Hoá): Ngụy trang "bóc phong hóa" xẻ đồi, bạt núi khai thác đất vượt thẩm quyền?

Nguỵ trang "bóc phong hóa", Công ty Thanh Thanh Tùng đốn hạ rừng, xẻ đồi khai thác vượt thẩm quyền trên diện tích lớn tại xã Hà Sơn, Hà Trung (Thanh Hoá).

Có hay không việc qua mặt chính quyền khai thác đất quá quyền hạn? 

Từ hơn một tháng nay, phóng viên liên tục nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng xe chở đất từ mỏ khai thác đá của Công ty Thanh Thanh Tùng trên địa bàn xã Hà Trung, hang đoàn xe chở đất nối đuôi nhau vào ra tấp nập, chở đất đá san lấp đi nhiều địa bàn trong tỉnh. Vào cuộc điều tra, phóng viên đã phát hiện ra nhiều khuất tất. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 15/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hoá có văn bản số 14423/UBND-CN về việc cho phép Công ty TNHH Thanh Thanh Tùng được khai thác, tiêu thụ khối lượng đất đá thải trong quá trình khai thác mỏ đá vôi tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung. Theo văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của Sở TNMT cho phép Công ty Thanh Thanh Tùng được khai thác, tiêu thụ 34.202m3 đất thải trong quá trình khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá của công ty này. Theo quy định, lượng đất đá này chỉ được làm vật liệu san lấp cho các công trình trên địa bàn xã Hà Sơn và vùng lân cận trong huyện Hà Trung. Doanh nghiệp Thanh Thanh Tùng phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đất trên theo quy định. Tuy nhiên, dựa vào vào văn bản này, Công ty Thanh Thanh Tùng đã nhiều lần phối hợp với các cá nhân và doanh nghiệp khác để khai thác đất bán cho nhiều công trình san lấp trong tỉnh Thanh Hoá (ngoài địa bàn huyện Hà Trung).

Clip ghi lại hoạt động khai thác đất trái phép tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa)

Có mặt tìm hiểu trên con đường quốc lộ 217, phóng viên nhận thấy xe chở đất lũ lượt nối đuôi nhau từ khu vực mỏ đá Thanh Thanh Tùng vận chuyển về mặt bằng san lấp tại huyện Hoằng Hoá, cách đó 30km. Xe 3 chân, 4 chân được che đậy sơ sài chạy đến đâu bụi bặm, đất đá rơi vãi mù mịt đến đó. Nếu chỉ đơn thuần là tận thu đất từ quá trình khai thác đá vôi thì khó có thể xuất hiện số lượng xe vận tải lớn chạy cấp tập đến như thế.

"Binh đoàn" xe tải nối đuôi nhau vào khai thác đất tại xã Hà Sơn. Nhiều xe có dấu hiệu quá tải, không che chắn bạt ngang nhiên hoạt động nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra.

Đem thắc mắc này, phóng viên đến trụ sở UBND xã Hà Sơn đặt lịch làm việc cùng lãnh đạo xã này. Trao đổi cùng phóng viên, ông Phạm Văn Định cho biết: “Qua công tác nắm thông tin quần chúng trên địa bàn, xã đã nắm được vụ việc và cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Trước mắt, yêu cầu dừng việc khai thác đất thải, chỉ được tận thu theo văn bản cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh để san lấp tại địa phương, đúng vị trí, đúng khối lượng”. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận văn bản kiểm tra thực tế thì ông Định cho biết cán bộ địa chính xã đang bận công việc tại thực địa và đề nghị phóng viên liên hệ, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để nắm rõ thông tin vụ việc.

Lợi dụng giấy phép bóc phong hóa, doanh nghiệp đốn hạ rừng mở đường để khai thác đất trái phép
Lợi dụng giấy phép bóc phong hóa, doanh nghiệp đốn hạ rừng mở đường để khai thác đất trái phép

Theo đề nghị của lãnh đạo xã Hà Sơn, phóng viên đã liên lạc với ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Công ty Thanh Thanh Tùng qua điện thoại. Vị này cho hay, đúng là đang có hoạt động bóc phong hoá, sửa chữa đường vào ra tại khu vực mỏ đá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thanh Thanh Tùng không trực tiếp triển khai mà đơn vị thực hiện là Công ty Bình Minh. Sau đó mươi phút, đại diện Công ty Bình Minh liên lạc mời phóng viên qua trụ sở doanh nghiệp trao đổi công việc. Phía công ty Bình Minh khẳng định việc tận thu đất thải theo sự cho phép bóc phong hoá trong quá trình khai thác đá của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Công ty này thừa nhận kết hợp với một doanh nghiệp kinh doanh vận tải dùng khối lượng đất thải này đang thực hiện việc san lấp mặt bằng tại huyện Hoằng Hoá.

Văn bản 14423/UBND-CN của UBND tỉnh Thanh Hóa
Văn bản 14423/UBND-CN của UBND tỉnh Thanh Hóa

Mặc dù, Công ty Bình Minh khẳng định được sự cho phép bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về hoạt động bóc phong hoá, tận thu đất thải nhưng qua tra cứu trên hệ thống quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Thanh Hoá, phóng viên không tìm thấy bất kì công văn, quyết định nào liên quan đến hoạt động trên tại mỏ đá Thanh Thanh Tùng ngoài văn bản số 14423/UBND-CN đã nêu ở trên được Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền kí ban hành từ năm 2018 (cho công ty TNHH Thanh Thanh Tùng).  

Ngang nhiên khai thác trên đất trồng rừng sản xuất của người dân

Ròng rã suốt một tháng trời, phóng viên Phụ nữ mới đã nhiều lần tìm cách tiếp cận hiện trường khu vực khai thác đất thải tại mỏ đá Thanh Thanh Tùng nhưng đều bị lực lượng bảo vệ tại đây ngăn cản.

Cùng lúc đó, chúng tôi nhận được tin đại khai trường khai thác đất nằm hoàn toàn trên diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất của gia đình ông Trần Văn Hợi trú tại địa phương. Nhận được tin báo, nhóm phóng viên chúng tôi lập tức lên đường tìm hiểu bản chất sự việc. Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, gia đình chủ đất - ông Hợi mới đồng ý dẫn chúng tôi vào thăm thực địa.

Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Trần Văn Lợi để chứng minh việc doanh nghiệp đã chặt hạ rừng sản xuất của gia đình ông để mở đường khai thác thác đất trái phép
Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Trần Văn Lợi để chứng minh việc doanh nghiệp đã chặt hạ rừng sản xuất của gia đình ông để mở đường khai thác thác đất trái phép

Khi đưa chúng tôi vào mảnh đất của gia đình, chính bản thân ông Hợi cũng hết sức ngỡ ngàng khi mảnh đất trồng rừng sản xuất chưa đến hạn thu hoạch của gia đình bị đốn hạ không thương tiếc. Một con đường lớn chạy xuyên qua mảnh đất rừng của ông Hợi đang được thi công nham nhở. Đồi núi bị tàn phá, tạo ra những khai trường khai thác đất khổng lồ nằm hoàn toàn bên ngoài phạm vi mỏ đá của công ty Thanh Thanh Tùng. Có điểm khai thác đất nằm ngoài phạm vi mỏ lên đến cả cây số. Núi cao, đồi thấp đang bị san phẳng, nham nhở, tan hoang. Cả vạt rừng keo, tràm là rừng trồng bị đốn hạ. Ông Hợi không tin vào mắt mình. Ông cho hay trước đó có người nhắn ông cho phép mở con đường nhỏ xuyên qua rẫy, vì cả nể nên ông chấp thuận, không ngờ cơ sự lại đến mức độ này.

Khi về đến nhà, để chứng minh diện tích đất trên của mình, ông Hợi đã đưa cho chúng tôi xem Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mang tên ông có số hiệu Ci 587452 cấp ngày 21/3/2018. Theo sơ đồ thửa đất thì toàn bộ khu vực khai thác đất san lấp mà Công ty Bình Minh đang khai thác nằm trọn vẹn trong 5,2 hecta đất đã được nhà nước cấp cho gia đình ông với mục đích trồng rừng sản xuất.

Như vậy có thể thấy, Công ty Thanh Thanh Tùng đã bắt tay Công ty Bình Minh để khai thác đất san lấp ngoài thẩm quyền được quy định trong giấy phép với quy mô lớn trước sự buông lỏng quản lý của địa phương. Câu hỏi đặt ra là, tại sao cả hệ thống công quyền lại dễ dàng bị các doanh nghiệp này qua mặt đến thế?

Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm thông tin về vấn đề này trong các kỳ tới. 

Sơn Hải

Xứ tiên cảnh Bà Nà Hills năm nay có gì mới?

Xứ tiên cảnh Bà Nà Hills năm nay có gì mới?

Đón khách trở lại những ngày đầu hè, Sun World Ba Na Hills khẳng định thương hiệu át chủ bài của du lịch Đà Nẵng bằng một phiên bản được nâng cấp sánh ngang các khu du lịch quốc tế.