Hai "bóng hồng" đa màu sắc của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà văn Trịnh Bích Ngân là hai cây bút nữ trong số 11 thành viên của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Chiều 24/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đã bầu ra 11 thành viên tham gia Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong danh sách BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới có sự góp mặt của 2 cây bút nữ là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà văn Trịnh Bích Ngân.

BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X
BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ 

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong số ít nữ nhà văn "tài - sắc vẹn toàn" của văn học Việt Nam đương đại.

Chị sinh năm 1966 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Xuất thân trong gia đình trí thức, có bố nhà báo Nguyễn Ngọc Chánh và mẹ là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, từ nhỏ chị đã gần gũi với sách, với văn chương.

Thu Huệ có năng khiếu văn chương từ nhỏ, chị hay viết có khi là những mẩu chuyện gia đình viết cho nhau mỗi ngày, có khi là viết những mẩu ngắn cho riêng mình, nhưng lại mê hội họa hơn cả và thích trở thành họa sĩ. Nhưng sau đó, chị lại quyết định theo học và tốt nghiệp khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Những năm đầu thập kỷ 90, chị miệt mài sáng tác, những tập truyện ngắn và tiểu thuyết như "Cát đợi", "Hậu thiên đường", "Phù thủy"...lần lượt ra đời. Khi các cuộc thi văn học nở rộ, Nguyễn Thị Thu Huệ liên tiếp nhận những giải thưởng lớn, từ cuộc thi “Tác phẩm Tuổi xanh” của báo Tiền Phong đến những cuộc thi của Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tên tuổi của cây bút nữ xinh đẹp nổi lên như một hiện tượng. 

Dù viết những cảnh huống nghịch lý của đời sống hay những khát khao kiếm tìm hạnh phúc, những trang văn của chị vẫn đảm bảo một giọng sắc cạnh nhưng cũng rất trễ nải đàn bà. Thay vì những vấn đề to tát mà chị bắt đầu quan tâm tới những ngóc ngách tâm tư tình cảm của người phụ nữ trước đời sống xã hội, gia đình.

Chị chia sẻ: "Với tôi, viết văn là được sống thêm một cuộc đời, với thế giới của riêng mình, do mình sắp đặt nhưng lại bị chính những nhân vật kéo mình đi. Tôi chỉ thấy được, thấy mình may mắn và không mất gì khi viết văn”. 

Vào thời điểm hiện tại, khi bận rộn với nhiều trọng trách trong hoạt động nghệ thuật như: Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Văn học VN, Phó trưởng Ban thư ký Biên tập Đài Truyền hình VN, và mới đây là một thành viên trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam, chị ít công bố tác phẩm mới.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính, vốn là người khá kỹ tính với chính câu chữ nên chị cũng tự mình khắt khe hơn với việc công bố những tác phẩm văn học mới. Chị tâm sự “Tự thân tôi thấy mình viết cũng khác với giọng điệu trước đây. Giai đoạn trước văn phong của tôi đôi lúc giải thích hay giãi bầy tâm sự, bây giờ nhìn cuộc sống có nhiều chiều hơn, con người cũng đa nhân cách hơn khiến người sáng tác phải đào sâu, và nhìn họ ở nhiều chiều”. 

Bằng tình yêu sâu đậm dành cho văn học, cùng sự cẩn trọng của mình chắc chắn trong tương lai Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới với góc nhìn đằm thắm hơn, sâu sắc hơn bởi những trải nghiệm cuộc sống của chị qua thời gian.

Nhà văn Bích Ngân

Nhà văn Bích Ngân tên đầy đủ là Trịnh Bích Ngân, chị sinh ngày 11.8.1960 tại xã Tân Hưng Tây, Cái Nước, Cà Mau. Chị được coi là một nhà văn đa phong cách trên văn đàn Việt Nam đương đại. Chị viết truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết và cả kịch bản sân khấu.

Nhà văn Bích Ngân
Nhà văn Bích Ngân

Trước nay, truyện hài hước được coi là lãnh địa của phái mạnh, nhưng nhà văn Bích Ngân không hề ngần ngại khi viết về thể loại này. Ngoài hai tập truyện "Trăng mật ở đảo" và "Cái đầu siêu định vị", năm 2019 chị đã xuất bản thêm cuốn "Anh nhớ em muốn chết!" cũng là một tập truyện hài hước thú vị. Dù phải tiết chế về dung lượng (trên dưới 1000 chữ), nhưng "Anh nhớ em muốn chết!" vẫn đủ để bạn đọc phì cười, sau đó là ngẫm ngợi về chuyện nhân tình thế thái.

Tản văn và tạp bút cũng có giọng văn cùng những nhân vật mang cốt cách Nam Bộ. Qua từng trang viết, độc giả có thể hiểu được tác giả đã kết nối và tương tác với đời sống như thế nào, đã có những ưu tư gì trước thân phận con người và những vấn đề đang diễn ra trong xã hội. 

"Đường đến cây cô đơn" là tập truyện ngắn mới xuất bản để lại nhiều dư vị nhất cho độc giả. Nhà văn Bích Ngân đã khai thác hai đề tài chính: hậu chiến và cuộc sống hôm nay. Giữ cho mình một thái độ điềm tĩnh xuyên suốt 13 truyện ngắn, chị viết bằng sự suy tư, ray rứt của mình nhưng vẫn không quên trao quyền ngẫm ngợi và trăn trở cho độc giả.

Bén duyên sân khấu vào khoảng năm 1992, 1993 với giải ba của Hội Sân khấu TP.HCM cho kịch bản "Đất không cưu mang", một lần nữa độc giả không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa tài, đa phong cách của chị. Tập kịch bản sân khấu "Gương mặt kẻ khác" được xuất bản vào tháng 3/2019 góp thêm cho sự đa dạng trong phong cách của nhà văn Bích Ngân.

Đa tài, yêu người, yêu nghề, chị từng giúp đỡ, cưu mang rất nhiều cây bút trẻ qua Tủ sách 8x khi đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ. Hiện nay, chị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi TP HCM nhiệm kỳ 7 (2015-2020) và là thành viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa X. Với những vai trò đang đảm nhiệm ở Hội, chị sẽ còn tiếp tục cống hiến và truyền lửa, đóng góp thêm cho nền văn học nước nhà. 

Ngọc Hiền (t/h)

Nhà văn Lê Minh Hà, Phong Điệp kể chuyện dạy con

Nhà văn Lê Minh Hà, Phong Điệp kể chuyện dạy con

“Chuyện mẹ, Chuyện con” và “Cùng con vượt bão tuổi teen” đều là những chia sẻ tâm huyết từ chính kinh nghiệm làm mẹ của hai nữ nhà văn