Hàng ngàn nhân viên hàng không, du lịch “thất nghiệp” vì COVID-19

Dịch COVID-19 đang lan nhanh ra các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản khiến nhiều hãng lữ hành thoi thóp, kêu gọi nhân viên nghỉ không lương.

Mới đây, thông báo nội bộ của Augustus Tang, CEO của hãng hàng không Cathay Pacific cho biết hơn 25.000 nhân viên đã đồng ý nghỉ việc không lương. 

Bloomberg trích thông báo trên cho biết, ông Tang chia sẻ, thách thức với hoạt động kinh doanh của Cathay vẫn còn gay gắt. Hãng này liên tiếp gặp khó vì biểu tình kéo dài và dịch COVID-19

Đầu tháng 2, Cathay đã kêu gọi các nhân viên nghỉ 3 tuần không lương trong giai đoạn 1/3 - 30/6.
Đầu tháng 2, Cathay đã kêu gọi các nhân viên nghỉ 3 tuần không lương trong giai đoạn 1/3 - 30/6.

Cathay hiện có khoảng 33.000 nhân viên trên toàn cầu, với gần 20.000 nhân viên tại Hong Kong. Đầu tháng 2, hãng này đã kêu gọi các nhân viên nghỉ 3 tuần không lương trong giai đoạn 1/3 - 30/6. Phần lớn khối văn phòng chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, tỷ lệ này với nhóm phi công và tiếp viên lại thấp hơn. Phi công hiện là nhóm nhân viên được trả lương cao nhất tại Cathay. 

Số chuyến bay của Cathay gần đây giảm mạnh vì ảnh hưởng của COVID-19. Việc này càng tạo sức ép lên hoạt động của hãng, vốn đang đi xuống sau các cuộc biểu tình tại Hong Kong nửa cuối năm 2019. Giám đốc khách hàng và thương mại Ronald Lam cho biết kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của Cathay sẽ sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Một nửa doanh thu của Cathay đến từ Hong Kong và Trung Quốc . Trong 2 tháng tới, hãng hàng không này có kế hoạch cắt giảm 90% chuyến bay đến Trung Quốc.

Tại Việt Nam, các hãng lữ hành tiếp tục gặp khó khăn vì phải hủy tour do dịch COVID-19 đang lan nhanh ra các nước như Hàn Quốc , Nhật Bản . Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nợ lương, nhân viên nghỉ việc hàng loạt.

Nhiều hãng lữ hành cầm cự không nổi vì khai thác tour chủ yếu thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều hãng lữ hành cầm cự không nổi vì khai thác tour chủ yếu thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, doanh nghiệp có 30 nhân sự và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19 bởi tour đi các nước Châu Á chiếm thị phần đến 50% lượng khách của công ty.

Từ lúc có dịch, toàn bộ tour đi Trung Quốc bị hủy, nay tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản cũng hủy tiếp. Doanh nghiệp chịu thiệt bởi ngoài việc khách hủy tour khiến đơn vị không có doanh thu. Thêm nữa, toàn bộ số tiền đặt cọc vỡi hãng hàng không cũng không thể lấy lại.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp ông vẫn đang khai thác khách đi Châu Âu nên còn cầm cự được lương cho nhân viên. Tuy nhiên, việc này cũng không thể kéo dài lâu. Nếu như diễn biến dịch còn kéo dài sau 3 tháng, doanh nghiệp ông sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc thay phiên.

Còn một doanh nghiệp lữ hành quy mô nhỏ tại Hà Nội cũng cho hay: “Tôi cho nhân viên nghỉ việc thay phiên. Tuần này nhóm này nghỉ rồi tuần khác nhóm khác nghỉ thay nhau. Lương tôi chỉ còn trả 50%. Chúng tôi hy vọng đến tháng 5 nắng ấm doanh nghiệp sẽ có khách khai thác trở lại”.Còn giám đốc một doanh nghiệp lữ hành chuyên khai thác tour Châu Á ngậm ngùi chia sẻ: “Công ty tạm đóng cửa, tôi cũng đang phải tìm việc cho bản thân. Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp nhỏ chuyên khai thác tuor các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nay gặp phải dịch cả 3 nước đó nên chỉ còn cách đóng cửa”.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtours cũng cho biết, công ty lữ hành cũng hủy toàn bộ tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước đó, tour đi Trung Quốc hủy từ khi diễn ra dịch.

Mới đây trên mạng xã hội cũng lan truyền video ghi lại cảnh nữ quản lý chuỗi khách sạn ở Hà Nội bật khóc khi thông báo cho nhân viên nghỉ việc vì không cầm cự được trong mùa dịch COVID-19.

Khi đọc thông báo, nữ quản lý nhiều lần phải ngừng lại vì xúc động.
Khi đọc thông báo, nữ quản lý nhiều lần phải ngừng lại vì xúc động.

Người quản lý cho biết, nhiều tháng qua, khách sạn, chuỗi nhà hàng của công ty… không có khách đặt. Mỗi ngày doanh thu của cả hệ thống chỉ được từ 1-3 triệu, trong khi chỉ riêng chi phí tiền điện, nước đã là 200-300 nghìn/ ngày. Trước khi đi đến quyết định khó khăn này, khách sạn đã có 2 tháng vật lộn với các phương án nhằm chống chọi với dịch bệnh và cải thiện tình hình kinh doanh nhưng không đem lại hiệu quả.

Những người nghỉ việc về quê nhưng cam kết sẽ quay lại làm việc được công ty này hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ tháng, với những người không có quê hoặc vì một lý do nào đó không thể về quê, thì được hỗ trợ mức là 4 triệu đồng/ tháng.

Nữ quản lý buồn bã cho biết “đây là quyết định rất khó khăn”, “bước đường cùng” và mong nhân viên chia sẻ cùng công ty. Khi đọc thông báo, nữ quản lý nhiều lần phải ngừng lại vì xúc động. Trong khi đó, các nhân viên đứng xung quanh cũng cúi gằm mặt buồn bã.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD do những tác động của dịch bệnh.

Trước đó, nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cũng cho thấy, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn ở một số điểm đến thời gian gần đây đã giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các điểm du lịch trên cả nước, doanh thu cũng giảm 50% vì không còn khách Trung Quốc, trong khi khách Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã vắng hơn nhiều.

 

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương