Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 4)

“Về đến Hà Giang mới biết là mình còn sống/ Mới biết là mình chưa chết đó thôi”, chỉ có ai đã từng treo mình trên Mã Pì Lèng mới hiểu.

Kỳ 4: Sắt đồng trên “sống mũi ngựa”

Chỉ khi đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, ngước lên vách đá 56m so với mặt đường, sau lưng là dòng Nho Quế lành lạnh kẻ một đường chỉ xuyên hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, chúng tôi mới mơ hồ nhận ra cái khắc nghiệt của 11 tháng mở đường tại đây. Nhưng mây mù sông sâu thét gầm, đã không thể ngăn cản được những sắt đồng đôi mươi đang tràn trề nhiệt huyết.

“Đến thăm một lần cho biết”

“Ai chưa đến Mã Pì Lèng hay đến thăm một lần cho biết

Để còn biết anh hùng thanh niên

Họ phải treo trên cáp đục mìn phá đá

Tưởng như mình trên chín tầng mây

Con vắt cắn bụng no rơi xuống

Tay đâu mà bắt”

Câu thơ của một cựu TNXP, người trực tiếp hạ Mã Pì Lèng Trần Anh Tuấn nhiều năm sau vẫn nguyên vẹn cái không khí một thuở.

Sau 50 năm, những tài liệu về đường Hạnh Phúc còn lại đều rất hiếm hoi. Ông Trịnh Xuân Đảm, Phó chủ tịch Hội TNXP TP Hà Giang, người gắn bó với đường Hạnh Phúc từ cây số đầu tiên nói rằng nhiều giấy tờ sau này giao cho Ty Giao thông cất giữ. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, những giấy tờ này được đưa về Tuyên Quang bảo quản. Một trận lụt làm nhà kho ở đó hư hỏng nặng, kéo theo là toàn bộ giấy tờ đều mục nát biến dạng. Vì thế rất nhiều tư liệu đã không còn để đối chiếu.

Ông Trịnh Xuân Đảm
Ông Trịnh Xuân Đảm

Khi tuyến đường Hà Giang Đồng Văn chuẩn bị hoàn thành, “thừa thắng xông lên”, tỉnh ủy Hà Giang quyết định tiếp tục mở đường đến Mèo Vạc. “Đường Đồng Văn Mèo Vạc dài 22km nhưng việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tuyến đường thì chỉ có 10km ở hai đầu là đất hoặc đất xít, còn lại là toàn đá xanh”  - theo Tờ trình công tác thi công đoạn đường Mã Pì Lèng của Công trường Đồng Văn ngày 13-3-1964. Hơn 600 TNXP tình nguyện ở lại tiếp tục công trình, cộng thêm nhân lực từ Hải Dương, Nam Định, cuộc chinh phục đá tiếp tục như chưa từng gián đoạn. Những C Thái Nguyên, C Lạng Sơn, C Cao Bằng, C nghiệp dư, C Cơ dũng… lần lượt bám trụ tạo nên kỳ tích Mã Pì Lèng.

Trực tiếp có mặt suốt đoạn đường Đồng Văn – Mèo Vạc những ngày tháng ấy, nửa thế kỷ sau ngày mở đường, ông Nguyễn Hữu Vọng, C Cao Bằng vẫn nhớ nguyên vẹn cảm giác khi lần đầu nhìn những vách đá trên đỉnh Mã Pì Lèng: “12 khúc cua, ôi chua choa”. Phá đá 22km đường khó khăn hơn nhiều so với suốt hơn 100km đường lên Đồng Văn. Một đội làm từ phía Mèo Vạc trở ra, một đội phá đường Đồng Văn lên, một đội đục núi đá mở đường Mã Pì Lèng, cứ thế bền bỉ treo mình trên các vách đá, phía dưới là dòng Nho Quế xanh ngắt.

Đỉnh dốc Mã Pì Lèng khi chưa được mở đường (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm, tư liệu của ông Vũ Đình Lập)
Đỉnh dốc Mã Pì Lèng khi chưa được mở đường (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm, tư liệu của ông Vũ Đình Lập)

 Những con người của C Thái Nguyên, C Cao Bằng, C Lạng Sơn, C Cơ dũng… ngày đó vẫn đầy đủ công thi đua, thậm chí vẫn đủ sức làm thơ và diễn kịch ngay  trong những ngày treo mình trên dốc đá. Thuở ấy những nhà văn, nhà thơ, nhà báo tới thăm công trường, chỉ dám chống cây gậy thật chắc, ngó ra ngoài hẻm vực một chút mà rùng mình. Câu thơ: “Trượt chân rơi xuống vài trăm thước/ Cây bốn người ôm cũng vụn tăm” chính là từ những ngày này.

Đã từng có những nỗi sợ hãi. Trong những văn bản còn lưu lại, đã có 49 án kỷ luật trên công trường,  có những người dao động, không chịu được khó khăn gian khổ. Ông Hứa Văn Chử, Phó Ban chỉ huy công trường kể khi ông về quê vận động thanh niên lên mở đường giai đoạn hai, người ta mắng ông: “Mày lên đó gian khổ chưa đủ còn về đây bắt thanh niên gian khổ như mày à”. 200 người ông vận động đi, đến nửa đường hơn một nửa lại đổi ý bỏ về. Nhưng cuối cùng, công trường vẫn hoạt động liên tục. Thời điểm ấy, TNXP luôn có mặt trung bình 250-300 người tại công trường trên mỗi đoạn đường, gồm thanh niên sáu tỉnh Việt Bắc, thêm Nam Định, Hải Dương, trung bình có thêm 150-200 dân công địa phương hỗ trợ.

Đi tìm đội Thanh niên dũng cảm

Khó khăn lớn nhất trong hơn 20 cây số này, chính là hơn 1 cây số qua dốc Mã Pì Lèng (tiếng Mông nghĩa là Sống mũi ngựa). Để qua được dốc đá, trước khi có đường anh em hoặc phải treo lên bản Tiên, độ dốc được miêu tả “chân người này đá phải mũi người kia”, hoặc men theo đường mòn 12 khúc cua, có những đoạn chỉ có một khúc cây bắc chênh vênh qua vách đá. Không phải ngẫu nhiên mà Mã Pì Lèng ghi tên mình trong số “tứ đại đỉnh đèo” miền núi phía Bắc.

Ông Phạm Đình Dy khi thị sát lần nữa đã nói với ông Vũ Đắc Điểm: “Không còn cách nào khác đâu, phải phá vách đá Mã Pì Lèng thôi”.  Nhiều người đối diện vách đá cao ngất, toàn đá gan trâu mà nản, đã bỏ về. Chỉ huy công trường Đồng Văn Vũ Đắc Điểm còn ghi lại: “Thật đúng với cái tên Mã Pì Lèng – sống mũi ngựa”.  Đường Hạnh Phúc không ít đoạn công nhân phải buộc dây treo mình vách đá, nhưng riêng ở Mã Pì Lèng đòi hỏi sự can đảm và thử thách cao độ vì ở đây toàn đá gan trâu, vách đá dựng cao, hoàn toàn không có mặt đường để chân, thời gian treo mình cũng dài hơn bất cứ một đoạn đường nào trước đó.

Trong thời gian ấy, một đội quân mang tên Thanh niên dũng cảm (TNDC) đã được hình thành, với kỳ tích treo mình ở nơi hiểm trở nhất toàn bộ cao nguyên đá. Trong Tờ trình công tác thi công đoạn đường Mã Pì Lèng 13-3-1964, một văn bản hiếm hoi xác thực sự tồn tại của đội TNDC có ghi: “Đội dũng cảm nhận nhiệm vụ khai thông đường công vụ rộng từ 1m đến 1m2 từ bên này sang bên kia Mã Pì Lèng làm cơ sở cho chủ lực mở đường. Vì phải leo cao gặp toàn nguy hiểm đội thanh niên này được kiểm tra sức khỏe mọi mặt và gồm những người có nghị lực chiến đấu. Toàn thể anh em đã kinh qua và thành thạo công tác mở đường. Công trường đã nghiên cứu và cử cán bộ có năng lực lãnh đạo đội thanh niên này. Đội TNDC chỉ mở một đường rất bé nhưng hoàn thành được là góp phần thắng lợi cho công trường”.

Ông Nguyễn Hữu Vọng kể ngay khi phát động tình nguyện tham gia đội dũng cảm đã có hơn 100 người đăng ký. Sau đợt kiểm tra sức khỏe công trường chọn ra 35 người, rồi lại chọn tiếp 20 người chủ chốt để treo mình trên vách đá Mã Pì Lèng.

Nổ mìn phá đá đoạn qua Mã Pì Lèng (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm)
Nổ mìn phá đá đoạn qua Mã Pì Lèng (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm)

 Dù rất cố gắng, chúng tôi không thể nào tìm lại được đầy đủ danh sách bằng văn bản 20 người thuộc đội TNDC năm xưa.  Chúng tôi đành dựa vào trí nhớ đã ngủ yên suốt nửa thế kỷ của chủ nhân những bàn tay từng đục choong nổ mìn năm xưa. Năm mươi năm lãng quên rồi bỗng nhiên được nhắc đến, có nhiều câu chuyện mà tính chất thực hư chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Cho đến nay, chúng tôi mới xác thực được năm người trực tiếp treo mình phá đá trên đỉnh Mã Pì Lèng, gồm có C trưởng Nguyễn Sĩ Quốc (Cao Bằng), Trần Anh Tuấn (Nam Định, nay sống ở Hà Giang), Nông Văn Tráng (Cao Bằng), Lưu Văn Dương (Nam Định).

Đội trưởng đội TNDC Nguyễn Sỹ Quốc, giờ đã gần 80, hiện đang sống tại quê nhà Cao Bằng. Ông Quốc đã không còn minh mẫn, chỉ có điều, cứ nhắc tới Hà Giang, Mã Pì Lèng là ông lại rưng rưng. Ánh mắt ấy nói với chúng tôi rằng, ông đã có những ngày tuổi trẻ không thể nào quên trên độ cao chết người cao nguyên đá, đã từng nhặt từng viên đá, nắm chặt từng sợi dây an toàn với tâm niệm: “Sợ cũng phải làm, chết cũng phải làm”. “Đoạn Mã Pì Lèng là khó nhất. Không có đường đi, phải vắt ngang qua núi” – lời nói hiếm hoi bật ra trong trí nhớ đã lãng đãng của người đội trưởng. Ông không nhớ mình đã làm gì, nhưng chỉ cần nhắc đến một cái tên đã quen, mắt ông lại long lanh.

Ông Nguyễn Sĩ Quốc, nguyên đội trưởng đội Thanh niên dũng cảm mở đường qua đèo Mã Pì Lèng
Ông Nguyễn Sĩ Quốc, nguyên đội trưởng đội Thanh niên dũng cảm mở đường qua đèo Mã Pì Lèng

Ông Trần Anh Tuấn, rời quê nhà Trực Ninh (Nam Định) lên Mã Pì Lèng, là người trực tiếp quai búa đục lỗ choòng hạ Mã Pì Lèng vẫn hào hứng với quá khứ: “Anh em phải vần cột cáp qua đỉnh núi, buộc vào một cây nghiến, thả dần xuống. Bắt hai cái cáp vào, thả cáp quàng vào cây nghiến, treo sang hai bên để chằng dây cáp phụ. Mỗi người ngồi trên dây cáp được buộc thành hình như cái quang, một tay cầm búa, một tay cầm chòong nhỏ mà đục. Thỏi thuốc Dynamit với cái dây dắt vào thắt lưng. Khi đục sâu khoảng 15-20 phân rồi, thì gài thuốc nổ vào. Khi hoàn tất, thì neo dây trốn vào vách, vào hang để anh em chập điện nổ. Mỗi ngày một người đục được chừng hai lỗ để gài mìn”. Sau rồi anh em sáng kiến nghiên cứu tìm ra những khe đá để nhét thuốc nổ vào, thì phá được nhiều đá hơn. Có những kẽ nứt phải nhét đến 4 kg thuốc nổ. Cũng theo ông Tuấn, ít nhất 200 kg thuốc nổ đã được sử dụng trong quá trình thi công trên đỉnh Mã Pì Lèng.

Gần cuối chiến dịch mới có máy khoan được đưa vào (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm)
Gần cuối chiến dịch mới có máy khoan được đưa vào (Ảnh chụp của ông Vũ Đắc Điểm)

Ông Lưu Văn Dương, người hiếm hoi còn lại của đội TNDC được xác thực năm xưa, hiện đang ở quê nhà Nam Định. Ông Nông Văn Tráng, một cái tên bật ra trong trí nhớ đã mờ của ông Nguyễn Sỹ Quốc, quê ở Quảng Uyên, xong đoạn đường ông Tráng trở về quê mà mất liên lạc. Hội TNXP Cao Bằng cũng không ai biết ông Tráng hiện ở đâu.

Ngoài đội 20 TNDC, nhiều gương mặt cũng ăn nắng nằm mưa trên đỉnh đèo, cũng treo mình ở nhiều góc đường, quên cả hiểm nguy, nỗi sợ thú dữ hay thường trực cảnh đá lăn qua đầu. Ông Nguyễn Văn Toan, C Cơ dũng kể ngày bắt đầu mở đường giai đoạn 2, những TNXP đứng trước cờ Tổ quốc, thề: “Kiên quyết không để một giọt máu nào rơi ở Mã Pì Lèng”. Ông nhớ lại: “Khi làm treo mình trên vách đá thẳng đứng, đầu tiên đục chỗ anh đứng, đục trong một ngày được một cái lỗ, rồi cắm cái choòng vào đấy làm chỗ rồi buộc dây an toàn. Rồi đục lỗ mìn, đến chiều nhồi thuốc vào để anh bắn được, kéo kíp lên trên bắn”. Đồng đội của ông, ông Nguyễn Dương Phả cũng kể: “Làm cả ngày ông treo chỗ kia tôi treo chỗ này, không  nói chuyện được với nhau. Làm xong giải lao đồng đội cho cơm vào bình tông, kéo lên ăn đứng ngay trên vách đá”.  Ông Lê Xuân Đới, người Hà Nam vẫn nhớ không ít lần đang treo mình mà bước hụt chân, hay đạp phải cạnh đá mà chân tóe máu.

Một báo cáo hiếm hỏi nhắc đến đội Thanh niên dũng cảm
Một báo cáo hiếm hỏi nhắc đến đội Thanh niên dũng cảm

Sau sáu tháng hoàn toàn dùng sức người, con đường nhỏ rộng chừng 1m hình thành, anh em có thể vịn dây cáp mà men qua Mã Pì Lèng. Thêm nửa năm nữa, người ta mới bắt đầu đưa máy khoan vào. Ông Hoàng Đức Long, ông Chu Viết Hằng… là những người có mặt cuối cùng trong đội TNDC, phụ trách hai chiếc máy khoan mở  đường từ hai bên đỉnh đèo. Ông Vũ Đắc Điểm từng mô tả: “Máy khoan lỗ mìn nặng hàng tấn theo chân người bò lên đỉnh dốc Mã Pì Lèng, quãng đường gay go nhất của công trường Đồng Văn Mèo Vạc”. Nhờ có máy móc, năng suất công trường tăng lên, có thể phá hàng trăm khối đá một ngày.

Rất nhiều năm sau, người ta mới biết ngày đó, vì sự nguy hiểm của cung đường, công trường đã chuẩn bị sẵn 20 chiếc quan tài dành cho đội TNDC. Thời gian gấp gáp, mới có 11 chiếc được hoàn thành, giấu một chỗ. Suốt thời gian trên vách đá, sáng dậy chào cờ làm truy điệu sống, chiều về nhìn nhau thời phào biết vẫn an toàn, đội TNDC cũng chỉ nhận hơn anh em khác vài cân gạo không độn.

“Về đến Hà Giang mới biết là mình còn sống/ Mới biết là mình chưa chết đó thôi”, câu thơ của ông Nguyễn Mạnh Thùy – C nghiệp dư, chỉ có ai đã từng treo mình ở đó những ngày tháng ấy, có lẽ mới thấm thía.

(Còn tiếp)

“Phá đá phá rừng này, đường lên đỉnh núi.  Qua thác qua ghềnh, này cầu bắc sang sông. Quanh ta là mây mù, sông sâu là thét gầm, chân ta là sắt đồng nào, cùng đi lên” – những cựu TNXP đã hát cho chúng tôi nghe bài Mở đường Đồng Văn với lời ca như thế. 

TN

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Trong một báo cáo năm 1962, công trường đề nghị tỉnh Hà Giang: “Cấp thêm ngô hoặc sắn cũng được, đừng cấp gạo nếp, ăn không no”.