Hơi thở quẩn quanh

Bà nằm lặng phắt. Người run lên. Nhắm mắt vờ ngủ, bà nghe rõ tiếng tim đập thịch thịch, hai bàn tay xoắn chặt vào nhau, để bớt run lên.

Tự nhiên cuối cái ngõ nhỏ hai xe máy không thể cùng đi một lúc mọc ra cái tiệm gội đầu làm móng tên “Mùa Xuân”. Ngõ nhỏ và sâu, khách ngoài đường lớn không biết để vào, có nghĩa tiệm này chỉ phục vụ cư dân trong ngõ. Sáng hôm ấy, bà đi chợ như mọi lần, qua tiệm gội đầu thấy mấy giỏ hoa, cô chủ là hàng xóm quen mấy chục năm, túm tay: “Cô Thùy, mời bác vào gội đầu làm móng, ủng hộ cháu cho đông khách!”. 

Bà Thùy ngượng ngùng: “Cô chúc mừng cháu. Từ bé tới giờ tự gội đầu bằng nước bồ kết, cô không quen đâu, ngại lắm!”. “Thử một lần đi cô. Tóc cô dài, gội ngược hay rụng tóc hơn nằm ra bàn gội. Cháu cũng có tinh dầu bồ kết, bảo đảm cô thích, thử đi cô!”. 

Gần đây, mỗi lần chải mái tóc dài ngang thắt lưng đã điểm bạc, cảm giác bồn chồn tê buồn luôn khiến má bà ửng hồng. Mái tóc suôn dài nổi tiếng từ mấy chục năm trước khiến chồng bà luôn tự hào với bạn một cách thái quá mỗi khi tụ họp, rằng ông hay dúi mặt vào bảo “đang tắm sông quê”. Vậy mà giờ nó xác xơ rụng do chứng mất ngủ và rối loạn tâm sinh lý tuổi già. Xót xa, bà phàn nàn với chồng, ông sõng sượt: “Ôi giời, già rồi, đẹp với ai, cắt cụt như tôi cho mát!”.

Hơi thở quẩn quanh

Thì vẫn biết vợ chồng ở lâu thành quen, lúc quay về như bạn học, lại giống anh em, đôi khi không thân bằng hàng xóm, nên bà có cắt phăng mái tóc như dòng nước sông quê nhà ông, ông cũng không quan tâm. Thế nên, việc mười ngón tay của một người khác giới ve vuốt, xoa bóp cho bà một tuần hai lần, giống như luồng điện, xung cho bà những rung động xốn xang. 

Hiệu gội đầu chỉ tuyển con trai với lý do giản dị: “Bọn con gái mới lớn phức tạp, chứa đầy bụng rủi ro, chả dại dính vào bác ạ. Cháu tuyển rặt giai, nhanh nhẹn, khéo tay, mà khách cũng thích”. 

Vẫn nhớ lần đầu, bà ngượng ngùng loay hoay trèo lên cái bàn gội, và một cánh tay uyển chuyển vừa mạnh mẽ, lại không khiến bà đau đặt ngang lưng đỡ bà nằm xuống. Chỉnh phần vai cho ngay ngắn, đầu đặt chính giữa cái gối cách một khoảng vừa để nước chảy xuống chậu, hơi thở cậu thanh niên phả ấm mặt bà: “Ôi chao, cô có mái tóc thật tuyệt vời!”. Cậu ta thốt lên với vẻ chân thành, khiến bà ngạc nhiên như lần đầu tiên nghe thấy. Người bà chợt như có luồng điện chạy qua. Bà chống chế, giọng hơi khàn đi: “Giờ khô và rụng nhiều rồi cậu. Tôi gần 60 tuổi rồi, may chưa bạc nhiều thôi”. “Không cô ơi, tuổi cô thế mà có bộ tóc thế này quả là đặc biệt lắm. Sợi mềm, lại bóng, suôn thẳng. Khi nước chảy vào, tay cháu luồn qua tóc cô, như để tay đầu dòng suối và nước chảy qua rất êm”.

Bà nằm lặng phắt. Người run lên. Lần thứ hai có người ví tóc bà như dòng sông, đầu suối. Nhắm mắt vờ ngủ, bà nghe rõ tiếng tim đập thịch thịch, hai bàn tay xoắn chặt vào nhau, để bớt run lên.

Cậu thanh niên nhẹ nhàng xả nước cho tóc ướt đều, thấm hết vào da đầu và đổ từ từ nước bồ kết ấm ấm lên tóc, từ từ gãi hết một lượt, lại mát-xa bóp nhẹ từng vùng đầu... Thỉnh thoảng, hơi thở ấm áp phủ lên mặt bà, mỗi khi cậu hơi cúi người để bóp nhẹ phần gáy, và cổ.

Bà ngủ thiếp đi, trong sự êm dịu, mát lành. Ngủ một lèo, kể cả khi việc gội đầu mát-xa đã xong từ lâu. Khi hai bàn tay không nắm chặt vào nhau, rơi thõng xuống, bà mới choàng tỉnh, ngơ ngác, hốt hoảng vùng dậy. Cậu thanh niên đang ngồi đọc gì đó trên điện thoại, mỉm cười nhìn bà: “Cháu thấy cô ngủ say nên lấy chăn mỏng đắp để cô ngủ ạ. Cháu cũng lấy khăn khô thấm tóc cho cô và sấy nhẹ rồi”. “Ôi, ôi!” - bà chỉ biết nói hai chữ ấy và nhảy xuống khỏi cái bàn.

Chiều tối hôm đó, khi giáp mặt chồng, bà thập thò định kể chuyện hôm nay, lần đầu tiên bà “ngủ lang”, và có một người khác giới, dù nó chỉ bằng tuổi con gái út đã chạm vào mái tóc vốn độc quyền của ông. Nhưng cả bữa ăn ông không hề nhìn bà một lần, không thấy hôm nay tóc bà rất óng, được tết một cái đuôi sam, da mặt chợt hồng vì được đắp mặt bằng bột khoai tây và nghệ. Ông không hề biết có một điều gì khác ở con người bà. Đấy không phải là ngoại tình, dù chỉ trong tư tưởng, mà là sự cọ xát mới lạ, với người khác giới, khi cả đời bà chỉ biết có ông. Bà lại còn rót hai ly rượu vang đợi ông cụng ly như ngày xửa ngày xưa, uống coca ông cũng cụng. Nhưng ông cắm cúi ăn và uống toạp một phát hết ly rượu, chê: “Kể ra mấy món này, rượu ngâm hợp hơn”. 

Bây giờ, sau 3 năm, cô bé chủ tiệm chợt bán nhà, do chồng làm ăn thua lỗ. Chủ mới về hôm trước hôm sau mở bán nem chua rán, ốc luộc, lòng lợn tiết canh. Cũng từ hôm ấy, bà chọn cách phải đi chợ hay ra phố, bằng con đường ngoắt ngoéo qua một ngõ khác, dù xa hơn đường cũ khá nhiều.

Mỗi lần tự gội đầu, cúi xuống thả mớ tóc dài xuống chậu, và tự lấy cái ca nhựa múc từng ca nước âm ấm dội lên tóc, da đầu râm ran cảm giác, bà đều tự nhủ đây mới thực là đời sống của mình, cho tới khi nào không sống nữa.

Nguyễn Thị Thu Huệ

Những người đàn bà không cần đàn ông

Những người đàn bà không cần đàn ông

Người đàn bà tự chủ, tự vui với nhan sắc của mình, tự chăm sóc vẻ đẹp của mình, vì bản thân mình, không lệ thuộc vào ai, và không cần ai.