Dịch bệnh cải thiện M&A khách sạn hay khu du lịch sẽ nóng hơn trong những tháng tới.

Hoạt động định giá khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sôi động hơn, do gia tăng yêu cầu của nhà đầu tư về việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, hay yêu cầu của các định chế tài chính về việc xác định lại giá trị tài sản đảm bảo, hoặc của các bên mua và bán muốn tiến hành giao dịch.

Có thể thấy, viễn cảnh trong ngắn hạn của thị trường khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng khá ảm đạm. Nhưng xét về dài hạn, ngành này vẫn có cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Thực tế, trước khi đại dịch xảy ra, đây là một trong những lĩnh vực hoạt động sôi động nhất Việt Nam.

Theo ghi nhận của JLL, doanh thu trung bình phòng các khách sạn (RevPar) tại TP.HCM ổn định ở mức tăng 2,8%/năm trong giai đoạn 2014 - 2019. Mặc dù tổng nguồn cung khách sạn tăng trung bình khoảng 6,5%/năm, nhưng tổng lượng khách tăng mạnh hơn, với 13,5%/năm. Nguồn cung đa dạng và các lực đẩy về nhu cầu đã giúp các khách sạn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 5 năm qua.

Nói về xu hướng M&A khách sạn thời gian tới, bà Đỗ Thị Thu Giang, quản lý cấp cao Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính của Savills TP.HCM tin rằng, ngành du lịch - khách sạn Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh chóng sau dịch.

“Lực kích cầu từ khách nội địa đang chiếm tỷ trọng lớn (82,5% trong năm 2019), khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Trong khi đó, 2 thị trường khách du lịch lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc đã cho thấy dấu hiệu Covid-19 bị đẩy lùi thông qua việc nới lỏng giãn cách xã hội”, bà Giang nhấn mạnh.

Một khách sạn 5 sao có tiếng ở Nha Trang được chào giá 1.500 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với lần rao bán trước. Một khách sạn trên đường Hùng Vương (Nha Trang) chào bán giá 450 tỷ đồng, giảm 15% so với hồi tháng 6/2020.

Trước đó, Ngân hàng BIDV đã thông báo đấu giá hàng loạt khoản nợ “khủng”. Trong đó, một khoản nợ được ngân hàng này đấu giá với mức hơn 377,98 tỷ đồng liên quan đến Trung tâm hội nghị - tiệc cưới Crystal Palace tại quận 7, TP.HCM. Hay thông tin rao bán hàng loạt khách sạn nhỏ ở các khu vực như Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn... cũng đang được nhiều môi giới đăng tin rao bán.

Theo thông tin sơ bộ vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 250 đến 260 khách sạn/căn hộ/biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24.7% tổng số khách sạn (1080 khách sạn). Chủ khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp rao bán khách sạn 16 tầng, 120 phòng, diện tích 450m2 giá 320 tỷ. Khách sạn được quảng cáo có nhà bếp, phòng ăn, sân thượng, chỗ để xe hơi,... Theo người bán, khách sạn mới được khai thác từ năm 2018 đến nay, lượng khách ổn định, công suất phòng mùa cao điểm là 98% còn mùa thấp điểm là 75%.

Hay khách sạn mặt tiền đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng), view sông Hàn thơ mộng, diện tích hơn 300m2 bán với giá 200 tỷ.

Công ty TNHH Strategic Property Investors (trụ sở tại Thái Lan) đang rao bán 100% cổ phần tại 3 khách sạn ở Việt Nam và Indonesia. Trong đó, có 2 khách sạn ở Việt Nam là Ibis Saigon (quận Tân Bình, TP.HCM) và Capri by Frasers (quận 7, TP.HCM). Vào tháng 4/2020, Công ty LT Rubicon Limited đến từ Anh đề nghị mua lại 3 khách sạn trên với giá 118 triệu USD. Tuy nhiên, gần đây, con số này đã giảm còn 105 triệu USD.

khách sạn 4 sao Fusion Suites Saigon (quận 1, TP.HCM) đang rao bán với giá 50 triệu USD (tương đương 1.165 tỷ đồng). Khách sạn này có diện tích hơn 900 m2, gồm 2 hầm, 10 tầng và 84 phòng. Thực tế, khách sạn này đã được rao ban từ đầu năm 2020, nhưng đến nay như vẫn chưa tìm được người mua.

Từ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, đến các địa phương du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…, thị trường khách sạn đang đối mặt với khủng hoảng vì kinh doanh thua lỗ.

Tĩnh Kiên

( Tổng Hợp)